Khánh Vĩnh là một trong hai huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Tại vùng đất này, đồng bào dân tộc Khánh Vĩnh đã tích cực sản xuất lương thực, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, quân và dân huyện Khánh Vĩnh đã không quản ngại hy sinh, đấu tranh anh dũng, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Với thành tích to lớn ấy, Huyện và 05 xã đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kì chống Mỹ.
45 năm đã trôi qua nhưng kí ức của già làng Cao Xanh, nguyên là một du kích ở thôn A Xay, xã Khánh Nam vẫn không thể quên được tháng năm đấu tranh gian khổ, chiến đấu dành từng tấc đất với quân thù. Để đẩy lùi được những trận càn quét của Mỹ- Ngụy bảo vệ chiến khu, ông và các đồng đội của mình đã không sợ hy sinh, kham khổ chống trả quyết liệt một mất một còn. Gần 80 tuổi rồi song mỗi khi nhắc đến những năm kháng chiến chống Mỹ, ông vẫn nhớ rành rọt những kỉ niệm với đồng chí đồng đội: “Có khi mới tờ mờ sáng, địch đã bất ngờ bay lên Khánh Vĩnh dội bom, chúng tôi đã kiên nhẫn chờ đúng tầm ngắm để bắn trả, máy bay bốc cháy anh em sung sướng vô cùng. Dù hồi đó ăn uống rất kham khổ, bắp, mì, rau rịa nhưng tinh thần chiến đấu thì vô cùng lạc quan. Thế rồi ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước đã đến. Đất trời tung bay cờ đỏ sao vàng, chúng tôi sung sướng ôm nhau mừng độc lập”, Già Xanh chia sẻ như vậy. Vâng ! Đó chính là ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mà quân và dân ta đã giáng đón chí mạng buộc chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện, giải phóng hoàn toàn Miền nam, thống nhất đất nước. Đồng bào chiến khu Khánh Vĩnh cùng hòa chung niềm vui mừng hân hoan của toàn dân tộc khi nước nhà hoàn toàn độc lập, Bắc, Nam thống nhất.
Sau giải phóng, đồng bào dân tộc Khánh Vĩnh cùng hàng triệu người dân 2 miền Nam - Bắc đã bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, tái thiết lại quê hương. Từ một huyện nghèo, người dân thiếu đói, sống du canh du cư, cơ sở hạ tầng yếu kém, dịch bệnh sốt rét hoành hành, mù chữ, thất học,…Song được sự quan tâm của nhà nước, của tỉnh, sự lãnh đạo đúng đắn của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ và Nhân dân, những khó khăn ấy đã dần được khắc phục. Cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, đời sống kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đề ra đã được địa phương cụ thể hóa vào đời sống của bà con các dân tộc, tạo lực bẩy thúc đẩy kinh tế, văn hóa -xã hội phát triển.

Toàn cảnh Khánh Vĩnh nhìn từ trên cao xuống
Huyện Khánh Vĩnh đã triển khai đồng bộ các chương trình kinh tế xã hội trong quá trình tái thiết chiến khu Khánh Vĩnh như : Chương trình định canh, định cư, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Chương trình phủ điện nông thôn (nay là chương trình xây dựng Nông thôn mới), chương trình xây dựng phát triển đô thị, chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình phát triển nguồn nhân lực,….Trong đó về kinh tế, Huyện đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh để đầu tư hàng loạt các công trình giao thông quan trọng, xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi, san ủi đồng ruộng; hỗ trợ các hộ vay vốn, chuyển giao khoa học kĩ thuật, xây dựng mô hình sản xuất có hiệu quả, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để vươn lên thoát nghèo. Từ một huyện phải cứu đói, sau giải phóng, đồng bào quen lối sống sản xuất du canh, du cư, song dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, kết quả hàng chục năm qua, Khánh Vĩnh đã chấm dứt nạn du canh du cư. 100% hộ đồng bào đã được nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố và có điện thắp sáng. Hệ thống giao thông đã được mở rộng trải nhựa thông thoáng, kết nối các tỉnh, các huyện, bê tông hóa các xã và các vùng nông thôn, khu sản xuất, tạo nhu cầu thuận lợi cho người dân giao thương, sản xuất, buôn bán,…Những mô hình hay, hiệu quả đã được chính quyền các cấp định hướng hỗ trợ giúp nông dân chuyển đổi, tăng giá trị kinh tế, tăng thu nhập như: Phong trào lập vườn nhà vườn rừng, trong đó trồng keo lấy gỗ đã thu hút hàng ngàn hộ đầu tư. Những vùng đất trước kia là những hố bom nay đã được san ủi, đưa nước từ hồ đập qua hệ thống kênh mương để bà con sản xuất lúa nước. Những quả đồi khô cằn giờ đã được bà con tận dụng các nguồn nước tưới để lập vườn cây ăn quả bán ra thị trường như: Bưởi da xanh, sầu riêng, mít, xoài. Có dịp đến các xã như: Khánh Nam, Khánh Đông, Sông Cầu, Khánh Trung,…bạn sẽ thấy màu xanh của cây, trái trải dài mênh mông, hút tầm mắt mới cảm nhận rõ khát vọng vươn lên làm giàu của bà con nông dân ở đây.

Nông dân xã Khánh Nam trao đổi kinh nghiệm trồng bưởi da xanh.
Hàng năm, nông dân trong huyện thực hiện 8.000 ha cây trồng các loại. Toàn huyện có 1.695 ha vườn cây ăn quả, khoảng 4.000 ha keo lai. Đàn gia súc đến tháng 4/2020 ước có trên 23.000 con chủ yếu là bò và heo. Trong huyện đã xuất hiện các mô hình trang trại chăn nuôi heo khép kín theo hướng an toàn sinh học, chú trọng cải tạo đàn bò lai, phát triển trang trại chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, tăng thu nhập. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 16,3 triệu đồng/người/năm. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội cũng có sự chuyển biến tích cực. Toàn huyện có 40 trường học, trong đó học sinh huy động vào lớp 1 đạt tỉ lệ 100%, huy động vào lớp 6 đạt trên 97%, tỉ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng hàng năm đạt 65,7%. Ngành y tế có 01 bệnh viện đa khoa, 2 phòng khám khu vực và 14 trạm y tế cơ sở, chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe đã có sự tiến bộ, dịch bệnh không để xảy ra. Trong đời sống văn hóa, đồng bào các dân tộc đã biết phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, xé bỏ những rào cản lạc hậu không phù hợp để hướng đến xây dựng cuộc sống ngày một tiến bộ văn minh. Cuối năm 2019, toàn huyện đã giảm tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng còn 20,3%, mức giảm tỷ suất sinh là 1.86‰, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm 8,73%; 96% cơ quan đạt cơ quan văn hóa, 89,3% thôn, tổ dân phố đạt tiêu chí thôn, tổ dân phố văn hóa và 87% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Đến nay, hộ nghèo toàn huyện giảm còn 32,8% theo chuẩn đa chiều và có 1 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Trường học THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xã Khánh Hiệp được xây dựng khang trang. Ảnh Kim Oanh
Ông Cao Tranh, cựu chiến binh, thương binh ở Thị Trấn Khánh Vĩnh nói: “Trước kia đáng giặc khổ rất nhiều còn thắng được giặc nay hòa bình rồi, đồng bào mình phải đoàn kết quyết tâm chiến thắng cái nghèo thôi. Trước có người trồng mía, nuôi bò, giờ chuyển sang trồng keo, trồng bưởi da xanh thu nhập khá, mình thấy bà con kinh tế giàu lên cũng phấn khởi. Bà con dân tộc giờ đây hầu hết được nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở, con cháu được học hành đàng hoàng, mỗi người, mỗi nhà đều cố gắng thì cả làng đều thay đổi”.
Về Khánh Vĩnh hôm nay, chúng ta sẽ rất ngạc nhiên khi chứng kiến sự thay da đổi thịt trên mảnh đất này. Mặc dù Khánh Vĩnh vẫn còn không ít khó khăn song thế hệ con người Khánh Vĩnh hôm nay nguyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của cha, ông, ra sức thi đua lao động, học tập, sản xuất tinh thần tự lực, tự cường, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và những năm tiếp theo, xây dựng Khánh Vĩnh ngày một phát triển giàu đẹp, văn minh, xứng danh với truyền thống của vùng đất chiến khu anh hùng.
Kim Oanh (Trung Tâm Văn Hóa, Thông tin và Thể thao Khánh Vĩnh)