Thực tiễn xã hội hóa trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam những năm qua cho thấy, việc huy động các nguồn lực tài chính của xã hội cho y tế đã được thực hiện thông qua nhiều hình thức, nhưng sự huy động đó vẫn còn hạn chế. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa từng nhắc đến cụm từ “xã hội hóa”, nhưng việc huy động những nguồn lực tiềm tàng trong dân thì Người đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm cũng như bài học quý báu.
Về khái niệm “xã hội hóa y tế”
“Xã hội hóa y tế” là cụm từ không còn xa lạ trong những năm trở lại đây. Chủ trương này đã được Đảng và Nhà nước triển khai thực hiện từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên cho đến nay, việc triển khai thực hiện cũng gặp không ít những khó khăn, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp và nhiều người đã đặt câu hỏi liệu xã hội hóa y tế có phải là một chính sách phù hợp? Vấn đề được đặt ra ở đây là, từ một chủ trương được xem là đúng đắn về mặt lý luận, nhưng khi đưa vào thực tiễn thì hiệu quả mang lại không như mong muốn. Vậy khi những cái tồn tại trong thực tế khác xa so với lý luận thì chân lý nằm ở đâu? Để giải quyết vấn đề này có hai cách: một là, cần phải trở lại cội nguồn lý luận để xem xét lại liệu có gì không phù hợp; hai là, xem xét thực tiễn quá trình thực hiện có điều gì sai sót.
Trước hết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do còn nhiều cá nhân, tổ chức hiểu chưa đúng về khái niệm này do vậy dẫn đến làm chưa đúng. Về mặt lý luận, “xã hội hóa” cần phải được hiểu đúng nghĩa. Trong tiếng Việt, xã hội hóa được định nghĩa là “làm cho tư liệu sản xuất của cá nhân trở thành của chung của xã hội” hay “làm cho trở thành của chung của xã hội”(1). Theo đó thì xã hội hóa trong y tế phải được hiểu là biến những tư liệu sản xuất trong ngành y tế thành của chung để phục vụ toàn xã hội. Xã hội hóa y tế được hiểu là nhà nước đứng ra huy động toàn xã hội tham gia góp sức cả về vật chất và tinh thần cùng với nhà nước trong hoạt động y tế; vận động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào sự phát triển, chǎm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, nhằm từng bước nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe và sự phát triển về thể chất cũng như tinh thần của nhân dân. Hay nói cách khác việc đầu tư để nâng cao chất lượng trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân không chỉ trông chờ vào nhà nước, mà cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, tức là nhà nước và nhân dân cùng làm. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề thiếu hụt ngân sách chi cho các hoạt động y tế mà còn do nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của xã hội ngày càng cao. Bởi đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, việc nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho người dân còn gặp rất nhiều khó khăn do ngân sách nhà nước còn eo hẹp, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn của nhà nước thì khó có thể có các trang thiết bị, máy móc hiện đại và điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế, để thực hiện việc khám chữa bệnh cho người dân được tốt.
Ở một khía cạnh nào đó, xã hội hóa y tế thực chất là để chỉ mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội và những lợi ích mà cộng đồng mang lại cho mỗi người trong hoạt động chăm sóc sức khỏe. Bản chất của xã hội hóa y tế là vấn đề về con người, vì con người mà trước hết là người dân. Việc huy động nguồn lực trong dân trước hết không phải là người dân bỏ tiền ra để kiếm lời, mà là người dân đóng góp cùng với nhà nước để thực hiện những mục tiêu chung của xã hội, vì lợi ích của quốc gia.
Tuy nhiên, “xã hội hóa y tế” hiện nay ở Việt Nam nhiều khi được hiểu với nghĩa hoàn toàn ngược lại so với nghĩa gốc của nó. Cụm từ xã hội hóa y tế hiện nay đang được hiểu một cách phiến diện, đang bị hiểu nhầm, bị đánh đồng với việc tư nhân hóa hay cổ phần hóa về y tế. Hơn nữa, nhiều người hiểu rằng, xã hội hóa y tế là giảm bớt trách nhiệm của nhà nước, nhà nước đẩy hết trách nhiệm của mình cho người dân đóng góp.
Từ sự hiểu nhầm khái niệm, đánh đồng xã hội hóa với tư nhân hóa trong lĩnh vực y tế đã gây ra nhiều hệ lụy như: y tế tư nhân phát triển với tốc độ cao, nhiều bệnh viện công có nguy cơ bị tư nhân hóa, nhiều cán bộ trong các bệnh viện lợi dụng việc liên doanh, liên kết với nước ngoài để trục lợi cá nhân, làm thất thoát tiền bạc của nhà nước. Hơn nữa, một khi các cá nhân bỏ vốn đầu tư trong lĩnh vực y tế thì họ phải tính đến lợi nhuận. Bởi nếu như hệ thống y tế công là để nhằm phục vụ, thì hệ thống y tế tư nhân thiên về chất lượng dịch vụ theo hướng kinh doanh. Do vậy, ngoài việc tính toán để có thể thu hồi vốn nhanh y tế tư nhân còn phải tính toán sao cho có lãi. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí cho các dịch vụ y tế tăng cao, và người bệnh phải chịu thêm gánh nặng trong việc chi trả cho công tác khám, chữa bệnh. Từ đó, ngày càng tạo nên sự phân biệt, sự cách biệt trong công tác khám, chữa bệnh. Một lớp những người có thu nhập thấp trong xã hội sẽ khó có cơ hội tiếp cận với những dịch vụ khám chữa bệnh với những trang thiết bị hiện đại hay những dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao. Và như vậy những lợi ích mà xã hội hóa y tế mang lại chỉ một bộ phận nhỏ những người có thu nhập cao trong xã hội mới được hưởng, và xã hội hóa y tế vô hình chung lại tạo điều kiện làm giàu cho tư bản tư nhân.
Thứ hai, trong thực tế khi tuyên truyền, triển khai nhiều các cá nhân, tổ chức sử dụng cụm từ xã hội hóa thường chỉ khai thác ở một khía cạnh nào đó, phục vụ lợi ích của mình, và vô tình do sự hiểu biết phiến diện một chiều đã gây ra những cách hiểu nhầm về cụm từ đó. Từ đó, việc triển khai gặp nhiều khó khăn và nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn của một chủ trương đúng đắn về mặt lý luận với những kết quả không mong muốn trong thực tế.
Từ góc độ nhà nước thì xã hội hóa là việc nhà nước đứng ra để huy động các nguồn lực để phục vụ cho việc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Để quản lý và sử dụng đúng mục đích những nguồn lực được huy động từ trong dân thì vai trò của nhà nước là vô cùng to lớn. Nhà nước phải thực hiện chức năng của mình bao gồm cả chức năng thống trị chính trị và chức năng xã hội của nó. Nhà nước là bộ máy thống trị của giai cấp, nhưng chức năng thống trị chính trị và chức năng xã hội có quan hệ qua lại với nhau, chức năng chính trị để được bảo đảm thì phải được thông qua chức năng xã hội. Và việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề chung đó sẽ tạo điều kiện để duy trì xã hội trong vòng trật tự theo quan điểm của giai cấp cầm quyền. Đấy cũng chính là điều kiện để nhà nước đó thực hiện được vai trò thống trị của mình. Và như vậy, chức năng thống trị giữ vị trí chi phối phương hướng và mức độ thực hiện chức năng xã hội của nhà nước.
Xã hội hóa y tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Là người luôn trung thành với những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, cách mạng Việt Nam là sự nghiệp của toàn dân tộc Việt Nam. Điều này cũng được thể hiện rõ trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân. Tuy trong ngôn ngữ của Người lúc bấy giờ không nhắc đến cụm từ “xã hội hóa”, song không có nghĩa là Chủ tịch Hồ Chí Minh không biết hay chưa từng thực hiện chủ trương này, mà thông qua cách nói và cách làm của Người đã thể hiện rất rõ chủ trương xã hội hóa trong hoạt động y tế cũng như nhiều hoạt động khác theo ngôn ngữ chúng ta vẫn dùng ngày nay.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân không phải là việc riêng của bộ, ngành nào, mà là việc chung của toàn xã hội, trong đó, những cán bộ trong ngành y tế là bộ phận chủ chốt, như Người đã nói: ngành y tế, từ các giáo sư, bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý “là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi”. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ cần “xã hội hoá” trong hoạt động y tế (theo cách gọi của chúng ta ngày nay).
Không chỉ dừng lại ở tư tưởng, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn có sự thống nhất giữa tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn. Điều này thể hiện ở chỗ, vấn đề xã hội hoá y tế đã không chỉ dừng lại ở quan điểm, tư tưởng mà thông qua thực tế cho thấy, Người đã bước đầu chỉ đạo, theo dõi những hoạt động y tế theo hướng đó. Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi và tổ chức thực hiện phong trào toàn dân chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh. Người đã vận động dân chúng giúp đỡ thương binh, kêu gọi đồng bào thực hành theo khẩu hiệu: “có tiền giúp tiền, có sức giúp sức”. Phong trào đó đã được toàn dân hưởng ứng và thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, trở thành phong trào rộng rãi trong nhân dân. Nhiều nơi, người dân đã đón thương binh về nhà để tiện chăm sóc.
Thực chất của xã hội hóa trong y tế hiện nay là việc huy động sự tham gia ngày càng nhiều của người dân và các tổ chức xã hội, các nguồn lực ngoài nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu y tế, nâng cao hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân. Hơn nữa, việc đóng góp đó phải hoàn toàn là sự tự nguyện của mỗi người dân khi họ ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và đối với bản thân. Vì vậy, để huy động được sức dân, trước hết phải làm cho dân hiểu chính sách của nhà nước, làm cho họ thấy rằng việc họ làm là có ích chung cho cả cộng đồng, và bản thân họ cũng được hưởng lợi từ việc làm đó. Người dân chung tay góp sức với nhà nước trong công tác y tế thì những lợi ích từ hoạt động đó là phải dành cho xã hội, cho toàn dân chứ không phải chỉ để đem lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ. Điều quan trọng ở đây là huy động sức dân là phải để làm lợi cho dân.
Ai cũng hiểu nguồn lực từ trong dân là vô cùng to lớn, sức trong dân là vô hạn, nhưng làm sao để huy động được nguồn lực đó, làm sao để người dân tự nguyện đóng góp. Vấn đề là ở chỗ, những đóng góp của người dân phải bảo đảm sẽ mang lại lợi ích chung cho cộng đồng chứ không phải cho một bộ phận nhỏ trong xã hội.
Để huy động được sức mạnh trong dân theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết cần làm cho dân hiểu chính sách, thấy được lợi ích chung của cộng đồng cũng như lợi ích riêng của mỗi người trong đó, phải phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của người dân. Cần phải tạo mọi điều kiện để quần chúng nhân dân tham gia rộng rãi các hoạt động. Và cho dù đó là chính sách gì đi chăng nữa cũng phải theo nguyên tắc: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “việc gì đúng với nguyện vọng nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh, và như vậy mới thật là một phong trào quần chúng” (2). Sự huy động ở đây không chỉ đơn thuần về nguồn lực tài chính mà trong đó bao gồm cả tài năng, trí tuệ, công sức… Bởi sức dân lớn, nguồn lực trong dân nhiều, dân ta tài năng và trí tuệ, họ “biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(3).
Để làm được điều này đòi hỏi phải phát huy vai trò của nhà nước hơn nữa. Nhà nước huy động sự đóng góp của người dân, đồng thời nhà nước phải đứng ra quản lý, giáo dục, đứng ra làm chức năng xã hội của mình. Việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và giáo dục là sơ sở giữ ổn định xã hội, ổn định chính trị.
Việc nhà nước đứng ra huy động sự tham gia của toàn xã hội trong công tác y tế là một chủ trương lớn và hoàn toàn đúng đắn. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề thiếu hụt ngân sách trước mắt chi cho các hoạt động y tế, mà do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của xã hội ngày càng cao. Sự mở rộng các nguồn lực, khai thác các tiềm năng vật lực trong xã hội đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của nhà nước trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực đó. Vì vậy, quan niệm xã hội hóa y tế là giảm nhẹ trách nhiệm của nhà nước và giảm bớt phần ngân sách nhà nước chi cho các hoạt động y tế là hoàn toàn không đúng. Nghị quyết số 46/NQ-TW, ngày 23-02-2005, của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu rõ quan điểm về xã hội hóa là: “Xã hội hóa các hoạt động chăm sóc sức khỏe gắn với tăng cường đầu tư của nhà nước…”(4). Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cũng đã khẳng định: “tăng cường đầu tư nhà nước đồng thời với đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế”. Ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ VI, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành,…”(5). Theo đó, để xã hội hóa y tế mang lại những lợi ích thiết thực nhất thì cần thực hiện theo phương châm: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, nhà nước và nhân dân cùng làm.
Bài học về huy động sức dân chúng ta không phải học đâu xa mà học từ chính Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã vô cùng thành công trong việc huy động toàn dân chung tay góp sức giúp nhà nước trong thời điểm khó khăn nhất. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng mới thành lập đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là về kinh tế, khi trong ngân khố quốc gia chỉ còn 1,2 triệu đồng, quốc khố trống rỗng, nạn đói hoành hành… Đứng trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà nước đã thấy rõ rằng, chỉ riêng nhà nước không thể đứng ra lo được tất cả mọi việc, nhất là về tài chính. Một trong những biện pháp đã được nhà nước thực hiện để khắc phục những khó khăn đó là dựa vào sự tự nguyện đóng góp của người dân. Việc đóng góp đó là để phục vụ công việc chung của quốc gia, dân tộc. Mỗi người dân đều thấy được rằng, việc đóng góp đó là hoàn toàn có ý nghĩa, cho nên họ không hề tiếc khi ủng hộ cho nhà nước. Ngay sau đó, trong “ Tuần lễ vàng” từ ngày 17 đến ngày 24-9-1945, Chính phủ đã huy động được 60 triệu đồng và 370 kg vàng. Với số tiền và vàng đó, Chính phủ đã giải quyết được rất nhiều việc khẩn thiết lúc bấy giờ. Thành công của “Tuần lễ vàng” cho thấy sức mạnh to lớn của lòng dân. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân thì chính quyền cách mạng non trẻ khó có thể thành công và trụ vững trước những khó khăn thử thách lúc bấy giờ. “Tuần lễ vàng” trở thành trang kí ức lịch sử đẹp nhất về sức mạnh của lòng dân trong những ngày đầu thành lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Điều này một lần nữa khẳng định chân lý: dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói.
Như vậy, xã hội hóa y tế ở đây phải được hiểu theo cách hiểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm theo cách làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đó là phát huy sức mạnh tiềm tàng trong dân, huy động sức người, sức của từ trong dân để phục vụ đất nước đồng thời phục vụ chính mỗi người dân. Phải làm cho dân hiểu rằng, thấy rằng sự đóng góp của mình là thật sự có ý nghĩa đối với xã hội. Nếu không xã hội hóa sẽ biến thành tư nhân hóa. Và việc thực hiện xã hội hóa trong y tế sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn./.
Theo Tapchixaydungdang.org.vn
Tags:
Tác giả: Tapchicongsan.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
- Bác Hồ với thương binh và gia đình liệt sỹ (27/07/2018)
- Học tập và làm theo phương pháp dân vận Hồ Chí Minh (19/07/2018)
- Mối quan hệ giữa dân tộc và dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh (16/07/2018)
- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa: Sức lan tỏa từ phong trào học tập và làm theo Bác (12/07/2018)
- Hồ Chí Minh về pháp luật và đạo đức (25/06/2018)
- Văn hóa báo chí Hồ Chí Minh khơi nguồn dòng chảy văn hóa báo chí Việt Nam (25/06/2018)
- Lan tỏa tinh thần “Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (11/06/2018)
- 70 năm “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (11/06/2018)
- XÂY DỰNG PHONG CÁCH, TÁC PHONG LÀM VIỆC CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN LÀM CÔNG TÁC DÂN VẬN TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH (11/06/2018)
- Nâng niu tất cả chỉ quên mình (19/05/2018)