Khánh Vĩnh là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Khánh Hòa, đây là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số như Raglai, Ê đê, T’rin, Tày, Nùng... Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Khánh Vĩnh là căn cứ địa vững chắc của cách mạng, nơi đứng chân của các cơ quan đầu não của tỉnh, của các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, là đường dây liên lạc quan trọng của Liên khu và Trung ương; một số địa danh ở huyện Khánh Vĩnh như Hòn Dù, Hòn Dữ, Hòn Nhạn, Hòn Mưa, Tà Gộc, Suối Cát, Gia Lê, thôn A Xây “thôn Bác Hồ”… đã in sâu, đi vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh đã chú trọng công tác bảo tồn phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào trong các tầng lớp nhân dân, cũng như tạo tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh có ba di tích lịch sử, trong đó: có hai di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh gồm hai căn cứ địa cách mạng là Hòn Dù (xã Khánh Trung), Hòn Dữ (xã Khánh Đông) và một di tích chưa xếp hạng là địa điểm Khu tập trung Gia Lê (xã Liên Sang). Xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, những năm qua, huyện Khánh Vĩnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, dành nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn như phối hợp với các sở, ngành có liên quan rà soát, khảo sát, triển khai, thực hiện bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích; chỉ đạo các ngành và UBND các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các di tích trên địa bàn huyện đều nằm ở khu vực núi cao, địa hình hiểm trở nên công tác tu bổ, tôn tạo gặp nhiều khó khăn, hiện mới chỉ thực hiện được việc chỉnh trang, mở rộng nơi đặt bia di tích. Theo đó, trong tháng 5/2024, UBND huyện Khánh Vĩnh và Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hoà đã hoàn thành và nghiệm thu công trình sửa chữa Bia tưởng niệm di tích lịch sử căn cứ cách mạng Hòn Dữ tại xã Khánh Đông giai đoạn 1 với kinh phí sửa chữa xây dựng là 434 triệu đồng. Đối với những di tích khác chưa thực hiện được công tác đầu tư, tôn tạo, huyện đã giao cho địa phương triển khai các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, phổ biến về giá trị, ý nghĩa và nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, giữ gìn các di tích đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích; tổ chức các hoạt động về nguồn nhằm giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa và truyền thống cách mạng của quê hương...

Bia tưởng niệm di tích Khu tập trung Gia Lê (xã Liên Sang)
Cùng với quan tâm đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, di tích cách mạng, huyện còn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với chào mừng các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các địa phương có di tích, tổ chức tuyên truyền lưu động, treo pano, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, thông điệp bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử… Ngoài ra, định kỳ hàng năm, huyện tổ chức Hội thi tuyên truyền Di sản văn hóa cấp huyện và tham gia Hội thi cấp tỉnh với đối tượng dự thi là các em học sinh đến từ các trường Trung học cơ sở trên địa bàn, từ đó giúp các em học sinh được tiếp cận, hiểu rõ và trân trọng, tự hào về truyền thống lịch sử, những giá trị văn hóa của dân tộc, của địa phương. Có thể nói, thông qua các hoạt động trên mà nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa đã có sự chuyển biến tích cực. Các di tích đã dần trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình về nguồn, tri ân, giao lưu, gặp gỡ, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; đồng thời thúc đẩy hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Hoạt động về địa chỉ đỏ của đoàn viên, thanh niên huyện
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định như các di tích chủ yếu là căn cứ cách mạng nằm xa khu dân cư, khu vực hẻo lánh, núi rừng, giao thông đi lại khó khăn; việc phát huy giá trị của di tích gắn kết với phát triển du lịch còn chưa hiệu quả; công tác xã hội hóa và nguồn lực dành cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích còn hạn chế…
Để phát huy hơn nữa giá trị các di tích trên địa bàn, thời gian tới huyện Khánh Vĩnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến hành động của cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Ưu tiên nguồn lực cũng như thực hiện tốt công tác xã hội hóa cho bảo tồn phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của các di tích; đồng thời tập trung khai thác có hiệu quả giá trị của các di tích, phục vụ cho việc giáo dục truyền thống cách mạng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, từ đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nguyễn Thị Hoàng My – Ban Tuyên giáo Huyện ủy