Nguyễn Văn Minh
Nguyễn Văn Minh, Giảng viên Khoa Nhà nước Pháp Luật_ Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
Trong công tác xây dựng Đảng, vấn đề kiểm tra, kỷ luật của Đảng có vị trí đặc biệt quan trọng. Khi Đảng Cộng sản đã trở thành Đảng cầm quyền thì vấn đề này lại càng trở nên cấp thiết. Trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng thì khi có lý luận tiền phong, xác định được nhiệm vụ chính trị của Đảng, đề ra được đường lối đúng thì Đảng đã tạo ra được nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đến thắng lợi còn phải thông qua công tác tổ chức, qua hành động cách mạng, bởi: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích…
Công tác kiểm tra chủ yếu là kiểm tra đảng viên, cán bộ thực hiện Điều lệ Đảng và nghị quyết của Đảng. Qua công việc, còn kiểm tra xem việc lựa chọn cán bộ và dùng nhân tài có hợp lý không. có “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn không và họ có hiểu rõ mọi mặt, các công việc họ phải phụ trách không. Mà muốn biết rõ những việc ấy ắt phải có kiểm tra.
Tuy kỷ luật của Đảng là tự giác, song trình độ tự giác ở mỗi người khác nhau. Trong mỗi cán bộ đảng viên cũng có cả mặt tốt và mặt xấu. Vì vậy, chỉ có tăng cường kiểm tra mới giữ nghiêm được kỷ luật Đảng, mới bảo đảm đường lối, chủ trương, nghị quyết được thực hiện một cách đầy đủ và đúng đắn, mới bảo đảm được uy tín của Đảng đối với xã hội.
Ai cũng biết một chân lý đơn giản là lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Thực vậy, lãnh đạo không chỉ là ra nghị quyết hội họp và ra chỉ thị. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người phát hiện rất sớm khuyết điểm đó của công tác lãnh đạo. Người chỉ rõ: “Hiện nay nhiều nơi cán bộ lãnh đạo chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó thì không biết những nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra. Đó là một sai lầm rất to. Vì thế mà “đầy túi quần thông báo, đầy túi áo chỉ thị”, mà công việc vẫn không chạy. Có thể nói rằng chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo và thường xuyên thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười, gấp trăm.
Mọi đảng viên và tổ chức Đảng đều phải được đặt vào trong phạm vi luôn luôn được kiểm tra, giám sát. Kiểm tra không phải là “vạch lá tìm sâu, làm giảm thành tích. Kiểm tra phải có hệ thống và kịp thời, nghĩa là khi đã có nghị quyết, thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy,phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ ở các địa phương, cơ sở. Có như thế mới thấy rõ và kịp thời sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách vượt qua mọi khó khăn.
Hồ Chí Minh đòi hỏi kiểm tra phải chính xác, công minh, khách quan, sâu sát. Những căn cứ để kiểm tra xác minh có nhiều, người kiểm tra không được mắc bệnh quan liêu, đại khái. Người cho rằng: kiểm tra không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo mà phải đi đến tận nơi, phải nghiên cứu cụ thể, tỉ mỉ. Trách nhiệm của người cán bộ và trách nhiệm của cơ quan làm công tác kiểm tra cần phải được đề cao. Người đi kiểm tra phải là người có trách nhiệm, có năng lực, có đầy đủ uy tín và kinh nghiệm. “Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ xuất thì người ấy phải chịu trách nhiệm”. Người đi kiểm tra phải là những cán bộ thật tốt, phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra.
Hồ Chí Minh luôn luôn nhắc nhở không được để công tác kiểm tra của Đảng rơi vào tình trạng bị động, nặng về giải quyết những vụ vi phạm kỷ luật trước mắt, những cái đã phát sinh. Cần phải giải quyết toàn diện các khía cạnh của công tác kiểm tra, phải chú trọng ngăn ngừa đề phòng theo phương châm “phòng bệnh là chính...”, hạn chế ngăn không cho những khuyết điểm sai lầm của cán bộ đảng viên phát sinh thêm, đồng thời phải tìm cách phát huy những ưu điểm đã có làm cho “cái thiện” thắng “cái ác”.
Kết quả của công tác kiểm tra phải là sau khi mỗi vụ việc, mỗi cán bộ, đảng viên được kiểm tra xong thì đảng viên ấy “lớn lên", tổ chức Đảng nơi ấy trong sạch, vững mạnh thêm, nội bộ đoàn kết hơn chứ không phải là cứ sau mỗi đợt kiểm tra thì nội bộ tổ chức Đảng càng lủng củng, mất đoàn kết, cán bộ bị rơi rụng, mất ổn định kéo dài, phong trào cách mạng bị giảm sút.
Như trên đã nói, kỷ luật của Đảng theo Hồ Chí Minh phải là “kỷ luật sắt”. Muốn mọi chính sách của Đảng thực hiện được thì phải có kỷ luật rất nghiêm, tất cả đảng viên già, trẻ, trên, dưới đều phải tuân theo. Nếu không giữ gìn nghiêm túc kỷ luật là giảm bất lực lượng của Đảng, khó thực hiện được nhiệm vụ. Hồ Chí Minh xác định ngay từ khi mới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng viên gồm những người tự nguyện, tự giác đứng vào hàng ngũ của Đảng. Chính vì vậy mà họ phải tự giác phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, nếu sợ kỷ luật sắt của Đảng thì đừng vào Đảng hoặc khoan hãy vào Đảng. Nếu đã tự giác đứng trong hàng ngũ của Đảng thì mọi đảng viên, không phân biệt cấp bộ nào cũng tuyệt đối không được độc đoán, tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình ngoài kỷ luật.
Hồ Chí Minh coi đoàn kết chặt chẽ, thương yêu đồng chí và giữ nghiêm kỷ luật là không thể tách rời nhau. Giữ nghiêm kỷ luật tức là để đảm bảo tư tưởng nhất trí và hành động thống nhất trong toàn Đảng. Nó bảo đảm để bất kỳ đảng viên và cán bộ nào cũng trung thực và triệt để chấp hành Điều lệ và Nghị quyết của Đảng. Nó bảo toàn và tăng cường được sức mạnh chiến đấu của Đảng trong tất cả mọi giai đoạn cách mạng. Đặc biệt khi cách mạng đứng trước những bước ngoặt hiểm nghèo, khi những biến cố chính trị đang làm thay đổi tình hình một cách mau lẹ.
Kỷ luật trong Đảng, kỷ cương phép nước có được đảm bảo hay không, trước tiên phụ thuộc vào sự đúng đắn của đường lối của Đảng. Kỷ luật tự giác của Đảng được đảm bảo bằng sự đúng đắn của đường lối, chủ trương nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật và các quy định của Nhà nước. Đảng viên chẳng những phải giữ kỷ luật sắt, kỷ luật tự giác của Đảng mà còn phải giữ gìn kỷ luật chính quyền, của các cơ quan đoàn thể cách mạng.
Trên thực tế đã có không ít đảng viên, cán bộ đã không giữ đúng kỷ luật của chính quyền, cơ quan, đoàn thể nhân dân. Về vấn này, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu cục bộ địa phương để giữ nghiêm kỷ luật Đảng, phải chú ý đưa những kẻ hủ bại ra khỏi Đảng, thường xuyên kết nạp người đủ tiêu chuẩn vào Đảng và phải bảo vệ những đảng viên chân chính đã vì lợi ích của Đảng, của nhân dân mà đấu tranh bảo vệ chân lý. Như vậy tức là bảo vệ tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng. Lợi dụng danh nghĩa kiểm tra kỷ luật Đảng, hoặc vi phạm kỷ luật Đảng để thực hiện ý đồ cá nhân đều là những hành động trái quy luật, phi đạo lý, mất tư cách đảng.
Kiểm tra có liên quan đến việc thi hành kỷ luật. Trong bất kỳ mọi trường hợp, Hồ Chí Minh đều chỉ rõ mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật đảng và bình đẳng về mặt công dân trước pháp luật. Với Hồ Chí Minh thì bao giờ giáo dục cũng là chính, trừng phạt là phụ. Và ngay cả trừng phạt, với Hồ Chí Minh cũng chủ yếu là nhằm giáo dục, nhằm làm cho đối tượng biết hối cải, biết hướng thiện và hoàn lương. Với mục đích chính là giáo dục nên Hồ Chí Minh rất coi trọng tính tự giác, ai có lỗi mà thật thà tự kiểm thảo thì lỗi nhẹ sẽ được tha thứ lỗi nặng được xử nhẹ; ai có lỗi mà không thật thà nói ra, sẽ bị kỷ luật thích đáng.
Tính nghiêm minh của kỷ luật đảng, theo Hồ Chí Minh là luôn luôn phải nghiêm minh cả trong khen thưởng và trừng phạt. Theo Người, nếu không như vậy thì sẽ phạm khuyết điểm lớn, sẽ là một nguyên nhân không nhỏ dẫn tới phá kỷ luật tự giác của Đảng, phá khối đoàn kết thống nhất của Đảng.
Chi bộ và tổ chức cơ sở đảng là nơi quản lý đội ngũ đảng viên một cách cụ thể nhất, là điều kiện đảm bảo kiểm tra và kỷ luật đảng viên, làm cho tổ chức Đảng luôn luôn có sức mạnh chiến đấu.
Đã coi kỷ luật của Đảng là kỷ luật sắt thì chi bộ và đảng bộ cơ sở phải là tổ chức trong sạch, vững mạnh, bảo đảm sinh hoạt nghiêm túc, chặt chẽ, là cái khuôn chế định mọi tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên trong chi bộ và đảng bộ mình.
Để đảm bảo kỷ luật được chặt chẽ, phải thực hiện tốt các nguyên tắc sinh hoạt đảng, phải có cơ chế để nhân dẫn giám sát, phê bình. giúp đã đảng viên. Sức chiến đấu của Đảng ta đòi hỏi mọi đảng viên đều phải có tính tổ chức, kỷ luật. Thiếu nó Đảng không còn là một tổ chức chính trị tiên phong và là bộ tổng tham mưu của giai cấp và dân tộc nữa.
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, cần tập trung thực hiện tốt số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên về vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Đây là giải pháp quan trọng có ý nghĩa hàng đầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Từng cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; quán triệt nghiêm túc, đầy đủ các quan điểm, tư tưởng của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Người đứng đầu cấp ủy phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chỉ thị, quy định, kết luận, hướng dẫn của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đến từng cán bộ, đảng viên; thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên theo kế hoạch đã đề ra, coi trọng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm…
Hai là, đối với các cấp ủy cơ sở tiếp tục quán triệt sâu rộng hơn nữa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” xem đây là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Các cấp ủy thường xuyên bổ sung cập nhật nội dung, chỉ thị, nghị quyết mới vào chương trình, kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế theo quý, đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, uốn nắn kịp thời những thiếu sót, hạn chế.
Ba là, việc bố trí cán bộ kiểm tra, phân công cán bộ giám sát phải được đào tạo chính quy, cơ bản và phải được tổ chức thi để tuyển chọn những cán bộ có đủ bản lĩnh, không ngại đụng chạm, thẳng thắn, trung thực, khách quan, công tâm, nghiêm túc, không ít kỷ, hẹp hòi, định kiến, nhưng phải thấu tình, đạt lý… trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, phải xây dựng cơ chế bảo vệ cho những cán bộ này, nếu không có cơ chế đảm bảo chắc chắn hiệu lực hiệu, quả đem lại sẽ không như mong muốn.
Bốn là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy mà trước hết là Ban Thường vụ cấp ủy nhằm đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương của Đảng được thực hiện trong thực tế , do đó, cần quan tâm xây dựng, giữ gìn và phát huy tính tự giác của đảng viên, không thể nói suông hoặc hô hào, kêu gọi tính tự giác của mỗi đảng viên mà thông qua công tác kiểm tra, giám sát để xây dựng cơ chế, biện pháp kể cả chế tài xử lý, xem đây là vấn đề mấu chốt để nâng cao tính kỷ luật, kỷ cương của Đảng và cũng là giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở.
Năm là, kiện toàn ủy ban kiểm tra, cơ quan ủy ban kiểm tra ngang tầm và củng cố đội ngũ cán bộ kiểm tra, giám sát đủ mạnh, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, thử thách, chịu được áp lực từ nhiều phía, kiên quyết đấu tranh không dao động trước bất kỳ sự can thiệp nào từ cấp trên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát khi tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm và xử lý vi phạm.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với cải tiến lề lối, phong cách làm việc, thường xuyên sơ, tổng kết kịp thời phát hiện, nhận biết ưu điểm để biểu dương nhân rộng điển hình, xử lý nghiêm minh những vi phạm đến mức phải xử lý, có như vậy công tác kiểm tra, giám sát của Đảng mới đạt chất lượng, hiệu lực, hiệu quả.