Để cụ thể hóa nội dung trên, huyện Khánh Vĩnh ban hành nhiều văn bản như: Nghị quyết số 15-NQ/HU, ngày 23/10/2012 về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2012 - 2015 và đến năm 2020; Đề án số 17-ĐA/HU, ngày 24/12/2012 về đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2013 - 2020 của Huyện ủy; Nghị quyết số 16/NQ-HĐND, ngày 27/12/2012 của Hội đồng nhân dân huyện về việc thông qua Đề án đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2013-2020; Đề án số 74/ĐA-UBND, ngày 18/01/2013 của Ủy ban nhân dân huyện về đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2013-2020…
Nhận thấy những khó khăn, hạn chế cơ bản của đội ngũ cán bộ phần lớn là chưa được đào tạo chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ (nhất là cán bộ ở cấp xã), Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, trong đó tập trung vào những lĩnh vực mà địa phương còn thiếu và yếu… Thực hiện chủ trương đó, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện tích cực rà soát, đánh giá về năng lực của cán bộ và có kế hoạch cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Theo đó, từ năm 2008 đến nay đã có 2.128 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng được tổ chức ở huyện và tỉnh gồm: cao cấp, trung cấp chính trị; bồi dưỡng chuyên viên chính, chuyên viên; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn theo Đề án 1956; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tổ chức đoàn, hội trên địa bàn huyện… Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nhất là ở cấp xã không ngừng được cải thiện. Toàn huyện có 1.886 cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả ngành giáo dục và y tế), tăng 1.039 người so với năm 2007, trong đó có 06 thạc sĩ, chiếm 0,3%, trình độ đại học, cao đẳng có 605 người, chiếm 32%.

Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên giáo ở cơ sở được tổ chức tại Trung tâm BDCT huyện
Đối với công tác giáo dục - đào tạo, trên cơ sở Nghị quyết, Đề án của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, ngành giáo dục huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm mở rộng quy mô trường lớp và nâng cao chất lượng giáo dục như: Tăng cường đổi mới phương pháp dạy và học; nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và công tác quản lý; đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục - đào tạo… qua đó từng bước nâng cao chất lượng dạy và học trên địa huyện. Đến nay, toàn huyện có 40 trường với gần 400 phòng học, trong đó có 03 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 7,5%. Quy mô và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các ngành học, cấp học tiếp tục được củng cố, theo hướng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo và có một bộ phận trên chuẩn, đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới dạy học.
Công tác đào tạo nghề được quan tâm, hàng năm Phòng Lao động - TB&XH huyện phối hợp với các xã, thị trấn rà soát số lượng, nhu cầu học nghề của người lao động tại địa phương, khuyến khích lao động tham gia tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng và tìm hiểu về các ngành nghề. Các chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động được triển khai thường xuyên. Hoạt động xuất khẩu lao động bước đầu được triển khai, hiện nay huyện đã có lao động làm việc tại thị trường Ả rập - xê út và sắp tới là Nhật Bản.
Nhờ định hướng đúng đắn trong công tác phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần quan trọng vào đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 14,6 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,04 lần so với thu nhập của năm 2008; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 37,7% năm 2008 xuống còn 5,1% năm 2015 và đến cuối năm 2017 (tuy nhiên theo tiêu chí tiếp cận đa chiều, tỉ lệ hộ nghèo ở huyện Khánh Vĩnh tăng lên khá cao, chiếm tỉ lệ 52,1%); có 99% số hộ được dùng điện, trên 90% người dân được dùng nước hợp vệ sinh…

Hội thi giáo viên dạy giỏi do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung toàn tỉnh thì nguồn nhân lực, dân trí của huyện vẫn còn khoảng cách chênh lệch khá lớn, thể hiện ở các mặt như: Chất lượng lao động thấp, số lượng lao động có tay nghề, có chuyên môn kỹ thuật rất ít; đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới; chất lượng giáo dục đã có chuyển biến nhưng còn chậm; công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều hạn chế. Những hạn chế này đã ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai phổ biến giáo dục pháp luật, tín ngưỡng tôn giáo, phổ cập giáo dục các bậc học, giảm nghèo bền vững, lao động - việc làm, phát triển sản xuất và một số lĩnh vực khác...
Để đạt mục tiêu đến năm 2020, nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng về số lượng, đảm bảo chất lượng, hợp lý về cơ cấu, có tri thức và kỹ năng làm việc trong môi trường hội nhập, ngoài việc thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đã được xác định thì các cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến việc: Đổi mới công tác quản lý nhà nước về nhân lực, trong đó chú trọng đến việc bảo đảm liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân lực có tay nghề. Có cơ chế khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề để tạo tiền đề nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực…
Bên cạnh đó, cần huy động tối đa các nguồn lực của địa phương, của các tổ chức, cá nhân cho công tác phát triển nguồn nhân lực, song song với tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh. Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong công tác đào tạo nhân lực đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng, hợp lý về cơ cấu nhằm đáp ứng được nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho các ngành, lĩnh vực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Duy Hải - BTG Huyện ủy Khánh Vĩnh