Ngày 02/08/1985, huyện Khánh Vĩnh được tái lập trên cơ sở chia tách huyện Diên Khánh theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Khi mới tái lập, huyện Khánh Vĩnh chỉ có 6 đơn vị hành chính với diện tích 900km2, dân số khoảng 22.000 người. Năm đầu mới tái thành lập huyện, cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế chưa được đầu tư; bệnh tật hoành hành, sản xuất manh mún, lạc hậu, kinh tế trì trệ, kém phát triển, đa số hộ đồng bào ở diện đói nghèo theo lối sống du canh du cư. Tuy nhiên sau 35 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự chỉ đạo điều hành của HĐND, UBND huyện, sự phấn đấu của các ngành các cấp và Nhân dân, tình hình kinh tế xã hội của huyện Khánh Vĩnh đã có nhiều đổi thay.
Toàn cảnh Khánh Vĩnh hôm nay
Đến nay, huyện Khánh Vĩnh có 13 xã và 1 thị trấn, dân số toàn huyện có 9.715 hộ và 41.234 khẩu với 15 dân tộc. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng theo hướng “Dịch vụ, thương mại - Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản - Công nghiệp, xây dựng”. Tính trong 5 năm trở lại đây (2015-2020), Khánh Vĩnh đạt giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 9,3%; tổng giá trị sản xuất thực hiện 867.448 triệu đồng; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 4,05%/năm. Từ việc hàng năm phải cứu đói đến nay nông dân sản xuất đã có tích lũy, không còn sản xuất tự cung tự cấp mà sản xuất hàng hóa đưa ra thị trường tiêu thụ. Việc chuyển đổi từ các cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang xây dựng mô hình cây ăn quả đặc sản, trồng keo, chăn nuôi gia súc, gia cầm,…được đẩy mạnh, đặc biệt Khánh Vĩnh đã xây dựng nhãn hiệu sản phẩm Bưởi da xanh Khánh Vĩnh và đang khuyến khích sản xuất và nhân rộng cây trồng theo tiêu chuẩn VietGap, từng bước ra thị trường lớn đầy tiềm năng, đem lại thu nhập khá cho nông dân. Sự phát triển các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp cá thể; các ngành nghề phát triển phong phú, đa dạng, đảm bảo nhu cầu cung ứng cho thị trường trong và ngoài huyện; giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng giai đoạn 2015-2020 tăng bình quân 10,94%/năm. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã được huyện chú trọng, hàng năm, số lượng lao động được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm mới cho 1.082 lao động, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đến năm 2020, Khánh Vĩnh đạt thu nhập bình quân đầu người khoảng 23,6 triệu đồng/người/năm.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội có chuyển biến tích cực; 97,7% học sinh tốt nghiệp các cấp học, 65,7% học sinh trúng tuyển vào đại học, cao đẳng; 99% dân số tham gia bảo hiểm y tế, 100% các xã, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế. Các chính sách an sinh xã hội đã được giải quyết kịp thời. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 7,3%, phấn đấu đến cuối năm 2020 giảm còn 24,76%. Đời sống văn hóa tinh thần tiếp tục được nâng lên, an ninh chính trị được giữ vững. Toàn huyện có 01 xã Sông Cầu đạt chuẩn Nông thôn mới, các xã còn lại đạt bình quân 8,92 tiêu chí/xã. 04 chương trình phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh, huyện triển khai tích cực, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của huyện. Những kết quả trên đã đánh dấu sự tăng trưởng đáng phấn khởi và tự hào của huyện Khánh Vĩnh.
Sau 35 năm tái thành lập, Khánh Vĩnh đã vượt qua chặng đường hết sức khó khăn, gian khổ; đến nay điện phủ rộng đến tận các vùng lõm, giao thông đầu tư thông thoáng, nhựa hóa về đến trụ sở UBND xã. Trường học từ mẫu giáo đến Phổ thông trung học đều đã được nâng cấp khang trang. Hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở đã phát triển khá về nhân lực, cơ sở vật chất. Về kinh tế, lối sản xuất lạc hậu đã dần xóa bỏ để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và mô hình có giá trị kinh tế và bền vững hơn. Toàn huyện 20 năm qua đã xóa bỏ tình trạng du canh du cư, 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được hỗ trợ xây dựng nhà ở và được hưởng các chính sách ưu đãi an sinh xã hội dành cho người DTTS.
Gặp ông Trương Văn Đình, người đã từng lên Khánh Vĩnh công tác từ năm 1975 (nay là cán bộ hưu trí ở tổ 4 Thị trấn Khánh Vĩnh) trong lúc đi dạo mát tại Công Viên trung tâm thị trấn Khánh Vĩnh, Ông chỉ vào con đường 2/8 trước mặt rồi nói: “Xưa, con đường này chỉ có 1 lối mòn, đi lại phải vẹt cả lá rừng. Vậy mà bây giờ, được sự quan tâm đầu tư của nhà nước, con đường 2/8 đã trải nhựa rộng thênh thang. Rồi công viên, trường học cấp I, II, II, mầm non mẫu giáo khang trang, lộng lẫy. Tôi thấy cuộc sống bây giờ rất đổi mới. Dân cư các nơi về sinh sống lập nghiệp ở Khánh Vĩnh rất đông vì điều kiện kinh tế xã hội đã phát triển nhiều nên đất lành chim đậu mà !”.
Khánh Vĩnh hiện tại và sắp đến, vẫn còn nhiều vấn đề giải quyết như: Công tác giảm nghèo bền vững; xây dựng Nông thôn mới chất lượng, công tác quản lí khoáng sản tài nguyên thiên nhiên; công tác quản lí bảo vệ rừng, chống phá rừng,… Những vấn đề này rất cần có sự đồng tâm, hợp lực của các cấp các ngành từ huyện đến cơ sở và sự ủng hộ đoàn kết nhất trí của mỗi người dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Khánh Vĩnh. Hy vọng trong thời gian tới, kinh tế-văn hóa-xã hội Khánh Vĩnh tiếp tục có bước phát triển, an ninh chính trị xã hội tiếp tục được củng cố vững chắc, đánh dấu thêm những mốc son đỏ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương Khánh Vĩnh phù hợp với xu thế đổi mới hiện nay.
Kim Oanh - Đài Khánh Vĩnh