Công tác dân vận được Đảng ta xác định là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong mỗi giai đoạn cách mạng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI chỉ rõ: “Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân”(1). Với địa bàn huyện Khánh Vĩnh, đặc thù là có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm trên 70% dân số toàn huyện), đời sống còn khó khăn, trình độ dân trí của người dân còn thấp so với các địa phương khác trong tỉnh nên trong quá trình triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác vận động, tuyên truyền phải gắn với đặc thù ở từng địa phương, phù hợp với tâm lý của mỗi dân tộc.
Nhận thức được điều đó, thời gian qua các cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận, đề ra và thực hiện nhiều giải pháp cụ thể như: chú trọng chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có chất lượng; phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cốt cán trong tôn giáo; quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới; trong đó tập trung làm chuyển biến nhận thức về công tác dân vận của chính quyền, tập trung giải quyết những kiến nghị, đề xuất, bức xúc của người dân ngay tại cơ sở. Phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong công tác phối hợp vận động, tuyên truyền nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng khối đại đoàn kết và xây dựng hệ thống chính trị ở cở sở.
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cũng như phát huy vai trò của công tác dân vận, diện mạo của huyện Khánh Vĩnh đã có sự thay đổi rõ nét, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đời sống, thu nhập của nhân dân được nâng lên; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh tiếp tục được tăng cường; đã hình thành một số mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả cao; các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn đa dạng hơn; văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố; phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia và mang lại hiệu quả thiết thực; vai trò chủ thể của nhân dân ngày càng được phát huy và thể hiện rõ nét hơn. Năm 2019, xã điểm Sông Cầu đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại bình quân đạt 9,54 tiêu chí/xã, tăng bình quân 1,35 tiêu chí/xã so với năm 2015 và đạt 78,52% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020. Bên cạnh đó, các chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai hiệu quả, kịp thời như: chính sách vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề,… đã giúp cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh thoát nghèo, vươn lên làm giàu; chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, đã tạo việc làm tăng thêm cho lao động bình quân là 1.081 người/năm, đạt 216%. Công tác giảm nghèo được thực hiện lồng ghép với nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn 26,5%, giảm 34,8% so với cuối năm 2015; bình quân hàng năm giảm 6,96%. Các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ như: Hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ các đồng bào DTTS, hộ nghèo, cận nghèo đóng bảo hiểm y tế…; tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt đạt 98%. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 23,6 triệu đồng/người/năm.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Khánh Vĩnh trao tặng nhà đại đoàn kết cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã Khánh Đông
Hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy, nhất là ở cấp cơ sở đã đi vào nề nếp. Chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cũng như năng lực quản lý, điều hành của UBND các cấp được nâng lên rõ rệt. Hội đồng nhân dân huyện đã tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu vào những vấn đề mà địa phương đang vướng mắc; một số vấn đề liên quan đến đời sống người dân được cử tri phản ánh như nước sinh hoạt; quản lý, sử dụng đất đai; tình trạng khai thác khoáng sản,... và đề nghị UBND huyện, các ngành có liên quan xử lý và giải quyết kịp thời. Công tác quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân từng bước thay đổi theo hướng hiện đại theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008. Phong cách, ý thức trách nhiệm, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có sự chuyển biến tích cực theo hướng sát dân, phục vụ nhân dân, từng bước khắc phục tình trạng phiền hà, sách nhiễu dân. Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã phát huy hiệu quả, giải quyết kịp thời các nhu cầu về thủ tục hành chính cho nhân dân; một số mô hình, sáng kiến, giải pháp CCHC đã được triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực, được người dân đánh giá cao, nhiều thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp được giải quyết kịp thời, đúng thời gian.
Các tập thể được khen thưởng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ huyện đến cơ sở không ngừng được đổi mới nội dung, phương thức; trong đó chú trọng các hoạt động hướng về cơ sở; tăng cường hoạt động giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống của Nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Công tác dân vận vẫn chưa được cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương coi trọng; hệ thống dân vận, mặt trận, nhất là ở cơ sở chưa nhạy bén, chưa chủ động nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân để tham mưu cấp ủy có những biện pháp giải quyết phù hợp, nhất là chính sách về an sinh xã hội. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân một số địa phương chưa làm tốt việc giám sát các cấp chính quyền, các ngành trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức sâu sắc vai trò của công tác dân vận trong thực thi nhiệm vụ được giao.
Để góp phần cùng cấp, các ngành hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng an ninh đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng chí Cao Thị Thêm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch MTTQ Việt Nam huyện Khánh Vĩnh cho biết: Thời gian tới, Ban Dân vận Huyện ủy sẽ tiếp tục tham mưu Huyện ủy tăng cường chỉ đạo và tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên lĩnh vực công tác dân vận, nhất là Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; thực hiện có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư. Tăng cường tiếp xúc lắng nghe, đối thoại, trao đổi, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống; phối hợp chặt chẽ công tác dân vận trong hệ thống chính trị; xem trọng công tác dân vận chính quyền; công tác mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận theo quan điểm “trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân”. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh trong thời gian tới.
CTV Duy Hải – Huyện ủy Khánh Vĩnh
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nxb CTQG, H.2013, tr.36.