Những năm qua, công tác chăm lo cho các đối tượng gia đình chính sách, người có công luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm đảm bảo các gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân cùng nơi cư trú; đặc biệt, nhiều phong trào, cuộc vận động đều hướng đến chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần các gia đình chính sách, gia đình thương binh, bệnh binh đã được đông đảo cán bộ, nhân dân trong huyện hưởng ứng tích cực.
Với đặc thù là huyện miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực của các cấp, các ngành, sự hưởng ứng tích cực của người dân, phong trào đền ơn đáp nghĩa, hoạt động chăm sóc người có công, gia đình chính sách trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Huyện Khánh Vĩnh hiện nay đang quản lý 391 người có công với cách mạng, bao gồm các đối tượng như: Thương binh, bệnh binh, Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, Người có công… Để thực hiện tốt công tác này, huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, hàng năm chủ động xây dựng kế hoạch nhằm thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện luôn được quan tâm chăm lo; các chế độ, chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định…
Các hoạt động chăm lo cho người có công được triển khai thường xuyên dưới nhiều hình thức như: hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, đỡ đầu chăm sóc thương binh nặng, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế...; việc giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến cũng được huyện tập trung giải quyết kịp thời. Hàng năm, nhân các ngày lễ, tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7… cấp ủy, chính quyền các cấp cũng tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công; góp phần động viên, khích lệ họ vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, huyện cũng thực hiện tốt chế độ điều dưỡng, chế độ cấp trang thiết bị cho diện đối tượng được thụ hưởng. Ngoài các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, huyện Khánh Vĩnh cũng đẩy mạnh Cuộc vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để hỗ trợ gia đình chính sách, người có công về nhà ở, thăm hỏi, động viên thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ… tạo điều kiện để họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Với số tiền vận động được trung bình hàng năm trên 200 triệu đồng, từ năm 2010 đến nay, huyện đã sửa chữa và xây mới hơn 250 căn nhà từ nguồn quỹ này và 163 căn nhà theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 62 căn nhà từ các nguồn vận động xã hội hóa, hỗ trợ của các công ty, doanh nghiệp… Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa và phong trào chăm sóc người có công với cách mạng cũng được các ngành, các cấp, các hội, đoàn thể ở các địa phương trên địa bàn huyện chú trọng triển khai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Khánh Vĩnh nhận phụng dưỡng suốt đời bà Vũ Thị Thư là vợ liệt sĩ; các tổ chức như Hội Cựu Thanh niên xung phong, Hội Cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp, UBND các xã, thị trấn cũng đẩy mạnh các phong trào, hỗ trợ, giúp đỡ và chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người có công thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa... Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng người có công, gia đình chính sách không ngừng được nâng lên; đến nay, 100% hộ gia đình chính sách trên địa bàn huyện có mức sống từ trung bình trở lên. Đây là một nỗ lực rất lớn trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng của các cấp ủy, chính quyền huyện trong những năm qua.
Lãnh đạo huyện thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn huyện
Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều gia đình chính sách đã được tiếp cận vay vốn ưu đãi thông qua các tổ chức hội, đoàn thể để phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ những chính sách hỗ trợ, đã có nhiều hộ gia đình chính sách vươn lên thoát nghèo và làm giàu như hộ gia đình ông Ngô Đông Quốc là thương binh ở xã Khánh Đông mở lò rèn và lập trang trại, giải quyết việc làm thường xuyên cho 07 lao động tại địa phương; ông Cao Ly Tân người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là gương điển hình về phát triển kinh tế gia đình vườn - ao - chuồng, thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm; thương bệnh binh Nguyễn Hồng Sơn ở xã Sông Cầu lập trang trại trồng cây ăn quả như sầu riêng, bưởi da xanh, mít… tạo việc làm cho nhiều thanh niên tại địa phương. Đây thực sự là những tấm gương sáng trong thời chiến cũng như thời bình, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”.
Trong thời gian tới, huyện Khánh Vĩnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng; chú trọng công tác xã hội hóa, tập trung tổ chức và triển khai các hoạt động hỗ trợ mang tính thiết thực… Từ đó, góp phần đưa công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện ngày càng tốt hơn; cũng như giúp cho các gia đình chính sách, người có công, vượt qua khó khăn, tiếp tục phát huy truyền thống bản thân, gia đình, đóng góp vào sự ổn định, phát triển của địa phương…
CTV Duy Hải - Huyện ủy Khánh Vĩnh