Huyện Khánh Vĩnh có điểm khác biệt so với các địa phương khác trong tỉnh chính là sự đa sắc tộc; điểm xuất phát, trình độ dân trí và nhận thức xã hội của đa số đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, không đồng đều; điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh... Cùng với sự bùng nổ thông tin đa chiều hiện nay, trong đó có cả những thông tin xuyên tạc, vu khống mà những phần tử xấu đã lợi dụng tuyên truyền, kích động, lôi kéo, phá hoại sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra các “điểm nóng” nhằm thực hiện âm mưu “Diễn biến hoà bình”, “Bạo loạn lật đổ”… Chính vì thế, công tác tuyên truyền tại địa bàn miền núi Khánh Vĩnh phải thể hiện đúng vai trò cung cấp, định hướng thông tin, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng tại địa phương.
Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân địa phương được tổ chức ở xã Sơn Thái - Khánh Vĩnh
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã quan tâm xây dựng, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và từng bước nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp tuyên truyền. Đến nay, đội ngũ báo cáo viên cấp huyện được kiện toàn, từng bước nâng cao về chất lượng, hiện nay có 12 đồng chí, là những người được tôi luyện qua quá trình công tác, am hiểu phong tục, tập quán, đã phát huy được vai trò của mình trong thực tiễn. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên cơ sở, tuyên truyên truyền viên, hòa giải viên, hoạt động và phân bố đều khắp các địa phương.
Với sự tham gia tích cực, nhiệt tình của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, bình quân hàng năm các cấp ủy địa phương, các cấp hội - đoàn thể đã tổ chức được hàng trăm buổi tuyên truyền, học tập các nghị quyết của Đảng, giáo dục pháp luật, thu hút hàng chục ngàn lượt người tham dự. Hoạt động tuyên truyền thường xuyên được đổi mới về nội dung, hình thức, phù hợp với trình độ dân trí của từng đối tượng, từng dân tộc... từ đó đã chuyển tải được nhiều thông tin có giá trị đến với đông đảo quần chúng Nhân dân. Bên cạnh đó, hệ thống Mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở thường xuyên tổ chức tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, các hội thi, tuyên truyền nhóm nhỏ, tuyên truyền trực tiếp đến hộ dân và đặc biệt quan tâm, tranh thủ vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư…
Hội thi tìm hiểu pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số do UBND huyện phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức
Công tác tuyên truyền đã từng bước làm thay đổi nhận thức của Nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó đã góp phần quan trọng trong thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo tại địa phương. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua được triển khai rộng khắp, từng bước trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, được đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng... Một số cấp ủy địa phương đã giải quyết tốt những vấn đề như tình trạng thiếu đất sản xuất, lấn chiếm đất rừng, tranh chấp đất đai giữa đồng bào dân tộc thiểu số với các công ty lâm nghiệp… Chương trình xây dựng Nông thôn mới cũng đạt được những kết quả nhất định, đến năm 2017 đã có 01 xã đạt 16 tiêu chí; 10 xã đạt từ 6-9 tiêu chí và 02 xã đạt 5 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người từng bước được nâng lên, năm 2011 là 9,6 triệu đồng/người/năm, đến năm 2017 đạt mức 14,6 triệu đồng/người/năm. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, hệ thống giáo dục, y tế ngày càng hoàn thiện đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn huyện được giữ vững, không có điểm nóng về dân tộc, tôn giáo, khối đoàn kết giữa các dân tộc được duy trì và phát huy.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn của tình hình mới, công tác tuyên truyền trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh vẫn còn những hạn chế và khó khăn nhất định, đó là: Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa được đào tạo cơ bản, thiếu kỹ năng, chưa thật sự “nhanh, nhạy, sắc bén”. Trình độ, năng lực cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế, am hiểu chưa sâu về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán và tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số. Một số cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở chưa quan tâm đến công tác tranh thủ, phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, nên việc tuyên truyền hiệu quả chưa cao. Mặt khác, do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiềm ẩn những vấn đề phức tạp, nhất là tình trạng tranh chấp đất đai, thiếu đất sản xuất...; nhận thức pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật, hiểu biết về các quan điểm, đường lối của Đảng và các chính sách pháp luật của Nhà nước ở một bộ phận người dân tộc thiểu số còn hạn chế, đặc biệt trình độ dân trí của bà con các dân tộc thiểu số còn thấp là một trở ngại lớn trong công tác tuyên truyền.
Từ thực tiễn hoạt động tuyên truyền trên địa bàn miền núi Khánh Vĩnh và những hiệu quả đã mang lại, có thể rút ra được một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau:
Một là, cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở phải thường xuyên quán triệt đầy đủ quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tuyên truyền. Coi trọng chỉ đạo đối với công tác tuyên truyền nói chung, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nói riêng, nhất là ở cấp cơ sở; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện để có sự điều chỉnh kịp thời. Qua đó làm cho cán bộ, đảng viên ngày càng hiểu sâu sắc hơn về vị trí, vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền.
Hai là, thường xuyên bồi dưỡng rèn luyện cán bộ, đảng viên trực tiếp làm công tác tuyên truyền có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt và có năng lực công tác. Đây là vấn đề quan trọng, trực tiếp quyết định đến hiệu quả công tác tuyên truyền. Công việc này đòi hỏi người làm công tác tuyên truyền không ngại khó, thực sự gương mẫu, kiên nhẫn, thận trọng, nói đi đôi với làm và có trình độ, kiến thức, năng lực, nắm bắt được đặc điểm tâm lý, văn hoá, phong tục tập quán, biết cách thuyết phục, lôi cuốn, tập hợp, tổ chức cho bà con nhân dân thực hiện.
Ba là, tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hoá các nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành công tác tuyên truyền, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Sử dụng các hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền là: Đối với mỗi đối tượng, phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng yếu tố ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Bằng nhiều hình thức, phương pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền trong Nhân dân thông qua các cuộc sinh hoạt dân chủ tại thôn, bản, các đoàn thể nhân dân, các lễ hội, hoạt động văn hoá dân gian của các dân tộc. Trên cơ sở đó, chủ động bám sát đặc điểm tâm lý, văn hoá dân tộc, phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, để Nhân dân nhiệt tình tham gia hưởng ứng các phong trào.
Đa dạng hóa các tài liệu tuyên truyền bao gồm: Sách, băng hình, pa nô, áp phích, các ấn phẩm pháp luật...; tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác sử dụng tủ sách pháp luật ở các xã, điểm bưu điện văn hóa xã. Từng bước xây dựng tủ sách pháp luật ở các thôn, khu dân cư…
Bốn là, phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đang có và đặc biệt là phát huy vai trò tuyên truyền của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ quan chức năng tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trách nhiệm, kỹ năng, nghiệp vụ, giúp lực lượng tuyên truyền nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cho người dân tộc thiểu số.
Với những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể huyện Khánh Vĩnh tiếp tục nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp tiếp cận, thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên địa bàn huyện nói chung và trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, góp phần củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào thi đua, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đề ra, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên quê hương Khánh Vĩnh.
Duy Hải – Ban Tuyên giáo Huyện ủy Khánh Vĩnh