Cách đây 75 năm, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn đang diễn ra ác liệt, ngày 11/6/1948 Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, với mục tiêu vừa thiết thực vừa to lớn: “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Lời kêu gọi của Bác mở đầu cho phong trào hành động cách mạng của toàn dân được tổ chức, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Giá trị của tư tưởng Bác về thi đua
Với phong cách viết ngắn gọn, súc tích, giản dị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” để động viên Nhân dân ta “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Lời kêu gọi, hiệu triệu của Người đã thôi thúc hàng triệu triệu người dân Việt Nam yêu nước không ngại hy sinh, gian khổ, tích cực thi đua lao động sản xuất, thực hiện thành công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện mục tiêu của thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi mọi tầng lớp Nhân dân: “Các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng, đồng bào phú hào, đồng bào công nông, đồng bào trí thức và chuyên môn, nhân viên Chính phủ, bộ đội và dân quân”,… ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc… bằng chính cương vị, nghề nghiệp, chức năng của mình, phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc. Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn. Phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp. Công nông thi đua sản xuất. Trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh. Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự Nhân dân. Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.
Người nói, “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc”.
Trong thi đua yêu nước, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải làm gương sáng cho mọi người, tập thể noi theo. Bác nêu rõ: “Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”; “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”…
Thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và trực tiếp lãnh đạo đã trở thành cao trào hành động cách mạng sôi nổi, rộng khắp, lôi cuốn cả dân tộc, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc của đất nước. Người cũng đã để lại di sản tư tưởng về thi đua, những kinh nghiệm phong phú về công tác vận động, tổ chức, lãnh đạo thi đua và bản thân Bác đã nêu tấm gương thi đua mẫu mực.
Thi đua góp phần quan trọng giành thắng lợi vẻ vang của dân tộc
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, mọi người Việt Nam đã hăng hái thi đua vượt mọi khó khăn, ra sức lập công… Trong sự nghiệp giải phóng đất nước “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Nhân dân ta chấp nhận hy sinh, gian khổ, kiên trì chiến đấu dấy lên cao trào hành động cách mạng trong chiến đấu và xây dựng, ở tiền tuyến cũng như hậu phương, từ trong Nhân dân đã hình thành những phong trào thi đua lớn như: “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Mỗi người làm việc bằng hai người vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Đồng Khởi”, “Tổng tiến công nổi dậy”, “Ba sẵn sàng, năm xung phong, ba đảm đang”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”… Khí thế qua các phong trào thi đua thật sôi động, hào hùng đã tiếp tục khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tinh thần quật cường, hy sinh cao cả, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, góp phần đưa cách mạng nước ta giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, đưa đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp.
Sau năm 1975, thống nhất Tổ quốc, tinh thần thi đua theo lời kêu gọi của Bác tiếp tục được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ. Các phong trào thi đua đã từng bước bắt kịp với những thay đổi của đất nước, với các phong trào “xóa đói giảm nghèo”, thể hiện bản chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và truyền thống nhân ái “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”. Nhiều điển hình xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu hợp pháp; kết hợp chặt với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” bằng các cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, ấp (khu vực) văn hóa, xã (phường) văn hóa và xây dựng nông thôn mới. Tiếp đến, phong trào nêu gương “người tốt việc tốt” với việc khuyến khích, biểu dương làm những việc tốt, trở thành người tốt. Đặc biệt, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng… bằng nhiều hình thức sôi động, phong phú như “xây nhà tình nghĩa”, “áo lụa tặng bà”, tặng sổ tiết kiệm”… đã tạo không khí hồ hởi, phấn khởi trong Nhân dân, khơi dậy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” đã tác động sâu đậm đến tâm tư, tình cảm và ý thức chính trị của các tầng lớp Nhân dân. Các phong trào thi đua ngày càng nở rộ khắp nơi ở mọi cấp, mọi ngành, mọi nơi.
Có thể nói, tác động của phong trào thi đua thật to lớn đã góp phần động viên sức người, sức của, mồ hôi, trí tuệ của cả nước trong cuộc trường chinh vĩ đại của mình. Đồng thời, truyền thống thi đua yêu nước đã và đang là động lực tinh thần quý báu, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực mới góp phần đem lại những thành tựu khởi sắc trong 37 năm đổi mới, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”; khẳng định Việt Nam được chấn hưng theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, thời gian qua phong trào thi đua yêu nước ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn còn một vài hạn chế, nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến ở một số nơi chưa được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và tích cực nhân rộng. Một số cơ quan, địa phương vẫn còn “bệnh thành tích”, cạnh tranh không lành mạnh hoặc mang tính hình thức trong phong trào thi đua, dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua trong giai đoạn hiện nay
Để tiếp tục phát huy sức mạnh của phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ mới, nêu cao khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò và tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước; về phong trào thi đua trong giai đoạn mới. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua trong tập thể và ý thức tự giác của mỗi cá nhân.
Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước ngày càng thiết thực, hiệu quả; gắn các phong trào thi đua với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ cấp bách ở địa phương, đơn vị. Các phong trào thi đua cần được tổ chức sôi nổi, rộng khắp với những hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí thi đua cụ thể, hướng vào những trọng tâm, đột phá; tạo sự đồng thuận của toàn xã hội; phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Ba là, kịp thời lựa chọn, phát hiện, bồi dưỡng các điển hình, nhân tố mới, các tấm gương người tốt, việc tốt, các mô hình điểm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để động viên, khen thưởng, tuyên truyền động viên, cổ vũ và nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Gắn các phong trào thi đua yêu nước với rèn luyện đạo đức cách mạng, phát huy sáng kiến, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; chống chủ nghĩa hình thức. Chú trọng việc khen thưởng phải bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, chính xác, có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương.
Bốn là, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hiệu quả và đột phá để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát về thi đua, khen thưởng; kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm, chọn điểm trước khi nhân rộng phong trào. Các cơ quan, đơn vị phụ trách thi đua, khen thưởng cần đổi mới tác phong làm việc, cải cách thủ tục theo hướng tinh gọn, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, chuyển đổi số, đảm bảo thực thi nhiệm vụ đạt chất lượng, hiệu quả, thiết thực.
Thi đua theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua đến nay vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận, thực tiễn và hiện đang tỏa sáng trong đổi mới, hội nhập, đang soi rọi vào cuộc sống của Nhân dân ta. Mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân phải tiếp tục học tập tư tưởng thi đua của Bác, ra sức thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; sửa đổi lối làm việc; nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, nêu cao khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Ths Nguyễn Thanh Hoàng