Khánh Sơn là huyện miền núi xa xôi của tỉnh, dân số khoảng 25 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 75%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai. Vì vậy, nơi đây được biết đến là vùng đất chứa đựng nền văn hoá vô cùng độc đáo, mang sắc thái riêng của cộng đồng dân tộc Raglai.

Nguồn ảnh: tác giả Dam San, Trung tâm Văn hoá- thông tin và thể thao huyện Khánh Sơn
Báo cáo kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn huyện Khánh Sơn cho thấy trong những năm qua, công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai được quan tâm triển khai thực hiện mạnh mẽ, trở thành việc làm cấp thiết của cấp uỷ, chính quyền huyện Khánh Sơn, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, hướng đến trở thành nguồn tài nguyên du lịch của địa phương.
Huyện Khánh Sơn đã triển khai thực hiện công tác nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng có hiệu quả phong tục “Lễ Bỏ mả”, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như nghệ thuật trình diễn Đàn đá, Hát kể Sử thi, Lễ Ăn đầu lúa đang lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; hoàn thành Đề tài khoa học về “Một số biện pháp khôi phục, bảo tồn Sử thi của người Raglai huyện Khánh Sơn”; hiện nay đã và đang thực hiện sưu tầm và trưng bày hơn 100 hiện vật mang giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào Raglai bao gồm đàn đá, đàn chapi, mã la, dụng cụ lao động - sinh hoạt … Định kỳ, huyện Khánh Sơn tổ chức các cuộc thi Tìm hiểu Di sản văn hóa; Liên hoan Làng văn hóa…qua đó làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tham gia giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của địa phương.

Nguồn ảnh: tác giả Dam San, Trung tâm Văn hoá- thông tin và thể thao huyện Khánh Sơn
Bên cạnh đó, huyện Khánh Sơn cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực quan, các chương trình văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian được tổ chức hàng năm nhận được sự quan tâm đông đảo của Nhân dân; khuyến khích và tạo điều kiện cho các nghệ nhân hát các làn điệu dân ca và biểu diễn các các nhạc cụ truyền thống; xây dựng chương trình “Tự học tiếng Raglai” trên trang thông tin điện tử của Trung tâm văn hoá – thông tin và thể thao huyện nhằm phổ biến, giữ gìn tiếng nói và chữ viết của người Raglai; chú trọng bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống của người Raglai như: làm nỏ, đan gùi và rổ rá, làm nhạc cụ dân tộc, mây tre đan… gắn với từng bước hình thành phát triển lĩnh vực du lịch văn hóa.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Raglai trên địa bàn huyện Khánh Sơn mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng do hạn chế về kinh phí và ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa trong Nhân dân chưa cao nên chưa đạt được kết quả tốt nhất. Việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chưa được đồng bộ, hầu hết các điểm sinh hoạt văn hoá, nhà cộng đồng ở các thôn, tổ dân phố chưa đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thế hệ trẻ người đồng bào dân tộc Raglai trong những năm gần đây có xu hướng đi làm ăn xa, không còn mặn mà với việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của địa phương.
Vì vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai trên địa bàn huyện Khánh Sơn trong thời gian tới, Huyện uỷ Khánh Sơn đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ về văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc. Trong đó, chú trọng nâng cao ý thức người dân, ý thức cộng đồng dân tộc và khuyến khích những người thực sự tâm huyết, có kiến thức về bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc tích cực tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; tập hợp, thu hút được lực lượng trẻ tuổi là người Raglai tham gia để làm nòng cốt trong việc tuyên truyền, phổ biến và nhân rộng; tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc biết niềm tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình; áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ, ngăn chặn nguy cơ mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Khai thác, phát triển tiềm năng lợi thế về du lịch gắn với quảng bá những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Raglai.
Nguyễn Thị Huyền - BTG.HU Khánh Sơn