Đối với huyện miền núi Khánh Vĩnh ngoài công tác vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì công tác hòa giải tại cơ sở cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, là bước đệm đầu tiên trong quá trình giải quyết vụ việc có liên quan đến khiếu nại, tranh chấp. Bước đầu tiên này nhằm xoa dịu mâu thuẫn, tháo gỡ mọi vướng mắc, góp phần hàn gắn tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, ổn định an ninh trật tự ở địa phương. Thời gian qua, các hòa giải viên trên địa bàn huyện đã thực hiện tương đối tốt công tác này.
Trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, ở mỗi thôn, tổ đều có các hòa giải viên, họ sống gắn bó, gần gũi với bà con và có vai trò rất quan trọng, là cánh tay đắc lực giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi trực tiếp giải quyết các vụ khiếu kiện, mâu thuẫn, tranh chấp. Bên cạnh đó, hòa giải ở cơ sở làm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó tình cảm giữa bà con lối xóm cũng như giữ vững an ninh trật tự ở khu dân cư. Anh Là Mân, Tổ trưởng Tổ dân phố số 3, Thị trấn Khánh Vĩnh cho biết: "Khi có vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, nương rẫy, đường đi chung, hay vợ chồng mâu thuẫn, xích mích, chúng tôi thường mời lên thôn hoặc xã, nhiều khi phải đến tận nhà để hòa giải, khi nào có kết quả mới xong, không để khiếu nại lên cấp trên".
Đối với các thôn, bản của đồng bào dân tộc thiểu số, già làng là người bà con tin tưởng nhất, vì vậy họ cũng thường khuyên bà con trong xóm sống đoàn kết, thương yêu nhau, những mâu thuẫn nhỏ phát sinh như: tranh chấp đất đai, nương rẫy, bò phá hoa màu, đốt rẫy cháy lan,… xảy ra thường ngày tại thôn xóm vẫn được các già làng phân giải rất công bằng và nhiệt tình. Bà con nghe ra nên họ đều cố gắng để hòa giải với nhau không để chuyện nhỏ hóa thành chuyện lớn. Cùng với Già làng, các hòa giải viên tại nhiều địa phương luôn nhiệt tình với công việc hàng ngày như vậy. Ngoài kiến thức pháp luật đã được bồi dưỡng, họ phải có lòng nhiệt tình, có kỹ năng thuyết phục đôi bên bằng tình cảm xóm làng thì những người trong cuộc mới lắng nghe và tin tưởng. Sau mỗi một vụ việc được hòa giải thành công, thấy bà con lối xóm ra đường gặp nhau niềm nở thân tình, họ rất vui. Ngược lại, có những vụ việc hòa giải không thành, lúc đó các hòa giải viên cũng trăn trở thấy buồn, căng thẳng và thấy mình chưa hoàn thành trách nhiệm, có người có thâm niên hơn chục năm tham gia công tác hòa giải nên kỹ năng càng ngày càng tốt, điều này giúp cho công việc của cán bộ tư pháp địa phương được giảm nhẹ phần nào, chỉ có những vụ việc khó hòa giải thì mới đưa lên xã giải quyết.

Hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật cho Trưởng thôn
Luật Hòa giải ở cơ sở từ khi triển khai thi hành đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hòa giải cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và có hiệu quả. Chất lượng hòa giải được nâng cao hơn, số lượng vụ hòa giải thành công ngày càng tăng, đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn, thư khiếu nại vượt cấp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân. Quá trình tổ chức thực hiện, chính quyền và nhân dân huyện đã nhân rộng một số cách làm hay nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải như: các địa phương đã tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ năng vận động hòa giải, trang bị kiến thức pháp luật và nghiệp vụ ghi biên bản, theo dõi kết quả hòa giải, nắm bắt đúng tâm tư của đồng bào để hòa giải đạt kết quả tốt. Đối với các vụ việc hòa giải phức tạp, Tổ hòa giải kịp thời tham khảo ý kiến của ngành chuyên môn, thu thập chứng cứ, căn cứ pháp lý, sau đó tổ trưởng tổ hòa giải họp tổ viên lấy ý kiến chung, phân tích nội dung, phân công từng thành viên phụ trách từng nội dung cụ thể của yêu cầu giải quyết tranh chấp. Trước khi tiến hành hòa giải, Tổ hòa giải trao đổi riêng với các bên tranh chấp để tìm hiểu nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các bên, để từ đó phân tích các quy định của pháp luật có liên quan cho các bên biết và vận động các bên thỏa thuận đi đến thống nhất tại buổi hòa giải.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải cơ sở, các địa phương cần đẩy mạnh các hình thức giao lưu để các hòa giải viên được thường xuyên học hỏi kinh nghiệm; tăng cường tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi, với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động để các hòa giải viên có thêm kiến thức để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào ở các địa phương./.
CTV Lê Tuyết - Đài Khánh Vĩnh