Những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư (khóa X) về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa phẩm độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, huyện Khánh Vĩnh đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp và đạt được một số kết quả tích cực, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, nhất là ở địa bàn cơ sở.
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng việc chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện thông qua nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, dân tộc như: tuyên truyền miệng qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở; qua việc xây dựng các tin, bài đăng tải trên Trang thông tin điện tử huyện; tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, hội thi tuyên truyền về phòng chống văn hóa phẩm độc hại; phòng, chống tệ nạn xã hội hay các hình thức tuyên truyền trực quan pano, áp phích, xe tuyên truyền lưu động… Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng tổ chức, từng cá nhân trong việc chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định về phòng chống, bài trừ các sản phẩm văn hoá độc hại; từng bước tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập và tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài xâm nhập vào đời sống; nâng cao ý thức cảnh giác, năng lực nhận biết, bài trừ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước sự xâm nhập, tác động của các sản phẩm văn hóa độc hại, đồng thời bảo lưu và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện…
Một trong những giải pháp quan trọng trong việc phòng chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại là xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tích cực, nhất là ở địa bàn cơ sở, các khu dân cư. Vì vậy, trong những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể, các địa phương trên địa bàn huyện luôn chú trọng đến việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao lành mạnh được tổ chức thường xuyên, từng bước loại bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu ra khỏi đời sống cộng đồng. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa” được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả rõ nét, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Từ phong trào, đã có nhiều mô hình gia đình văn hóa, tổ dân phố, khu dân cư tiêu biểu về thực hiện tốt các tiêu chí như: gương mẫu chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương (không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, không sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm độc hại, không mắc các tệ nạn xã hội, tham gia tích cực bài trừ tệ nạn xã hội và phòng, chống các loại tội phạm, trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, chăm ngoan, hiếu học...). Kết quả, đến năm 2020, toàn huyện có 95,4% số hộ gia đình văn hóa; 100% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Từ những kết quả tích cực trên, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh hàng năm trên địa bàn huyện.
Nhiều trường học trên địa bàn huyện đã quan tâm tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh
Trong lĩnh vực giáo dục, việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên cả ba mặt: giáo dục thẩm mỹ, giáo dục nhân cách và giáo dục tri thức được đặc biệt coi trọng. Ngành Giáo dục huyện đã đẩy mạnh thực hiện phong trào "Trường học thân thiện, Học sinh tích cực” với việc giáo dục kỹ năng sống vào các môn học cụ thể, gắn công tác giáo dục bài trừ văn hóa phẩm độc hại với tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các buổi nói chuyện, tọa đàm, sinh hoạt chính trị, tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa... nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, giúp các em học sinh có kiến thức và hiểu hiểu, khả năng tự đề kháng với các sản phẩm văn hóa độc hại, nhất là trong điều kiện bùng nổ của công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội hiện nay.
Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa được thực hiện nghiêm túc. Hàng năm, Ủy ban nhân huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các ấn phẩm đang lưu hành trên thị trường; đồng thời triển khai kịp thời đến các địa phương những quy định mới của nhà nước về kinh doanh trò chơi điện tử cộng cộng, các quy định về hoạt động in, kinh doanh xuất bản phẩm... Chỉ tính riêng trong 10 năm qua, Đội kiểm tra liên ngành 814 của huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và Đội kiểm tra liên ngành ở các xã, thị trấn tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 200 lượt kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh băng đĩa, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, các điểm cung cấp trò chơi điện tử công cộng... Qua kiểm tra, đã thực hiện đình chỉ hoạt động hơn 50 trường hợp vi phạm và xử phạt hành chính 01 trường hợp, tịch thu 870 đĩa các loại không tem nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nội dung khiêu dâm, độc hại.
Giao lưu văn hóa các dân tộc huyện Khánh Vĩnh
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng được huyện chú trọng, thông qua các hoạt động như: tổ chức Lễ hội cồng chiêng, Lễ Mừng lúa mới, Lễ cúng bến nước…; giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số, Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam; hoạt động trưng bày, triển lãm các loại nhạc cụ, nhạc khí như salakhen, đinh năm, đinh chót, cồng chiêng, mã la… đã góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, làm phong phú đời sống tinh thần và ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực, tác động xấu của văn hóa ngoại lai trong đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh.
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, trong công tác chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại trên địa bàn huyện vẫn còn những hạn chế nhất định, như: một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về văn hóa chưa thường xuyên; công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên nhận biết, đề phòng, loại trừ các loại văn hóa độc hại xâm nhập vào cộng đồng, gia đình, xã hội hiệu quả chưa cao; đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa còn hạn chế về chuyên môn…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại, đặc biệt là một số nhiệm vụ được đề ra trong Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư, huyện Khánh Vĩnh xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa nói chung và chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội nói riêng. Gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị. Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa. Có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích việc thực hiện các đề tài nghiên cứu về văn hóa dân gian, văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân… Hi vọng thông qua việc thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh sẽ không ngừng phát triển, là nền tảng và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
CTV Duy Hải - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Khánh Vĩnh