Nghiên cứu lịch sử Đảng nói chung, lịch sử đấu tranh cách mạng nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm làm rõ chặng đường lịch sử và hoạt động đấu tranh cách mạng của Đảng ta, của quân và dân ta; qua đó góp phần tổng kết thực tiễn lịch sử, nêu bật những thắng lợi, làm sáng tỏ những thành tựu, bài học kinh nghiệm và những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ đổi mới hiện nay và góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng.
Nhận thức vấn đề trên, Huyện ủy Khánh Vĩnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và xem đây là một nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng như tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác biên soạn lịch sử và công tác tuyên truyền, giáo dục; ban hành Kế hoạch số 82-KH/HU, ngày 24/6/2010 về biên soạn cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Khánh Vĩnh, giai đoạn 1975 - 2010 và lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội các xã, thị trấn trên toàn huyện giai đoạn 1945 - 2010; bố trí nguồn kinh phí để thực hiện công tác này; chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu Huyện ủy kế hoạch tổ chức biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện và có trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và biên soạn lịch sử cách mạng ở các địa phương…
Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trong tỉnh, công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện, lịch sử cách mạng ở các địa phương trên địa bàn huyện gặp không ít trở ngại đó là huyện Khánh Vĩnh và phần lớn các xã, thị trấn trải qua quá trình sáp nhập, chia tách nên có nhiều xáo trộn về lưu trữ tư liệu, các tài liệu, văn bản trước năm 2000 hầu như rất ít; các đồng chí lão thành cách mạng là nhân chứng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ nhiều người đã mất, một số cụ còn lại thì tuổi cao, sức yếu, trí nhớ hạn chế, nên việc khai thác tư liệu lịch sử từ nguồn này cũng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ của các cán bộ làm công tác này không đồng đều, không được đào tạo sâu về chuyên môn, chưa được qua các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, lại thường xuyên thay đổi nên khi triển khai còn lúng túng…
Để khắc phục những khó khăn và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử, Huyện ủy Khánh Vĩnh đã tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề về công tác biên soạn lịch sử nhằm nắm bắt tình hình triển khai nghiên cứu, biên soạn lịch sử và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tổ chức các buổi hội thảo gặp gỡ các nhân chứng lịch sử để làm sáng tỏ, bổ sung các sự kiện, nhân vật; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban ngành trên địa bàn huyện giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức sưu tầm tư liệu. Đồng thời chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử cho các xã, thị trấn và giúp đỡ các địa phương trong khâu sưu tầm tư liệu tại Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Khánh Hòa, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa, Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Quân khu V.
Hội thảo góp ý Lịch sử Đảng bộ huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 1945 - 1975
Với các giải pháp đồng bộ, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng và tham gia tích cực của các nhân chứng lịch sử, công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã đạt được một số kết quả khá quan trọng. Về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện Khánh Vĩnh, đã hoàn thành và xuất bản được 2 ấn phẩm: “Lịch sử Đảng bộ huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 1945-1975 và 1975-2010”. Đối với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng ở các địa phương, toàn huyện đã có 4 xã, thị trấn đã xuất bản được sách, 8 xã đã tổ chức thẩm định, đang tiến hành in ấn, 2 xã đang tiếp tục sưu tầm tư liệu, tổ chức biên soạn. Việc hoàn thành và xuất bản các ấn phẩm lịch sử, bước đầu đã góp phần quan trọng trong việc tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ địa phương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Đồng thời giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu hơn về lịch sử và truyền thống cách mạng ở địa phương; khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Một ấn phẩm lịch sử đã hoàn thành và xuất bản
Từ những kết quả đã đạt được, hi vọng thời gian tới, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện sẽ gặt hái được những kết quả lớn hơn nữa, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước; tổng kết lý luận và thực tiễn, phục vụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh trong giai đoạn hiện nay.
Duy Hải - HU Khánh Vĩnh