Trong bài nói chuyện năm 1952 về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Bác Hồ giải thích: Đứng về phía cán bộ mà nói, ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: “ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”, “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Chống loại kẻ địch này khó khăn, phức tạp hơn ngay cả so với đánh giặc ngoại xâm.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham ô, lãng phí
Chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu là mối quan tâm lớn, thường xuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Người coi tham ô, lãng phí là tội lỗi như việt gian bán nước. Theo Bác bất cứ hành vi lấy “của công” làm “của tư” nào cũng đều là hành vi tham ô. Đây chính là hành vi tham ô hiểu theo nghĩa rộng. Theo nghĩa này, chủ thể của hành vi tham ô không chỉ là cán bộ, công chức - những người nắm chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước. Người dân bình thường, nếu “ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế” cũng là chủ thể của hành vi tham ô.
|
Hành vi tham ô tinh vi khác được Hồ Chí Minh chỉ ra là tham ô gián tiếp với biểu hiện như: một số cán bộ được Chính phủ và nhân dân trả lương hàng tháng đều, nhưng lại kém lòng trách nhiệm, đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, ăn cắp giờ... Đây là hình thức tham ô đặc biệt, tuy không gây hậu quả nghiêm trọng ngay, nhưng xảy ra hàng ngày, thường xuyên, liên tục, làm ảnh hưởng đến hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước, là một trong những mối nguy hại lớn đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Theo Bác, biện pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chính là giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Người nói: “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”. Quần chúng là lực lượng chính của cách mạng, sự tham gia tích cực của quần chúng quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, quần chúng nhân dân giám sát cán bộ, công chức, kịp thời phát hiện sai phạm, phê bình, lên án các biểu hiện tiêu cực của cán bộ. Sự giám sát chặt chẽ của quần chúng nhân dân thông qua các hình thức khác nhau là cơ chế ngăn ngừa tham ô, lãng phí hữu hiệu. Đồng thời, các phản ánh, kiến nghị kịp thời của nhân dân qua công tác giám sát sẽ giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm phát hiện các hành vi tham ô, lãng phí.
Bên cạnh đó, Người nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiêm trị các hành vi tham ô, lãng phí. Việc xử lý hành vi tham ô, lãng phí phải đúng các quy định của pháp luật, không nể nang người có chức vụ, địa vị, với mục đích bảo vệ công lý, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, răn đe, làm gương cho những người đang hoặc có ý định tham ô.
Củi tươi cũng phải cháy…
Tham nhũng là vấn nạn mang tính lịch sử, một thuộc tính gắn liền với sự tồn tại của Nhà nước. Còn Nhà nước và quyền lực nhà nước thì còn tình trạng tham nhũng, đó là tình trạng chung của thế giới chứ không của riêng quốc gia nào. Vấn đề là các Nhà nước trên thế giới mỗi nơi có một cơ chế phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế tình trạng này hiệu quả đến đâu mà thôi.
So với định nghĩa về tham ô, lãng phí của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 65 năm thì tình trạng tham nhũng, lãng phí của đất nước ngày nay diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp. Vẫn còn đó những tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức trực tiếp làm việc với dân, nhưng đáng sợ hơn là tình trạng tham nhũng qui mô lớn, có lợi ích nhóm, có doanh nghiệp “sân sau” của những lãnh đạo cấp cao… Có những dự án đầu tư cả ngàn tỷ rồi đắp chiếu, có những công trình vừa đầu tư xong đã hư hỏng không thể sử dụng. Tham nhũng, lãng phí thực sự là một nguy cơ, một thách thức nghiêm trọng đối với lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước.
Năm 2017 vừa qua là năm mà cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Lần giở lại tư liệu thấy, sáng 31-7 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức phiên họp thứ 12 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo. Tổng Bí thư có phát biểu được các cơ quan báo chí dẫn lại: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ tẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong. Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.
Những vụ đại án thời gian qua lần lượt được đưa ra xét xử nghiêm minh, có cán bộ nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng cũng chịu sự xét xử của pháp luật. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng thể hiện rõ không có “vùng cấm” nào.
Quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng là quyết tâm chính trị, bởi đây là vấn đề quyết định sự tồn vong của đất nước. Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời năm 2005, được kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV xem xét sửa đổi. Đến nay mới có 12 năm kể từ ngày ra đời, nhưng Luật Phòng, chống tham nhũng đã 3 lần được sửa đổi, điều này cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Xây dựng cơ chế để phòng là chính
Toàn Đảng đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ kết hợp với triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có chức, có quyền phải tự soi mình hàng ngày, đối chiếu các biểu hiện để rèn luyện, tu dưỡng.
Những năm qua, Đảng ta đã tập trung rất nhiều giải pháp cho công tác phòng, chống tham nhũng. Những đại án kinh tế được chỉ đạo điều tra làm rõ, xử đúng người đúng tội. Chỉ có điều xót xa là vụ nào vỡ lở ra cũng thấy tiền của nhân dân mất quá lớn… Vinashin, Vinalines, Tập đoàn dầu khí, các vụ án ngân hàng... hàng trăm ngàn tỷ thất thoát, kéo lùi đất nước chậm phát triển cả chục năm. Có xử lý nghiêm minh thì cũng chỉ là tạo niềm tin trong nhân dân, còn không thể thu hồi được tiền thất thoát. Rõ ràng phòng ngừa, không để có điều kiện tham nhũng mới quan trọng.
Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của các nước trên thế giới chủ yếu được nhấn mạnh ở khâu thể chế, tức là việc tổ chức bộ máy nhà nước sao cho các nhánh quyền lực có thể kiểm tra, giám sát lẫn nhau và thiết lập sự kiểm soát từ phía xã hội. Nguyên tắc này được thể hiện trong một loạt chính sách về tổ chức bộ máy chính trị và công quyền. Đặc biệt là hạn chế cơ hội để có thể tham nhũng. Quá trình này được thực hiện thông qua việc thường xuyên tiến hành rà soát lại hệ thống luật pháp, giảm bớt những nguyên tắc không cần thiết, đơn giản hóa và công khai hóa những thủ tục hành chính. Để giảm bớt mức độ tùy tiện khi đưa ra quyết định, các nước này tập trung hóa các quá trình nhận quyết định quan trọng và áp dụng công nghệ thông tin hiện đại trong một số lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, đặc biệt như mua sắm công và thuế hay cấp phép kinh doanh.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là việc làm cấp bách đồng thời cũng là một quá trình lâu dài. Với quyết tâm của Đảng, được soi rọi bởi tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta có quyền hy vọng vào những biến chuyển trong thời gian tới.
Theo Báo Khánh Hòa
Toàn quốc có 478 đầu mối chống tham nhũng
- Có 63 Văn phòng Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành về phòng, chống tham nhũng.
- Ngành Thanh tra có 58 tổ chức, đơn vị cấp phòng chuyên trách tại Thanh tra bộ, ngành.
- Ngành Công an có 27 tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, 140 tổ chức, đơn vị chuyên trách thuộc công an cấp huyện.
- Ngành Kiểm sát có 24 tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, 154 tổ chức, đơn vị cấp viện kiểm sát huyện.
- Ngành Tòa án có 12 tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, 86 đơn vị cấp tòa án cấp huyện.
Nguồn: Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương.