Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Nhớ về Bác Hồ, chúng ta cùng nhau suy ngẫm lại những lời dạy của Người đối với giai cấp công nhân và lao động, viên chức của tổ chức Công đoàn Việt Nam để càng thêm tự hào, thêm tin tưởng, thêm quyết tâm vững bước trên con đường Bác đã chọn.
Lịch sử phong trào Công đoàn Việt Nam kể từ khi thành lập đã trải qua ba phần tư thế kỷ. Trong quá trình đó, giai đoạn khai sáng và khai sinh phong trào trong những năm 20 của thế kỷ XX là giai đoạn lịch sử quan trọng nhất gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước, bắt đầu những năm tháng Người trở thành công nhân hoà mình với giai cấp cần lao trong phong trào công nhân quốc tế và đến với công đoàn. Qua bao năm bôn ba khắp châu Âu, châu Á, châu Mỹ, Người thấy rõ ở đâu giai cấp công nhân và nhân dân lao động cũng là bạn, cũng là những người bị cùng khổ như nhau và Người rút ra nhận định “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người - giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi - tình hữu ái vô sản”(1). Năm 1913 khi vừa tới nước Anh, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia Công đoàn hải ngoại - tổ chức nghiệp đoàn của những người thợ thuộc địa sống trên đất Anh. Nhận thức đầu tiên của Người về công đoàn bắt đầu từ đây. Cuối năm 1918, Người tham gia Đảng xã hội Pháp và cùng với những đồng chí của mình, Người đã hoạt động tích cực và đóng góp có hiệu quả vào việc xây dựng các tổ chức công đoàn trong công nhân Pháp. Sau đó, Người trở thành đoàn viên chính thức của Công đoàn Kim khí quận 17 - Paris.
Một sự kiện đáng ghi nhớ là Nguyễn Ái Quốc đã tham gia Đại hội III Quốc tế Công hội đỏ, vào tháng 7/1924 tại Matxcơva và là đại biểu duy nhất cho giai cấp công nhân thuộc địa ở Đại hội. Tham luận chính thức của Người là một thông điệp lên án mạnh mẽ sự bóc lột dã man của thực dân Pháp ở Đông Dương và là tiếng nói chính thức đầu tiên trên diễn đàn quốc tế yêu cầu thành lập Công hội đỏ ở Việt Nam. Trước đó, Người đã nghiên cứu kỹ biên bản cuộc họp ngày 27/6/1923 của Ban Chấp hành Quốc tế Công hội đỏ; nghiên cứu tính chất, đặc điểm các công đoàn lúc đó ở Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ... để đưa vào cuốn sách nổi tiếng của mình Bản án chế độ thực dân Pháp. Người viết: “Việc cần thiết hiện nay là phát động một cuộc tuyên truyền lớn để thành lập các tổ chức công đoàn ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa và phát triển các công đoàn hiện có còn đang ở hình phức phôi thai”. Trong bài viết của Người về phong trào công nhân, Công đoàn Thổ Nhĩ Kỳ đăng trên báo Nhân Đạo (L’Humanité) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp ra ngày 01/01/1924, Người đã phân tích rõ những đặc điểm của tổ chức Công đoàn Thổ Nhĩ Kỳ cũng là đặc điểm của phong trào công đoàn ở một số nước thuộc địa lúc ấy để mọi người liên hệ cụ thể đến điều kiện hoạt động và tổ chức ra công hội trong nước. Bài báo đã gây một sự chú ý đặc biệt đối với những ai quan tâm đến sự nghiệp giải phóng người lao động.
Năm 1925, trên Tuần báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Thanh niên do Người sáng lập, Bác đã viết một số bài về tổ chức Công hội đỏ Quốc tế, từ đó rút ra những cơ sở lý luận tiến tới tổ chức hợp nhất các công hội ở Việt Nam. Trên số báo Thanh niên ra ngày 03/10/1926, Người viết “Ở nước ta công nhân có ba thứ: một là thủ công (nghĩa là làm bằng tay, nước ta phần nhiều làm bằng tay); hai là công xưởng (nghĩa là dùng máy làm công) nhà máy dệt, xe lửa...; ba là bán công (nghĩa là khi thì cày hoặc buôn bán, khi thì đi làm công), mỗi thứ công nhân một khác, cho nên cách tổ chức cũng không giống nhau được. Đại khái chia ra làm chức nghiệp tổ chức và sản nghiệp tổ chức. Chức nghiệp tổ chức là nghề nghiệp nào tổ chức theo nghề nghiệp ấy... Sản nghiệp tổ chức là không theo nghề nghiệp mà theo những người làm công tác ở chỗ nào thì tổ chức ở chỗ ấy”.
Trong tác phẩm Đường Cách mệnh xuất bản năm 1927, Bác đã nói nhiều đến tính chất, nhiệm vụ của tổ chức công hội và nhấn mạnh: “Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”(2). Với lời lẽ giản dị, định nghĩa nói trên đã khái quát rất sâu sắc toàn bộ chức năng công đoàn theo kiểu Việt Nam, trong đó Người đề cập đến chức năng, nhiệm vụ tập hợp, giáo dục, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi, trách nhiệm của công đoàn đối với dân tộc, đối với thế giới. Cũng trong định nghĩa đó toát lên những tính chất của công đoàn: tính quần chúng, tính giai cấp, tính độc lập về tổ chức. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được quán xuyến trong toàn bộ hoạt động của Công đoàn Việt Nam từ đó, kể cả sau khi giai cấp công nhân đã giành được chính quyền. Nội dung các bài viết là cơ sở lý luận quan trọng về cách thức xây dựng và đường hướng hoạt động của tổ chức công hội. Dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đứng ra triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ miền Bắc Việt Nam vào ngày 28/7/1929 và ngày này đã trở thành Ngày truyền thống hàng năm của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đào tạo cả một lớp các nhà lãnh đạo đầu tiên của công đoàn. Một trong những người sáng lập phong trào Công đoàn Việt Nam là người thuỷ thủ Tôn Đức Thắng. Sự kiện Tôn Đức Thắng kéo lá cờ đỏ lên tháp cờ chiến hạm France làm cuộc phản chiến nổi tiếng trên biển Đen ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga đã được Nguyễn Ái Quốc cổ vũ kịp thời ngay ở diễn đàn Đại hội Tour - Pháp (tháng 12/1920). Cuối năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã giao cho Nguyễn Lương Bằng thành lập “Hải viên công hội” trong công nhân, thuỷ thủ Việt Nam trên tuyến đường biển Thượng Hải - Hồng Kông - Hải Phòng, khép kín đường liên lạc giữa Sài Gòn với Paris tạo thành hành lang đa sách báo, tài liệu cách mạng về Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc cùng tổ chức phong trào vô sản hoá thu hút những trí thức yêu nước đi vào nhà máy, hầm mỏ, vừa rèn luyện, vừa vận động công nhân tham gia các tổ chức cách mạng. Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Quốc Việt và nhiều nhà lãnh đạo khác đã trưởng thành trong phong trào này.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng chăm sóc từng bước đi, từng bước trưởng thành của Công đoàn Việt Nam. Mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Người vẫn thường xuyên quan tâm đến công tác công đoàn và phong trào công nhân lao động.
Trong công tác, Người luôn căn dặn: Cán bộ công đoàn phải tham gia lao động, gần gũi công nhân viên chức. Cán bộ công đoàn mà xa công nhân thì làm tròn nhiệm vụ làm sao được? Cán bộ công đoàn phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bàn bạc với công nhân. Mỗi công nhân, viên chức phải tự nguyện, tự giác giữ kỷ luật lao động, phải làm đủ 8 giờ vàng ngọc, phải giữ gìn của công và thực hành tiết kiệm.
Người chỉ rõ: Nước ta nghèo, muốn sung sướng thì phải cần cù lao động, coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, là nguồn tạo nên hạnh phúc của mọi người và cho cả thế hệ mai sau. Cán bộ, công nhân, viên chức đã hiểu như vậy cho nên đã cố gắng làm việc tốt. Nhưng vẫn còn một số chưa hiểu đúng như thế cho nên lười biếng lao động.
Về công tác công đoàn, Bác nhấn mạnh tầm quan trọng của tổ chức công đoàn: “Muốn tổ chức và phát triển lực lượng xây dựng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có Công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt. Người yêu cầu công đoàn các cấp phải chủ động xây dựng quan hệ đoàn kết và phối hợp giúp đỡ nhau giữa các tổ chức và các ngành nghề; phải chống tư tưởng chờ đợi, ỷ lại và cục bộ; phải có kế hoạch bồi dưỡng các anh hùng và chiến sĩ thi đua để phát huy vai trò kiểu mẫu và tác dụng đầu tàu của họ; đối với anh em lao động trí óc và cán bộ khoa học kỹ thuật, phải có kế hoạch giúp đỡ họ không ngừng tiến bộ và đoàn kết; Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động, phải thực sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân viên chức. Công đoàn các cấp cần phải cải tiến lề lối làm việc, sâu sát và thiết thực.
Người dành nhiều thời gian để đi thăm, nói chuyện với cán bộ, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, công, nông, lâm trường. Sự kiện cuối cùng trong chuỗi biên niên sử này là ngày 18/7/1969, không bao lâu trước lúc đi xa, trong buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo Tổng Công đoàn, Người căn dặn: “...Ta xây dựng chủ nghĩa xã hội từ hai bàn tay trắng đi lên thì khó khăn còn nhiều và lâu dài. Cán bộ, công nhân viên chức nhất là cán bộ công đoàn phải thấy hết tình hình khách quan đó mà ra sức vận động công nhân viên chức cố gắng lao động sản xuất, đi đôi với thực hành tiết kiệm, cùng nhau vượt khó khăn để chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội…”.
Muốn giáo dục tốt công nhân, trước hết đội ngũ cán bộ công đoàn “phải đoàn kết nhất trí. Phải kiên quyết xây dựng cho được sự đoàn kết nhất trí trong các hệ thống công đoàn”. Trong nội bổ tổ chức công đoàn “phải thực hành dân chủ thực sự, đi đôi với tôn trọng lãnh đạo tập thể. Mỗi khi ra một chỉ thị, nghị quyết đều phải vì lợi ích chung của quần chúng, tìm hiểu trình độ tiếp thu của quần chúng để biết kết quả thực tế mà uốn nắn sữa chữa”. Có thế, công đoàn “mới xây dựng được một đội ngũ công nhân có giác ngộ cao, có lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội nồng nàn, có tinh thần làm chủ tập thể, thực sự có trình độ văn hóa và khoa học, kỹ thuật”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công đoàn cách mạng Việt Nam mãi mãi là kim chỉ nam cho mọi hành động của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong mọi thời kỳ cách mạng hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ths Nguyễn Thanh Hoàng