Cho đến tận hôm nay, công chúng yêu nhạc vẫn tràn ngập niềm xúc động sâu lắng mỗi khi vang lên giai điệu bài hát nổi tiếng Lời ca dâng Bác của nhạc sĩ Trọng Loan qua sự thể hiện của danh ca - NSND Thanh Huyền.
Thập niên 60 của thế kỷ XX có rất nhiều ca khúc ca ngợi Hồ Chủ tịch của các nhạc sĩ: Văn Cao, Tô Vũ, Lưu Hữu Phước, Phạm Tuyên, Lưu Cầu, Trần Kiết Tường… Riêng với nhạc sĩ quân đội Trọng Loan mãi tới năm 1968 mới có được món quà dâng cho Bác. Bài hát ngay từ đầu tiên ra mắt đã thực sự làm triệu trái tim xúc động. Nhạc sĩ Dân Huyền kể lại, bài hát Lời ca dâng Bác được đem tới Đài Tiếng nói Việt Nam vào dịp đầu tháng 4-1968, đích thân Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Tiểng giao cho các nhạc sĩ Ban âm nhạc của đài thực hiện phối khí, dàn dựng thu âm để kịp chào mừng kỷ niệm sinh nhật Bác 19-5. Người được mời hát cùng tốp ca chính là nghệ sĩ Thanh Huyền - được mệnh danh là sơn ca của nền âm nhạc cách mạng thời điểm đó. Với chất giọng nữ cao, lại thấm đẫm chất dân ca, ngay từ khi còn thiếu niên Thanh Huyền đã được hát phục vụ Bác Hồ, được Bác động viên khen thưởng. Vì thế, được giao trọng trách hát bài ca ngợi Người là vinh dự và hạnh phúc lớn lao của nghệ sĩ, và sau này mới biết rằng đây là một trong những bài hát cuối cùng viết về Bác, được Người nghe trước lúc đi xa.
|
Lời ca dâng Bác được phát triển từ những ý tưởng sâu lắng đầy thành kính của người nhạc sĩ với lãnh tụ. Đó là câu nói của Bác khi tiếp Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu ở miền Nam ra thăm năm 1962, Bác ôm hôn thắm thiết. Người chỉ tay vào ngực trái mình nói câu nổi tiếng: “Miền Nam trong trái tim tôi!”. Rồi năm 1967, khi Quốc hội muốn trao Huân chương Sao Vàng và Huân chương Lê Nin (do Liên Xô trao) nhưng Bác nói: “Tôi muốn ngày thống nhất hai miền, đồng bào miền Nam sẽ trao cho tôi!”. Nhạc sĩ Trọng Loan rất cảm động, tuy nhiên có một động lực lớn đó chính là ông nghe tin sức khỏe Bác bắt đầu yếu. Sau nhiều lần thể hiện, nền giai điệu đều chưa ổn, cuối cùng ông chợt nhớ đến những điệu dân ca miền Trung quê Bác và đúng như vậy, giai điệu mượt mà, dịu dàng nhưng sâu lắng: “Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác. Có mối tình nào thủy chung son sắt, như tấm lòng của Bác nhớ tới đồng bào miền Nam. Bao núi bao sông, bấy nghĩa bấy tình”. Tác giả sử dụng nhiều nốt luyến láy uyển chuyển thiết tha nhưng rất dễ thể hiện, vì thế khi ca sĩ hát, người nghe ai cũng thuộc và tự ngân nga những đoạn ca khúc như một lời ru của mẹ ngày xưa. Còn chủ đề bài hát thì đúng như sự thẩm thấu của người nhạc sĩ về tâm hồn, trái tim và suy nghĩ của Bác thời điểm đó: Thống nhất miền Nam! Đó chính là sự khát khao cháy bỏng lớn lao nhất của Người tới khi nhắm mắt! Nghe kể rằng, dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1968, Người đang đi dưỡng bệnh ở nước ngoài nhưng bên người bao giờ cũng có chiếc đài bán dẫn, vì thế khi được nghe Lời ca dâng Bác, Người rất xúc động. Sau này, nhạc sĩ Lưu Cầu có bài hát “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” càng thể hiện rõ điều đó, rất tiếc bài hát được hoàn thành sau khi Bác mất một tháng!
Nhạc sĩ Trọng Loan là Phó Trưởng đoàn Ca múa nhạc quân đội, ông có nhiều ca khúc nổi tiếng: Phải đánh lũ giặc Mỹ, Gửi Cồn Cỏ anh hùng, Người Châu Yên em bắn máy bay, Ở vùng than chúng tôi, Nếu em đến thăm đảo, Trăng sáng trên rừng quế, Má cưng ai nhất, Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng... Ông là anh trai nhạc sĩ - NSND Trọng Bằng - Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhạc sĩ Trọng Loan được nhận Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc, ông mất năm 2010, thọ 87 tuổi. Với Thanh Huyền, bà là nữ ca sĩ hát thanh nhạc duy nhất được phong tặng NSND đợt đầu tiên năm 1984. Năm nay bà đã 76 tuổi và vẫn hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.
Theo Báo Khánh Hòa