Trong không khí kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất Tổ quốc, chúng tôi có dịp ghé Khu tập trung Gia Lê Khánh Vĩnh, nhân chuyến đi cùng đoàn của Ban thường vụ Huyện đoàn Khánh Vĩnh về thăm hỏi, động viên và tặng quà những người đã tham gia cách mạng tại Khu tập trung Gia Lê. Trong tiết trời những ngày cuối tháng 4 lịch sử, có mặt tại bia tưởng niệm di tích Khu tập trung Gia Lê Khánh Vĩnh, nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh, cuộc nổi dậy của quân và dân đồng bào các dân tộc huyện miền núi Khánh Vĩnh để dành lấy chính quyền, phá tan sự kìm kẹp, dồn dân của Mỹ -Ngụy đối với đồng bào các dân tộc của huyện miền núi Khánh Vĩnh.
Ký ức lịch sử
Cách đây 60 năm, sự kiện chiến thắng Gia Lê vào ngày 23/9/1960 đã ghi mốc son chói lọi vào trang sử vẻ vang của quân, dân và lực lượng vũ trang của huyện miền núi Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung. Đập tan âm mưu của Mỹ - Diệm nhằm tập trung dân cư, tách dân cư khỏi phong trào cách mạng ở miền núi, đi đến xóa bỏ các khu căn cứ cách mạng của Tỉnh. Chiến thắng Gia Lê đã giải phóng hàng ngàn đồng bào các dân tộc khỏi khu dồn dân, mở màn cho các cuộc nổi dậy của đồng bào các dân tộc miền núi Khánh Vĩnh, phá tan các khu tập trung ở Cầu Bà, Giang Ché, Sông Cầu, Bến Khế. Chiến thắng Gia Lê là mốc kỷ niệm Ngày giải phóng miền núi Khánh Hòa, tiến tới giải phóng Khánh Hòa ngày 2/4/1975 và giải phóng miền nam 30/4/1975 thống nhất đất nước.
Nhằm thực hiện chính sách tách nhân dân ta ra khỏi Đảng, khỏi cách mạng, kế hoạch “tát cạn nước bắt hết cá” của Mỹ - Diệm được thực hiện từ đầu năm 1957. Theo đó, đồng bào các dân tộc tại Khu Gia Lê nay là xã Liên Sang, Sơn Thái, Cầu Bà và Giang Ly bị địch thực hiện chính sách “dồn dân” cai trị, đàn áp tàn bạo, mặt khác chúng còn mở lớp học “ Tố cộng” để uy hiếp tinh thần đồng bào. Đầu năm 1959, chính sách nô dịch, gây chiến và hành động khủng bố dã man của Mỹ - Diệm đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của nhân dân miền Nam. Trước tình hình đó, ngày 30/01/1959 tại thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II họp hội nghị lần thứ 15 mở rộng để đề ra nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam. Tháng 8/1959, tại xóm Cỏ - căn cứ Tô Hạp, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã tổ chức hội nghị học tập quán triệt Nghị quyết 15 mở rộng khóa II nhằm đẩy mạnh phong trào cách mạng miền núi lên cao hơn, lấy đấu tranh vũ trang hỗ trợ cho đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân, phá các khu tập trung dân của địch. Đối với huyện miền núi Khánh Vĩnh; tháng 12/1959 tại vùng Hòn Chuông, Huyện ủy đã họp bàn việc thực hiện Nghị quyết của Đảng. Đồng chí Hà Huy An, Bí thư huyện ủy Khánh Vĩnh lúc bây giờ đã chủ trì hội nghị nhằm thực hiện chủ trương trương trước mắt của toàn Đảng bộ và Nhân dân là tập trung phá tan các khu dồn dân của địch, giành lại chính quyền, giải phóng buôn làng. Cuối năm 1959, Huyện ủy Khánh Vĩnh thành lập Trung đội vũ trang tập trung 254, do đồng chí Bùi Thanh Vân làm đội trưởng. Cùng thời gian này, đại đội 548 được thành lập, vùng căn cứ miền núi có đại đội đầu tiên. Đầu tháng 9/1960, Liên Tỉnh ủy 3 và Huyện ủy Khánh Vĩnh họp bàn kế hoạch, phương án cụ thể phá các khu tập trung dân của địch, trong đó có khu Gia Lê. Sau đó, đúng 5 giờ 00 phút ngày 23/9/1960, lực lượng của ta chia làm 5 mũi tấn công đồng loạt vào khu tập trung Gia Lê. Nhân dân và lực lượng vũ trang đã nhất tề phá khu tập trung, giải phóng cho hơn 5000 ngàn người dân. Từ chiến thắng Gia Lê đã mở màn cho nhiều chiến thắng tại các khu tập trung khác, giải phóng miền núi Khánh Vĩnh; tạo điều kiện an toàn khu cho căn cứ cách mạng của tỉnh. Quân và dân miền núi Khánh Vĩnh đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang huyện - tỉnh đánh bại các cuộc càn quét quy mô lớn của địch; tạo tiền đề cho những thắng lợi của cách mạng Khánh Hòa, tiến tới giải phóng Khánh Hòa ngày 2/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30/4/1975 thống nhất đất nước.
Ngày nay, Khu tập trung Gia Lê nằm trên địa phận xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh. Trong các năm qua, phát huy truyền thống cách mạng; đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Liên sang luôn ra sức phấn đấu thi đua lao động và học tập, tập trung phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo cuộc sống nhân dân. Liên Sang hôm nay đã thay da đổi thịt hàng ngày, là khu trung tâm của các xã cánh tây Khánh Vĩnh. Tại khu trung tâm xã đã có điện đường chiếu sáng, có đường Quốc lộ 27C băng qua, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, giao thương mua bán hàng hóa. Hệ thống chợ, nhà văn hóa, trường học, trạm xá được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu mua sắm, học hành, hưởng thụ văn hóa và chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân. Những căn nhà mái ngói đỏ tươi, những ngôi nhà định canh định cư san sát mà nhà nước xây cho bà con đã mọc san sát, giúp bà con an cư lạc nghiệp.
Những nhân chứng sống ở Khu Gia Lê
Gặp chúng tôi trong buổi sáng đi nhận phần quà từ chương trình do Huyện đoàn Khánh Vĩnh tổ chức để tri ân những người có công cách mạng tại Khu tập trung Gia Lê, ông Cao Xà Nâng người dân tộc Raglai ở thôn Chà Liên, xã Liên Sang, người tham gia làm du kích cho lực lượng cách mạng tại Khu tập trung gia lê Khánh Vĩnh, bồi hồi nhớ lại và cho chúng tôi biết: "Ngày ấy mình tham gia làm du kích, hoạt động cách mạng khổ lắm, nhưng vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Lúc đó, Khu tập trung Gia Lê này khổ lắm, ăn không no, ngủ thì không yên, luôn chịu nhiều đàn áp của quân địch. Thấy bà con đồng bào bị địch đàn áp, tra tấn dã man, mình căm thù lắm. Khi chính quyền huyện phát động tổng tiến công phá Khu tập trung Gia Lê, tôi cùng với lực lượng quân dân, du kích đứng lên chiến đấu hết mình để dành lấy quê hương, giải phóng huyện miền núi Khánh Vĩnh".

Ông Cao Xà Nâng người dân tộc Raglai ở thôn Chà Liên, xã Liên Sang trả lời phỏng vấn của phóng viên Truyền thanh - Truyền hình Khánh Vĩnh về thời kỳ tham gia cách mạng
Cũng gặp chúng tôi trong buổi sáng nhận quà này, ông Cao Đu Quân ở thôn Chà Liên, xã Liên Sang kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian gian khổ tham gia cách mạng tại Khu tập trung Gia Lê Khánh Vĩnh. Ông cho biết: "Thời kỳ ấy, cực kỳ gian khổ, chịu nhiều kìm kẹp của địch, ăn thì gian khổ trăm bề, hàng ngày phải ăn củ mì, củ sắn, cây rừng sống qua ngày. Trong tâm trí của tôi lúc ấy luôn sục sôi tình thần cách mạng, cùng cách mạng đứng lên đấu tranh giải phóng người dân, giải phóng quê hương, dành lấy chính quyền từ tay Mỹ-Diệm. Giờ đây, thời gian chiến tranh đã trôi xa nhưng chưa bao giờ tôi quên quãng thời gian chiến đấu, tham gia cách mạng ấy. Bây giờ, khi đã hòa bình, tôi luôn nhắc nhở con cháu tích cực học tập, tham gia làm ăn kinh tế, luôn nghe theo Đảng, Nhà nước, không được quên công lao to lớn của các thế hệ cha ông đi trước, các thế hệ cách mạng đã không tiếc máu xương, mồ hôi, nước mắt để đấu tranh, dành lấy chính quyền, giải phóng huyện miền núi Khánh Vĩnh, cùng với nhân dân huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đứng lên đấu tranh dành lấy chính quyền, giải phóng quê hương đất nước".

Ông Cao Đu Quân ở thôn Chà Liên, xã Liên Sang kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian gian khổ tham gia cách mạng tại Khu tập trung Gia Lê
Tháng 4 mùa cách mạng lại về, trong tâm trí những người con cách mạng và người dân ở huyện miền núi Khánh Vĩnh lại có nhiều cung bậc cảm xúc, họ chưa bao giờ quên những năm tháng chiến tranh khốc liệt gian khổ. Đối với họ, cứ đến những mùa ghi dấu ấn lịch sử cách mạng, họ lại có một cảm giác sục sôi, cảm nhận khí thế hào hùng của dân tộc Việt Nam. Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 nên huyện, tỉnh cả nước chúng ta không tổ chức nhiều sự kiện chính trị để chào mừng, để ghi nhớ những thời khắc hào hùng, thiêng liêng của dân tộc. Nhưng, có lẽ không khí ấy, cảm giác ấy không thể quên với những người con cách mạng, với những con người đất Việt và đặc biệt hơn với những chiến sĩ cách mạng một thời đã trải qua bom đạn, lửa khói chiến tranh, sục sôi tinh thần cách mạng chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược; cùng với Đảng, bác Hồ dành trọn vẹn non sông, xây dựng một đất nước Hoà bình, Độc lập, Tự do và Hạnh phúc. Dấu son chói lọi của ngày 30/4/1975 - Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước còn vang mãi trong tâm hồn của chúng ta; Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, đã tạo đà chiến thắng giải phóng toàn vẹn lãnh thổ. Niềm vui, vỡ oà cảm xúc, nén đau thương trên khuôn mặt mỗi người đã hoà chung vào không khí chiến thắng không thể nào quên.

Đồng chí Cao Thị Ngọc Thanh, Bí thư huyện đoàn Khánh Vĩnh thăm hỏi và tặng quà cụ Cao Là Xân- Sinh năm 1938 tại xã Liên Sang, là người có công lao đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, được Chủ tịch nước Việt Nam tặng Huân chương độc lập hạng 3.

Một góc Khu tập trung Gia Lê tại trung tâm xã Liên Sang huyện Khánh Vĩnh bây giờ
Vào năm 2005, với những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng chung của cả nước, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Liên Sang đã Vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Thế Tài (Bộ phận Truyền Thanh-Truyền hình Khánh Vĩnh)