Nông nghiệp, nông dân và nông thôn là những vấn đề lớn, được huyện Khánh Vĩnh xác định là tiền đề tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Sau 10 năm, từ khi Nghị quyết về tam nông được ban hành và đi vào thực tiễn, đến nay nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở Khánh Vĩnh đã có sự chuyển mình, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn có sự thay đổi căn bản, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kinh tế nông nghiệp có sự phát triển và chuyển dịch đúng hướng…
Để triển khai thực hiện Nghị quyết đạt kết quả và phát huy được tiềm năng, thế mạnh, huyện đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp, sát với tình hình thực tế của địa phương như cơ cấu lại ngành nông nghiệp; quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung; xây dựng các Đề án, Dự án nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và thành lập các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, từng bước đưa ngành nông nghiệp huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa…
Kết quả đến nay, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng hợp lý, tốc độ phát triển cũng như giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp không ngừng tăng lên. Tổng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp năm 2017 là 274,25 tỷ đồng, chiếm trên 35% trong cơ cấu kinh tế của huyện (bình quân hàng năm tăng 3,6%). Cơ cấu cây trồng đã có sự chuyển dịch từ sản xuất cây trồng truyền thống có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao và từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung về trồng trọt, chăn nuôi; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... Một số loại cây ăn quả đã được đưa vào trồng thực nghiệm, bước đầu đã phát huy hiệu quả, điển hình như cây bưởi da xanh, cây sầu riêng, cây xoài, cây mít. Bên cạnh đó, trong những năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước, cộng với các nguồn vốn khác, huyện đã chú trọng đầu tư nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp như hệ thống kênh mương nội đồng; hệ thống giao thông nông thôn... góp phần đáp ứng nhu cầu nước tưới cho vùng sản xuất lúa, vùng trồng cây công nghiệp, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng và tạo thuận lợi trong khâu thu hoạch, vận chuyển tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Song song với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, khu vực nông thôn cũng được huyện quan tâm đầu tư, phát triển nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thay đổi tập quán sản xuất, canh tác cho cư dân nông thôn. Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm đã được xây dựng cơ bản hoàn chỉnh, kiên cố, đáp ứng điều kiện đi lại, học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể dục - thể thao của người dân trong huyện. Cùng với chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn, các cuộc vận động, các phong trào thi đua được đẩy mạnh gắn với xây dựng gia đình văn hóa, thôn, xã văn hóa… đã thay đổi từng bước diện mạo nông dân, nông thôn ở Khánh Vĩnh.
Hệ thống cầu treo nông thôn được xây dựng góp phần phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp ở Khánh Vĩnh
Đến nay, 100% số xã được phủ sóng truyền thanh - truyền hình, có trạm y tế và hệ thống trường học từ mẫu giáo đến tiểu học, 99% số hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện, gần 90% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; số hộ có phương tiện và các thiết bị hiện đại phục vụ sinh hoạt ngày càng nhiều. Số hộ giàu ở nông thôn tăng lên, số hộ nghèo giảm, cụ thể: Năm 2008 toàn huyện 2.538 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 37,7%, đến năm 2015 có 452 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ năm 5,1% và đến năm 2017 theo tiêu chí xác định chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Khánh Vĩnh tăng lên khá cao, chiếm tỷ lệ 52,1%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 14,6 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,04 lần so với năm 2008. Huyện cũng tranh thủ các nguồn đầu tư của Trung ương, của tỉnh để từng bước hoàn thành việc xóa nhà tranh tre, nhà tạm cho hộ nông dân nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã còn khó khăn. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng cho lao động nông thôn, huyện cũng chú trọng đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2008, số lao động nông thôn được đào tạo nghề là 2.018 người, chiếm tỷ lệ 12,2% so với lao động đang tham gia hoạt động kinh tế; đến năm 2017, số lao động nông thôn được đào tạo nghề là 5.296 người, chiếm tỉ lệ 28,5% so với tổng số lao động đang tham gia hoạt động kinh tế, tăng 3.278 người so với năm 2008. Đặc biệt, lần đầu tiên, huyện Khánh Vĩnh đã xuất khẩu được lao động sang làm việc tại thị trường Ả rập Xê út.
Nhiều hộ gia đình nông dân ở Khánh Vĩnh đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ cây Bưởi da xanh
Mặt khác, để ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, huyện Khánh Vĩnh đã quan tâm chỉ đạo xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, số lượng, đầu ra và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 13 Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, 01 Hợp tác xã nông nghiệp và hiện nay đang xúc tiến thành lập thêm 02 Hợp tác xã nông nghiệp khác. Huyện cũng kêu gọi các công ty trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay đã có một số công ty quan tâm và đầu tư trên địa bàn huyện như Công ty TNHH Nhật Minh, Công ty TNHH Nông nghiệp thương mại bền vững Diệp Châu, Công ty Cổ phần thủy sản Thông Thuận, Công ty Dược liệu Liên Sơn, Công ty cá Tầm Đà Lạt…
Có thể nói, những thành tựu trên đã khẳng định tính đúng đắn và hợp lý của Nghị quyết đối với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Khánh Vĩnh trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Nghị quyết tam nông trên địa bàn huyện còn một số khó khăn, hạn chế như chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm, quy mô còn nhỏ lẻ. Kinh tế một số xã vẫn mang nặng tính thuần nông; ngành nghề nông thôn, dịch vụ nông nghiệp phát triển còn chậm; kinh tế trang trại tuy có phát triển nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa thật sự là những nhân tố thúc đẩy nông nghiệp và phát triển nông thôn. Mặt khác, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thị trường nên giá nông sản thường bấp bênh, không ổn định, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực trong từng giai đoạn, đến đời sống người nông dân, nhịp độ sản xuất và các đơn vị sản xuất kinh doanh gắn với nông nghiệp trên địa bàn huyện; một bộ phận người dân còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nhà nước nên chưa tích cực trong việc phát huy nội lực để thoát nghèo...
Để khắc phục những khó khăn và hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện Khánh Vĩnh cần chú trọng huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Phát triển các ngành nghề dịch vụ nông thôn gắn với tạo chuyển biến căn bản về tập quán sản xuất, ý thức tích lũy tái sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển dân trí và mức sống cho cư dân nông thôn. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước và vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội huyện trong phát triển nông nghiệp ở địa phương.
Hy vọng với những giải pháp thiết thực, đồng bộ, hiệu quả, trong thời gian tới những chính sách trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Khánh Vĩnh phát triển bền vững.
Duy Hải - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Khánh Vĩnh