Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ khi mới thành lập đã xác định việc nắm bắt lòng dân là một trong những công việc quan trọng hàng đầu, nhằm đề ra được các chủ trương, đường lối phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem công tác Tuyên giáo, công tác tư tưởng là mặt trận hàng đầu; là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ. Đội ngũ cán bộ Tuyên giáo phải bám sát cơ sở, phải ở trong lòng dân để hiểu dân, học dân, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Bác nhấn mạnh: "Chỉ có đi sâu vào thực tiễn đời sống xã hội thì mới tìm hiểu, đánh giá đúng thực chất tình hình công tác Tuyên giáo của địa phương, đơn vị; mới phát hiện được những vấn đề mới, nhân tố mới, những điển hình tốt, người tốt việc tốt để cổ vũ, biểu dương, nhân rộng, đồng thời vạch ra những hiện tượng, những biểu hiện sai trái để phê phán, uốn nắn nhằm đẩy mạnh việc phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao". Bác còn căn dặn: “Mỗi cán bộ cần phải thiết thực phụ trách công tác thực tế, mọi việc phải làm cho có kết quả thiết thực. Phải gần gũi quần chúng, học tập quần chúng, để hướng dẫn và giúp đỡ quần chúng, phải rút bớt thời giờ viết công văn, thêm nhiều giờ công tác thực tế”; “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng”, phải hiểu dân, phải học từ nhân dân. Còn nếu“cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.
Ảnh minh họa. Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Pắc Pó (tỉnh Cao Bằng), ngày 22/02/1961. Nguồn từ Internet
Từ đó yêu cầu đặt ra đối với công tác tuyên giáo rất nặng nề, phức tạp và mới mẽ, đòi hỏi cán bộ Tuyên giáo phải học theo Bác, cụ thể là phải “phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc”, làm cho người nghe, người đọc “hiểu được, nhớ được và làm được”; phải có phong cách đi sâu, đi sát cơ sở; “sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng trở ra, trở lại nơi quần chúng, vì không biết gom góp ý kiến của quần chúng, kinh nghiệm của quần chúng, cho nên ý kiến của người lãnh đạo thành ra lý luận suông, không hợp thực tế”. Vì vậy việc xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo nhằm đáp ứng các nhiệm vụ đặt ra là điều rất quan trọng; chú trọng phát huy tính nêu gương, chủ động, nhạy bén, sáng tạo, kịp thời tham mưu làm tốt công tác tư tưởng; tập trung củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo phải am hiểu cả về lý luận và thực tiễn để vận dụng vào công tác của mình một cách có hiệu quả. Nâng cao năng lực dự báo, định hướng tuyên truyền kịp thời. Chủ động nghiên cứu, tham mưu có hiệu quả việc tổng kết thực hiện các chỉ thị, nghị quyết; phân tích, lý giải về những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới từ thực tiễn cuộc sống ở cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận của nhân dân. Đặc biệt thực hiện tốt việc đi sâu, đi sát cơ sở, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận và tâm trạng xã hội để tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc nổi lên trên địa bàn mà dư luận xã hội quan tâm.
Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, công tác Tuyên giáo đã không ngừng đổi mới, nhiệm vụ Tuyên giáo được các cấp ủy Đảng xem như một vũ khí sắc bén trong sự nghiệp xây dựng Đảng và phát triển đất nước; trong đó với quan điểm cán bộ Tuyên giáo phải đi sâu, đi sát cơ sở, luôn gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, từ đó phát hiện và giải đáp được những vấn đề do cuộc sống đặt ra, cán bộ Tuyên giáo mới có thể nắm bắt những diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội, những “điểm nóng”, "tình huống" tư tưởng nảy sinh, mới dự báo, kịp thời tham mưu các giải pháp tư tưởng đúng đắn. Đồng thời, cổ vũ nhân tố mới, những kinh nghiệm hay để tổng kết, đánh giá và phổ biến, nhân rộng. Gắn với thực tiễn cũng chính là để phát hiện, đánh giá hiệu quả các nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống ra sao, có gì cần tham mưu, đề xuất khắc phục, sửa chữa, bổ sung. Có như vậy, hoạt động của đội ngũ cán bộ tuyên giáo mới sinh động, giàu sức sống và có tính thuyết phục. Đó cũng là giải pháp để khắc phục có hiệu quả bệnh chủ quan, duy ý chí trong công tác Tuyên giáo, thể hiện đúng tính chất như lời dạy của Người đối với cán bộ làm công tác Tuyên giáo:Viết giỏi, nói hay, tuyên truyền tốt/ Đi sát, nghe nhiều, giáo dục sâu.
Hiện nay trên địa bàn thị xã Ninh Hòa cơ cấu tổ chức bộ máy công tác Tuyên giáo ngày càng được hoàn thiện. Ngoài 01 cơ quan chuyên trách là Ban Tuyên giáo Thị ủy Ninh Hòa với 5 đồng chí; đã thành lập Ban Tuyên giáo Đảng ủy tại 27 xã, phường với 81 đồng chí (bao gồm cả chuyên trách và kiêm nhiệm), lực lượng cán bộ làm công tác Tuyên giáo của các cơ quan, đơn vị, Đảng ủy trực thuộc Thị ủy và lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở với trên 560 đồng chí. Trong nhiều năm qua, hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo từ thị xã đến cơ sở đã có nhiều cố gắng trong công tác tổ chức triển khai, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến cán bộ, đảng viên và tuyên truyền trong nhân dân; góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Qua đó, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng; kịp thời uốn nắn những nhận thức lệch lạc của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân và đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch.
Để việc đi sâu, đi sát cơ sở nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận trong nhân dân đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong những năm qua công tác Tuyên giáo trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đã triển khai thực hiện bằng các hình thức cụ thể:
- Trước hết căn cứ vào chủ trương của Đảng, sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thị ủy, Ban Tuyên giáo Thị ủy triển khai xây dựng kế hoạch họat động công tác Tuyên giáo hằng năm sát với tình hình của địa phương, đơn vị. Trên cơ sở đó tham mưu Ban Thường vụ Thị ủy chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai về công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân nhằm tạo sự đồng thuận; tăng cường hoạt động tuyên truyền, định hướng tư tưởng thông qua hệ thống Ban Tuyên giáo cơ sở, báo cáo viên, tuyên truyền viên để nắm bắt tình hình và giải quyết các vấn đề từ cơ sở phản ánh, nhất là các vụ việc phức tạp phát sinh, những “điểm nóng” dư luận xã hội liên quan đến các lĩnh vực. Điển hình từ năm 2016 - 2018 trước những vấn đề phức tạp của tình hình đất nước và trên địa bàn thị xã liên quan đến an ninh chính trị, chủ quyền Biển Đảo, việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, vấn đề môi trường... thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thị ủy, Ban Tuyên giáo Thị ủy đã tổ chức nhiều Hội nghị tuyên truyền chuyên đề nhằm định hướng tư tưởng trong nhân dân, cụ thể như: xây dựng "Đề cương tuyên truyền" về tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại khu vực bãi rác Hòn Rọ (xã Ninh An) để đăng tải lên Cổng thông tin thị xã, tuyên truyền rộng rãi trên Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã, hệ thống Đài Truyền thanh các xã, phường; biên soạn tài liệu tuyên truyền “Đừng để lòng yêu nước bị lợi dụng và thiếu tỉnh táo làm hại đất nước” để tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong tiếp nhận thông tin, không nghe theo lời các phần tử cơ hội, phản động xúi giục; thường xuyên theo dõi, nắm tình hình để kịp thời phát hiện những biểu hiện lôi kéo, tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật trong quần chúng nhân dân nhằm giúp cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân hiểu rõ bản chất sự việc... góp phần hạn chế xảy ra các điểm nóng trên địa bàn.
- Tổ chức các Hội nghị giao ban hằng quý; các hội nghị tập huấn; sơ kết, tổng kết liên quan đến công tác tuyên giáo hằng năm để đánh giá những mặt đạt được, đề ra những phương pháp, nhiệm vụ; hướng dẫn và định hướng chỉ đạo trong thời gian đến phù hợp với tình hình.
- Trong mối quan hệ với cơ sở, không áp đặt, luôn có sự phối kết hợp để hoạt động tuyên giáo được nhịp nhàng, đạt kết quả tốt. Trong công tác tư tưởng, Thị ủy đã ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng và dư luận xã hội trên địa bàn thị xã giữa Ban Tuyên giáo Thị ủy với các cơ quan, đơn vị, Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã phường, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên... qua đó tiếp nhận các thông tin từ cơ sở phản ánh, kịp thời định hướng công tác tư tưởng trên địa bàn; trong công tác biên soạn lịch sử cách mạng địa phương, Ban Tuyên giáo Thị ủy đã chủ động tổ chức các buổi làm việc với từng cấp ủy địa phương chưa hoàn thành việc biên soạn, trực tiếp tham dự các hội thảo, lắng nghe, chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong công tác từ đó định hướng giúp cơ sở tháo gỡ từng khó khăn...
- Thông qua công tác kiểm tra, giám sát hằng năm theo Chương trình của cấp ủy và theo Kế hoạch của Ban Tuyên giáo để đánh giá cụ thể những kết quả, ưu điểm và rút ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong quá trình triển khai nhiệm vụ của cấp ủy cơ sở, từ đó ban hành văn bản chỉ đạo chung trong toàn thị xã.
Với phương châm công tác Tuyên giáo bám sát nhiệm vụ chính trị, hướng về cơ sở, đóng góp có hiệu quả vào giải quyết đúng đắn những vấn đề cấp thiết đặt ra ở cơ sở, tạo được sự chuyển biến thật sự về chất. Tư tưởng, tấm gương đạo đức cách mạng, phong cách và những lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hành trang không thể thiếu cho mỗi cán bộ làm công tác Tuyên giáo trong quá trình thực hiện vai trò là chiếc cầu nối gắn kết Đảng với dân, để Đảng sống trong lòng dân và dân thêm tin yêu, một lòng theo Đảng; tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào công cuộc kiến thiết đổi mới đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Kim Dung-BTG Thị ủy Ninh Hòa