Từ phong trào "Thanh niên khởi nghiệp" do Trung ương Ðoàn, Tỉnh đoàn Khánh Hoà và Huyện đoàn Khánh Vĩnh phát động, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) ở Khánh Vĩnh đã mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp xây dựng những mô hình kinh tế vườn ao chuồng, làm giàu cho bản thân, bản làng và huyện nhà.
Vào một ngày cuối tuần gần đây, khoảng 10 giờ trưa, tôi cùng đồng chí Cao Thị Ngọc Thanh, Bí thư Huyện đoàn Khánh Vĩnh tìm đến địa chỉ tham quan mô hình nuôi cá Trê lai và trồng Thơm Tây sạch (còn gọi là dứa Cayenne) của anh Hà Diệu, ở thôn Giang Biên, xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh. Lúc này, nhiều thanh niên địa phương cũng đang tham quan học hỏi mô hình nuôi cá Trê lai và trồng Thơm Tây trên đồi của anh. Gặp chúng tôi, anh vui mừng kể về cái duyên và niềm đam mê làm kinh tế của mình.

Anh Hà Diệu đang hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá trê lai cho các bạn đoàn viên thanh niên đến tham quan mô hình
Anh Hà Diệu cho biết: Năm 2015, khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang, anh quyết định lên làm công nhân cho Công ty hoa tươi Hasfarm ở Đơn Dương, Đà Lạt. Chính môi trường ở nơi đây đã cho anh thấy nhiều gương thanh niên vượt khó làm kinh tế. Năm 2017, về quê lập nghiệp, anh trồng 3 sào cây Thơm Tây, có nguồn gốc từ Lâm Đồng và được người dân Khánh Vĩnh trồng từ lâu. Đây là giống cây rất phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng ở Khánh Vĩnh, từ lúc trồng đến khi cây cho trái và thu hoạch không cần mua phân bón và thuốc, chỉ cần bỏ công trồng và làm cỏ chăm sóc, sản phẩm rất sạch nên được rất nhiều thương lái, khách hàng quen ở Nha Trang ưa thích và tìm đến thu mua, thu hoạch đến đâu đều bán hết. Nếu mưa đều, sau hai năm trồng cây Thơm Tây này sẽ cho thu hoạch, mỗi cây cho ra một trái có thể đạt trọng lượng từ 4 đến 6 kg, giá bán tại vườn trung bình hiện nay trên 5000 đồng/kg. Với 3000m2 đất anh trồng 3000 cây dứa, đã cho anh thu nhập trên 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Không dừng lại ở mô hình trồng Thơm Tây, năm 2018 khi tham gia tổ chức Đoàn thanh niên xã đi học hỏi mô hình thanh niên khởi nghiệp Vườn-Ao-Chuồng của anh Nguyễn Tuấn Tân ở xã Khánh Đông do Huyện đoàn Khánh Vĩnh tổ chức. Nhận thấy mô hình rất thành công, với vốn tích luỹ cùng với vốn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội Khánh Vĩnh qua kênh của Đoàn thanh niên, anh quyết định xây hồ xi măng rộng 20 m2 với chi phí hơn 8 triệu đồng, số vốn còn lại anh mua 30 con cá trê giống để thả nuôi; đồng thời thả 50 con gà giống, nuôi 1 heo đen nái thả vườn. Với sự cần cù chịu khó và quyết tâm cao trong làm kinh tế, sau 4 tháng thả nuôi cá trê lai anh đã thu hoạch lứa đầu tiên, lãi 4 triệu đồng. Sau một năm, lứa cá thứ hai của anh và đàn heo đen, đàn gả thả vườn, cùng 3 sào vườn Thơm Tây cũng bắt đầu cho anh thu hoạch, với tổng thu nhập trên 60 triệu đồng một năm. Anh cho biết: “Ban đầu một cái hồ mình nuôi thử, bỏ được 25 kg cá giống, xuất bán được 7 lần rồi, mỗi lần được xuất được 15 đến 20 kg, trọng lượng cá 1 con 8 đến 9 lạng, đa số mình phối hợp với các thương lái, các quán địa phương để mà người ta giúp bán lại cá cho mình, với dân địa phương mình bán 50 chục nghìn kg, sắp tới mình cũng mong muốn chính quyền quan tâm hơn về vốn.”

Anh Hà Diệu cùng các bạn đoàn viên thanh niên bên mô hình chăn nuôi heo đen

Mô hình trồng cây Thơm Tây trên đồi của anh Hà Diệu
Chia sẻ thêm với chúng tôi, anh cho biết đang đầu tư trồng thêm 2 ha Thơm Tây ở mảnh đồi bên cạnh và dự tính sắp tới anh sẽ xây thêm 7 hồ nữa để nuôi cá Trê lai, thả thêm nhiều gà thả vườn, để tăng thu nhập cho gia đình. Nhưng anh vẫn còn băn khoăn, vì cần thêm vốn vay để tiếp tục mở rộng đầu tư, tăng gia sản xuất. Đem vấn đề này trao đổi với chị Cao Thị Ngọc Thanh, Bí thư Huyện đoàn Khánh Vĩnh, chị cho biết: "Sắp tới, Hội LHTNVN huyện Khánh Vĩnh sẽ tập trung vào việc tăng cường tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên địa phương, tranh thủ và huy động mọi nguồn lực để thực hiện tốt việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi, hỗ trợ thanh niên phát triển khả năng của mình một cách tốt nhất, quan tâm đồng đều các đối tượng thanh niên, trong đó tích cực hỗ trợ các thanh niên yếu thế, và tạo điều kiện cơ hội phát triển cho các thanh niên dân tộc, thanh niên tín đồ tôn giáo".
Chăm chú, say sưa nghe anh Hà Diệu kể chuyện và chia sẻ về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Thơm Tây và nuôi cá trê Lai; tôi và các bạn đoàn viên thanh niên đến tham quan, dường như đã quên đi cái nắng oi ả của buổi trưa trên đồi, ở một xã còn nhiều khó khăn của huyện miền núi Khánh Vĩnh. Chia tay chúng tôi, anh Hà Diệu chia sẻ thêm: "Chia sẻ với các bạn là mô hình này rất dễ, ban đầu mình chỉ cần giống thôi, mình trồng chỉ để đó thôi, làm cỏ thôi, không cần phải mua phân bón, thuốc trừ sâu gì hết, cho nên trồng rất dễ, thu nhập nó cũng cao. Nếu các bạn trồng được 1000 gốc sau hai ba năm các bạn có thể thu được 25 đến 30 triệu".
Bằng sự nỗ lực và tinh thần xung kích tham gia phát triển kinh tế gia đình của anh Hà Diệu nói riêng và của các bạn đoàn viên, thanh niên nói chung, đã góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, giải quyết việc làm cho bản thân và hơn thế nữa nhiều đoàn viên, thanh niên khác sẽ lấy đó là tấm gương để phấn đấu, để học hỏi, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Khánh Vĩnh.
Thế Tài- Bộ phận Truyền thanh- Truyền hình Khánh Vĩnh