Trong quá trình xây dựng, phát triển, chiến đấu và trưởng thành, bộ đội hải quân luôn nhận được sự quan tâm của Bác Hồ kính yêu. Ba lần được vinh dự đón Bác về thăm và Người đã để lại cho cán bộ, chiến sĩ hải quân những tình cảm yêu mến, những lời căn dặn sâu sắc, chan chứa ân tình.
Ba lần được đón Bác về thăm
Ngày 31-3-1959, lần đầu tiên Bác Hồ về thăm bộ đội hải quân. Người đi thăm Trường Huấn luyện bờ bể (tiền thân của Học viện Hải quân ngày nay) và Xưởng 46. Tàu 524 của Đại đội 3 được vinh dự đưa Bác đi thăm và kiểm tra một số đơn vị trên vùng biển Hạ Long. Trên đường đi, Bác đã nói nhiều về việc xây dựng lực lượng hải quân, cũng như công tác giảng dạy của Trường Huấn luyện bờ bể. Người nhấn mạnh: “Thời chống Pháp, ta chưa có lực lượng hải quân, bây giờ các chú được đi học tập ở nước ngoài về để xây dựng và phát triển lực lượng. Muốn xây dựng lực lượng hải quân làm tốt công tác bảo vệ biển, đảo và thềm lục địa, phải nghiên cứu làm sao cho phù hợp với vùng biển Việt Nam”.
|
Ngày 16-3-1961, Bác Hồ về thăm bộ đội hải quân lần thứ hai, Người đã nhấn mạnh: “Biển đảo nước ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm cách đánh cho phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên”. Đó chính là các định hướng chiến lược sáng suốt cho lực lượng hải quân ta và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Người chỉ rõ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Bác về thăm bộ đội hải quân lần thứ ba vào ngày 13-11-1962 tại Đoàn 135 tàu Phóng lôi - Căn cứ Vạn Hoa, tỉnh Quảng Ninh. Bác căn dặn: “Nâng cao cảnh giác, yên tâm xây dựng đơn vị, đoàn kết, kỷ luật tốt là cốt lõi việc nâng cao sức mạnh chiến đấu…”. Và chỉ hai năm sau đó, bằng trang bị vũ khí của mình trong trận đầu thử lửa, bộ đội hải quân đã bắn rơi 8 máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ. Năm 1965, nhân dịp hải quân ta vừa tròn 10 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ hải quân, khen ngợi thành tích, đồng thời vạch rõ sự cần thiết xây dựng lực lượng hải quân vững mạnh trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Nỗ lực tạo nên sức mạnh tổng hợp
Trong điều kiện miền Bắc còn nhiều khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng hải quân phù hợp với tiềm lực phát triển kinh tế, điều kiện môi trường, chiến trường sông, biển nước ta. Người đồng thời chỉ rõ con đường xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam phải là con đường nâng cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Muốn vậy, “Phải coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ huy; chăm lo cải thiện đời sống tinh thần, vật chất, nâng cao chất lượng kỹ thuật tàu. Thường xuyên rèn luyện toàn diện, phấn đấu không ngừng tiến bộ để xây dựng hải quân mau chóng trưởng thành”. Đến thăm những con tàu, đơn vị đảo, Bác Hồ nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ hải quân phải không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, lòng yêu quê hương đất nước. Cụ thể là cán bộ, chiến sĩ hải quân phải “yêu đảo như nhà mình, phải chịu khó cải tạo, xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa ích cho đất nước”.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã vừa kế thừa truyền thống đánh giặc của ông cha, vừa tìm cách đánh phù hợp với vũ khí, trang bị và điều kiện cụ thể của nước ta. Hải quân Nhân dân Việt Nam đã nỗ lực phát huy nội lực, huy động nhiều nguồn lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp, khôn khéo, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo; góp phần giữ vững ổn định chính trị để xây dựng và phát triển đất nước. Lực lượng tàu và cán bộ, chiến sĩ hải quân trên các đảo luôn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân lao động, sẵn sàng làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, chữa bệnh và sửa chữa tàu thuyền ngư dân khi gặp nạn trên biển.
Trong thời gian qua, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, những tình cảm, lời căn dặn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, là động lực thúc đẩy Quân chủng Hải quân trong sự nghiệp giữ gìn và bảo vệ biển đảo.
Theo Báo Khánh Hòa
https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202005/tinh-cam-cua-bac-ho-doi-voi-bo-doi-hai-quan-8164714/