Huyện Khánh Vĩnh là địa bàn miền núi, có đông đồng bào các dân tộc thiểu số, chiếm 70% dân số toàn huyện với các dân tộc như Raglay, Trin, Tày, Nùng, Mường, Dao... Trình độ dân trí, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao (52,1% vào thời điểm cuối năm 2017); cơ sở vật chất hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; sản xuất kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên nên gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, do điều kiện khí hậu môi trường nóng ẩm và điều kiện sinh hoạt của người dân chưa đảm bảo nên một số loại dịch bệnh như bệnh sốt rét, tiêu chảy… có nguy cơ dễ bùng phát.
Trung tâm y tế huyện Khánh Vĩnh
Nhận thức vấn đề đó, trong những năm qua, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh và các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục... cho địa bàn miền núi, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để củng cố, hoàn thiện hệ thống y tế cũng như chất lượng, dịch vụ song song với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương như Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa IX về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị, khóa IX về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và mới đây nhất là Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện như: Chương trình hành động số 05-CTr/HU, ngày 22/3/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chương trình hành động số 07-CTr/HU, ngày 21/10/2011 về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. UBND huyện hàng năm đều ban hành kế hoạch thực hiện và đưa các mục tiêu về y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức và hành động về vai trò quan trọng của hệ thống y tế cơ sở trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân cho cấp ủy, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện, Huyện ủy Khánh Vĩnh đã tổ chức hội nghị quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn huyện; đồng thời chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy đôn đốc, hướng dẫn các địa phương và các đơn vị như Phòng Văn hoá - Thông tin, Đài Truyền thanh - truyền hình huyện tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; thường xuyên đăng tải, phổ biến trên hệ thống thông tin đại chúng những chủ trương của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu về y tế trên địa bàn huyện…
Một số trang thiết bị mới được đưa vào sử dụng, phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh ở Khoa ngoại - TTYT huyện
Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của ngành y tế, mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở ngày càng hoàn thiện, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện; nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe ban đầu đã có sự thay đổi rõ rệt. Hiện nay, huyện Khánh Vĩnh có 01 Trung tâm y tế, được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2009 với hơn 70 giường bệnh, 14 Trạm y tế, 02 phòng khám đa khoa khu vực (Khánh Bình, Khánh Lê) với 54 giường bệnh. Những năm gần đây, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, Trung tâm y tế huyện đã đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại, phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Tại Trung tâm y tế huyện, hoạt động phẫu thuật ngoại khoa - sản đã có những tiến bộ, đã triển khai thực hiện được các kỹ thuật mới: mỗ lấy thai, viêm ruột thừa, mỗ u nang buồng trứng, thoát vị bẹn... Các hoạt động chuyên khoa khác cũng được triển khai ứng dụng có hiệu quả: Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Đơn nguyên sơ sinh, Y học cổ truyền, Tai mũi họng, Răng hàm mặt… Các trang thiết bị mới được đưa vào sử dụng: X-quang, Siêu âm, máy trợ thở, máy xét nghiệm sinh hóa, máy tạo oxy, lồng ấp nuôi trẻ sơ sinh, các thiết bị dụng cụ phục hồi chức năng. Nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến được ứng dụng thành công đã góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân. Bên cạnh đó, hoạt động khám chữa bệnh tại các tuyến được tăng cường cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu khám và điều trị bệnh ngay tại cơ sở. Hàng năm, số bệnh nhân vào khám tại các tuyến y tế của huyện là hơn 88.000 lượt người/năm, công suất sử dụng giường bệnh là 95%.
Số lượng đội ngũ cán bộ y tế từ huyện đến cơ sở cũng tăng về số lượng và chất lượng. Toàn ngành y tế huyện có 318 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 01 thạc sỹ, 27 bác sĩ, 73 y sĩ, 29 nữ hộ sinh, 43 điều dưỡng, 10 kỹ thuật viên, 20 dược sĩ trung học, 52 nhân viên y tế thôn bản, 64 cán bộ và nhân viên y tế. Thực hiện chủ trương đưa bác sĩ về tuyến xã, đến nay, toàn huyện có 03/14 xã, thị trấn có bác sĩ; 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh; hầu hết các thôn, tổ dân phố đều có nhân viên y tế. Thực hiện Đề án 1816, các trạm y tế đều có bác sĩ về hỗ trợ chuyên môn và thăm khám bệnh cho người dân tại trạm từ 1-2 ngày/tuần. Hiện nay bình quân toàn huyện, 01 vạn dân có 27 giường bệnh, 6,3 bác sĩ và 0,27 dược sĩ. Đội ngũ làm công tác y tế dự phòng không ngừng được củng cố và tăng cường nên đã làm tốt công tác phòng bệnh tại cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế từ huyện đến cơ sở; công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước cho cán bộ lãnh đạo ngành y tế huyện tiếp tục được quan tâm. Có chính sách hỗ trợ khuyến khích cán bộ ngành y tế đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; chính sách thu hút cán bộ ngành y tế có trình độ cao về công tác trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí cho cán bộ y tế trong các đợt phòng chống dịch; xây dựng nhà công vụ cho các trạm y tế; hàng năm vào ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, huyện đều tổ chức lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh những cống hiến của ngành y tế và động viên đội ngũ cán bộ, y sĩ, bác sĩ khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...
Bên cạnh đó, công tác y tế dự phòng có sự chuyển biến tích cực, từ một huyện trọng điểm có tỷ lệ người mắc bệnh sốt rét cao của tỉnh, đến nay, Khánh Vĩnh đã khống chế và không có xuất hiện điểm dịch. Việc quản lý và phát huy vai trò của y tế ngoài công lập được quan tâm, hiện nay trên địa bàn huyện có 01 phòng khám tư nhân; 08 quầy thuốc, nhà thuốc tư nhân (trong đó: Thị trấn Khánh Vĩnh 04, Liên Sang 01, Cầu Bà 01, Khánh Bình 02). Việc phát triển y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại nhằm phục vụ tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân cũng được quan tâm triển khai, ở các trạm y tế vườn cây thuốc nam đã được xây dựng và phát triển về chủng loại cây thuốc; Trung tâm y tế huyện cũng đang tích cực đầu tư về trang thiết bị và nguồn nhân lực để sớm thành lập Khoa y học cổ truyền.
Phòng khám Đa khoa khu vực Khánh Bình – Khánh Vĩnh
Nhìn chung, trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các ngành, các cấp và sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hệ thống mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn huyện ngày càng được hoàn thiện, chất lượng khám chữa bệnh cũng như trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ được nâng lên. Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, tỉnh và chương trình, kế hoạch của huyện, các ban, ngành, đoàn thể đã cụ thể hóa các nội dung hoạt động thông qua việc lồng ghép các chương trình, kế hoạch của ngành y tế với các chương trình công tác, kế hoạch của cơ quan, đơn vị như: Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân thành lập các câu lạc bộ sức khỏe, hạnh phúc gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội… hoạt động khá hiệu quả, đã góp phần củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh ở địa phương.
Người dân đến khám bệnh tại Trung tâm y tế huyện
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế của huyện còn một số khó khăn, hạn chế nhất định như: trình độ chuyên môn và năng lực của cán bộ y tế chưa đồng đều, thiếu bác sĩ giỏi, nhất là bác sỹ gây mê hồi sức; các chế độ chính sách cho cán bộ y tế còn thấp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của cán bộ trong ngành; một số trang thiết bị y tế được cấp phát cho Trạm y tế các địa phương hầu như chưa sử dụng do thiếu bác sĩ hoặc cán bộ chuyên môn...
Trong thời gian tới để tiếp tục củng cố hoàn thiện hệ thống y tế, nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện thì cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành y tế cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế thiết yếu, đặc biệt là các đối tượng chính sách và người nghèo, người dân tộc thiểu số. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhân lực nguồn y tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng. Mở rộng và triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân. Tiếp tục quan tâm bổ sung, nâng cấp các trang thiết bị ở các trạm y tế cơ sở…
Với những giải pháp cụ thể, thiết thực, hi vọng thời gian tới, các mục tiêu Quốc gia về y tế trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh sẽ hoàn thành theo đúng lộ trình và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân.
Lê Duy Hải - Ban Tuyên giáo Huyện ủy