Trong chiến lược “Trồng người” mà Hồ Chí Minh mang hết tâm lực thực hiện, Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ của Đảng, của Chính quyền mới. Hồ Chí Minh coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, đó là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành: đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cho Đảng cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Người khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Với quan điểm con người là vốn quý nhất. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi, không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”.
Đầu tư cho sự nghiệp trồng người, đầu tư cho công tác cán bộ là sự đầu tư sáng suốt nhất, có lãi nhất. Đó là một tư tưởng lớn của kinh tế học đào tạo ngày nay. Hồ Chí Minh có một quan điểm hết sức rõ ràng về vấn đề này từ hơn 70 năm trước đây. Năm 1947, Người khẳng định: “Các cơ quan cần phải rất chú ý đến việc huấn luyện cán bộ. Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó. Những người lãnh đạo cần phải tham gia việc dạy. Không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong huấn luyện”.
Trong vấn đề cán bộ, Hồ Chí Minh rất chăm lo xây dựng cho đất nước đội ngũ trí thức cách mạng. Người nhấn mạnh: “Tri thức là vốn liếng quí báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”.
Bằng uy tín và tấm lòng của mình, Hồ Chí Minh đã thức tỉnh dìu dắt một lớp đông đảo những người trí thức cũ tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến làm cho họ phát huy tài năng có những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Người có nhận định: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn hơn nhiều”
Một chiến lược trồng người, chiến lược giáo dục, chiến lược cán bộ đưa đất nước đến sự phát triển bền vững và toàn diện bao giờ cũng phải chứa đựng trong nó một kế hoạch hiện thực về phát hiện bồi dưỡng, sử dụng nhân tài của quốc gia.
Vấn đề bồi dưỡng nhân tài từng được các triều đại Việt Nam ở những giai đoạn tiến bộ coi là công việc hàng đầu của đất nước.
Lê Thánh Tông (1442 - 1497) vị minh quân triều Lê qua danh thần Thân Nhân Trung (1418 - 1499) đã cho khắc vào bia Quốc Tử Giám cương lĩnh của đất nước:
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.
Nguyên khí mạnh thì thế nước cường.
Nguyên khí suy thì thế nước tàn”.
Vua Quang Trung (1753 - 1792), người anh hùng áo vải đất Tây Sơn, sau khi đánh bại cuộc xâm lược của quân Thanh lên ngôi Hoàng đế, qua danh sĩ Ngô Thời Nhậm (1746 - 1803) nhà chính trị ngoại giao tài năng đã ra tuyên ngôn:
“Xây dựng đất nước lấy việc khuyến học làm đầu.
Tìm lẽ trị bình lấy tuyển nhân tài làm gốc”.
Kết tinh các ý tưởng tinh hoa của tiền nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi lãnh đạo nhân dân giành được độc lập đã quan tâm vấn đề chọn người tài để kiến thiết quốc gia. Người đề ra bốn việc:
“Kiến thiết ngoại giao.
Kiến thiết kinh tế.
Kiến thiết quân sự.
Kiến thiết giáo dục".
và Người khẳng định: “Kiến thiết cần có nhân tài”, Người cho rằng nếu “khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”
Vị Chủ tịch nước tự nhận khuyết điểm của Chính phủ để người tài đức chưa có cơ hội xuất thân. Người đề nghị với quốc dân: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm ấy tôi xin thừa nhận”.
Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được nhữngviệc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Cùng với việc phát động nhân dân tiến cử người tài đức, Hồ Chí Minh còn quan tâm việc ươm trồng nhân tài cách mạng, nhân tài khoa học cho đất nước.
Tháng 7/1926. Người đã cùng đồng chí Bôrôdin đại diện Quốc tế Cộng sản tại Quảng Châu tổ chức gửi thanh niên ưu tú Việt Nam đến quê hương Lênin đào tạo các em trở thành những nhà cách mạng Việt Nam.
Tháng 7/1951, từ chiến khu Việt Bắc cùng Trung ương Đảng. Hồ Chí Minh tuyển chọn cán bộ khoa học có triển vọng gửi sang Liên Xô đào tạo ở các ngành mũi nhọn đón đầu các nhiệm vụ đặt ra của kháng chiến kiến quốc.
Những cán bộ được Bác Hồ chọn đi học đợt đầu này về sau đều trở thành những nhà khoa học có những đóng góp xứng đáng cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng xã hội chủ nghĩa, một số là đầu đàn các ngành khoa học của đất nước như giáo sư Lê Duy Thước, nhà kiến trúc Ngô Huy Quỳnh, bác sỹ Nguyễn Trinh Cơ...
Trong sổ tay của họ đã ghi đầy đủ lời căn dặn ân cần chu đáo của Bác trước lúc lên đường. Đó là Bác chỉ ra thái độ học tập:
“Vì ai mà học? Vì nhân dân, giai cấp, vì Đảng.
Phải chịu trách nhiệm kết quả học tập của mình trước Đảng, giai cấp, nhân dân.
Phụng sự nhân dân nghĩa là làm cho dân cơm no áo ấm sức khỏe”.
Bác chỉ ra cách học:
“Học phải gắn liền với hành. Phải học và nghĩ cách áp dụng vào hoàn cảnh nước nhà. Tuỳ hoàn cảnh mà học, mà dùng, nhằm mục đích phụng sự nhân dân.
Tránh lối học gạo, nhằm những môn nhất định mà học cho tinh thông.
Phải gắn liền việc học chuyên môn với việc nâng cao trình độ lý luận cách mạng”.
Phải tin tưởng và quyết tâm học tập.
Bác chỉ ta tư cách học: “Phải khiêm tốn, chớ eo xách, ganh đua chơi bời, hưởng thụ đúng mục, từ chối những cái thừa”.
Ngày nay đọc lại lời dạy của Bác đối với họ, chúng ta vẫn thấy tính thời sự nóng hổi cho nội dung chiến lược giáo dục bồi dưỡng nhân tài của nước ta.
Những lời dạy này luôn luôn là hành trang cho thế hệ cán bộ trên con đường rèn luyện nhân cách tài năng. Nó giúp chúng ta hiểu rõ thêm tầm nhìn lớn lao và sự tỷ mỉ sâu sắc của lãnh tụ vĩ đại trong công cuộc bồi dưỡng nhân tài, trong chiến lược trồng người cho đất nước.
Đối với đội ngũ cán bộ của tỉnh ta, để thực hiện tốt Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 thì cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò của cán bộ theo tư tưởng của Bác, làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và huấn luyện cán bộ. Cán bộ cần tích cực học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những công việc mà Đảng, chính quyền và đoàn thể giao cho.
Nguyễn Văn Minh - Giảng viên Khoa Nhà nước Pháp Luật