Lịch sử cách mạng xã, phường là một bộ phận quan trọng, gắn bó hữu cơ với lịch sử đất nước nói chung và lịch sử tỉnh, thị xã nói riêng. Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tiến trình phát triển của địa phương cũng như việc phát huy, giữ gìn giá trị truyền thống trước những biến động của xã hội là điều cần thiết và có tầm ảnh hưởng lâu dài đối với địa phương.
Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TU, ngày 24/11/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng xã, phường, thị trấn, Thị ủy Ninh Hòa đã ban hành Kế hoạch số 39-KH/HU, ngày 26/3/2008, Kế hoạch số 04-KH/TU, ngày 10/3/2011 về đẩy mạnh công tác biên soạn lịch sử cách mạng xã, phường, trong đó chú trọng phân kỳ thời gian thực hiện theo 04 nhóm nhằm tạo cơ sở để các địa phương từng bước thực hiện: Nhóm 01 là các đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ưu tiên hoàn thành trước; nhóm 02 là các đơn vị có điều kiện thuận lợi về tư liệu lịch sử, có phong trào cách mạng tương đối mạnh trong 2 cuộc kháng chiến; nhóm 03 là các đơn vị thành lập sau 1975; nhóm cuối cùng là các đơn vị có ít nguồn tư liệu hoặc mới thành lập chưa đầy 20 năm. Tuy nhiên, do những khó khăn đặc thù như: tư liệu lịch sử hạn chế, nhất là tư liệu thành văn; việc tìm chọn Nhà biên soạn, kinh phí biên soạn; sự lúng túng trong qúa trình biên soạn; việc thống nhất sử dụng các sự kiện, nhân vật đối với những đơn vị có chung địa giới hành chính... nên thời gian đầu hầu hết các địa phương đều chậm tiến độ so với yêu cầu.
Để tiếp tục chỉ đạo, giúp các địa phương từng bước tháo gỡ những khó khăn cơ bản trong công tác sưu tầm tư liệu, biên soạn cuốn lịch sử, Thị ủy đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 02/01/2013 về đẩy mạnh công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử cách mạng các xã, phường, trong đó tập trung lưu ý các đơn vị về thời gian hoàn thành theo yêu cầu Chỉ thị số 05-CT/TU của Tỉnh ủy. Đồng thời, giao Ban Tuyên giáo Thị ủy chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các địa phương trong quá trình thực hiện như: việc xây dựng kế hoạch cụ thể, lập đề cương tổng thể và đề cương chi tiết; giới thiệu người biên soạn, việc sử dụng kinh phí; cách thức tổ chức hội thảo, xác minh tư liệu...
Có thể nói, việc sưu tầm tư liệu lịch sử được xem là nhân tố đầu tiên, quan trọng quyết định đến công tác biên soạn và chất lượng của cuốn lịch sử, song đây cũng là công việc hết sức khó khăn, bởi vì mỗi địa phương đều có đặc điểm tự nhiên, quá trình hình thành lịch sử địa lý hành chính, phong tục, tập quán, dân tộc, tôn giáo; các phong trào cách mạng khác nhau. Về phía nhân chứng lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến nay phần lớn đã già yếu, đi lại khó khăn, trí nhớ suy giảm, có nhiều đồng chí đã qua đời. Đối với tư liệu thành văn rất hạn chế, đa phần bị thất lạc và hư hỏng do thời gian đã trôi qua quá lâu. Chính vì vậy, để có thể phản ánh đầy đủ quá trình phát triển lịch sử của địa phương, đòi hỏi công tác sưu tầm tư liệu phải thật chi tiết, khoa học; vai trò trách nhiệm của tập thể Đảng ủy địa phương trong công tác lãnh đạo phải thường xuyên như: xây dựng kế hoạch sưu tầm, phân kỳ thực hiện cụ thể; lập danh sách nhân chứng chi tiết; thống kê các nguồn tư liệu để thu thập và xác minh; phân công trách nhiệm cho từng đồng chí trong cấp ủy để cùng phối hợp thực hiện; đồng thời kết quả sưu tầm tư liệu phần lớn phụ thuộc vào kinh nghiệm, sự nỗ lực, chịu khó, am hiểu tình hình địa phương từ người thực hiện việc sưu tầm tư liệu và người biên soạn.
Qua thực tiễn triển khai, nhiều địa phương trên địa bàn thị xã đã có nhiều cách thức, phương pháp khác nhau để thu thập tư liệu; tổng hợp, phân tích, xác minh tư liệu đảm bảo tính khoa học, tính đảng, tính lịch sử theo tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị 05 của Tỉnh, cụ thể như:
Về sưu tầm tư liệu thành văn: Đây được xem là nguồn tư liệu mang tính phổ biến, chính thống, bao gồm các nguồn tư liệu lịch sử có liên quan đến địa phương đã được các cấp xuất bản, ban hành như: Lịch sử Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện; lịch sử lực lượng vũ trang tỉnh, huyện qua các thời kỳ; lịch sử cách mạng xã, phường bạn; hồi ký của các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, thị xã qua các thời kỳ; các tư liệu lịch sử của các nhà nghiên cứu, nhà sử học; các văn kiện nghị quyết của Đảng, quan trọng nhất là các văn kiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp huyện và cấp xã, phường qua các nhiệm kỳ... Thông qua các tư liệu này, từng địa phương liên hệ, vận dụng và chắt lọc thông tin để phản ánh đặc điểm lịch sử cụ thể, sát thực của địa phương mình.
Việc tổ chức gặp gỡ nhân chứng lịch sử cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, qua đó xác minh rõ những tư liệu, sự kiện nhằm tạo sự thống nhất giữa nhân chứng, người sưu tầm và người biên soạn. Có nhiều địa phương đã tổ chức gặp gỡ trực tiếp các nhân chứng lịch sử tại địa phương, nhân chứng trong tỉnh, ngoài tỉnh như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, ĐắkLắk, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định…; tiếp xúc nhân chứng thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm do Đảng ủy tổ chức. Từ các ý kiến góp ý của nhân chứng, Đảng ủy và Ban Biên tập chủ động xác nhận, khẳng định tính chính xác của các thông tin, sự kiện lịch sử để đưa đưa vào nội dung lịch sử. Trong quá trình thu thập thông tin từ các nhân chứng cũng gặp những khó khăn nhất định như: cùng một sự kiện, nhân vật nhưng có nhiều ý kiến cung cấp khác nhau, không đồng nhất trong cách đánh giá, phân tích nội dung của một sự kiện lịch sử, sự khác nhau về sự kiện lịch sử giữa các tài liệu đã xuất bản với thực tế lịch sử của địa phương... Do đó, để đảm bảo tính chính xác của tư liệu được cung cấp, đa số các địa phương trên địa bàn thị xã đã và đang thực hiện công tác biên soạn đều tổ chức từ 2-4 lượt hội thảo, tọa đàm với hình thức như: hội thảo từng phần (giai đoạn), sau đó là hội thảo toàn văn, hội thảo thông qua các nhân chứng lịch sử và hội thảo trong tập thể cấp ủy, Ban biên tập, nhờ đó góp phần quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng các ấn phẩm lịch sử khi được xuất bản. Một số địa phương do khó khăn về tư liệu thành văn đã tổ chức sưu tầm tư liệu trong nhân dân, phân công trách nhiệm từng tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương nhằm cung cấp thông tin về quá trình hình thành và phát triển của đơn vị mình, làm cơ sở cho Đảng ủy địa phương tổng hợp thông tin phục vụ công tác biên soạn.

Một cuộc Hội thảo lịch sử cách mạng ở địa phương
Việc sưu tầm xác minh tư liệu lịch sử còn được thực hiện thông qua công tác thẩm định nội dung và hình thức cuốn lịch sử. Đối với các xã, phường đã và đang biên soạn, sau khi hoàn chỉnh bản thảo đều có văn bản trình Ban Tuyên giáo Thị ủy tham mưu Ban Thường vụ Thị ủy thành lập Hội đồng thẩm định lịch sử cách mạng của địa phương theo đúng tinh thần của Hướng dẫn số 90-HD/TGTU của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên trong việc nghiên cứu cuốn lịch sử cách mạng của từng địa phương, kết hợp quá trình theo dõi thông qua việc tham gia đầy đủ các buổi hội thảo, tọa đàm, chú ý quan tâm đến các nhân vật, sự kiện lịch sử có liên quan đến phong trào cách mạng tại địa phương; công tác thẩm định được triển khai trên nguyên tắc tập trung dân chủ và có kết luận của Hội đồng thẩm định. Quá trình triển khai đến nay, Thị ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thị ủy phối hợp với Hội đồng thẩm định tổ chức các cuộc họp thẩm định trên 65 lượt đối với Đề cương chi tiết và Bản thảo lịch sử các xã, phường (trong đó đã thông qua kết luận và cho phép xuất bản 20 cuốn lịch sử, 01 cuốn Biên niên sự kiện). Trong quá trình thẩm định, khi có vấn đề lớn phát sinh từ nội dung sự kiện, Hội đồng thẩm định yêu cầu làm việc trực tiếp với cấp ủy Đảng địa phương và người biên soạn để đi đến thống nhất. Tính đến cuối năm 2018 toàn thị xã đã có 21 địa phương xuất bản cuốn lịch sử cách mạng, 01 địa phương biên tập Biên niên sự kiện; 05 địa phương còn lại đang trong quá trình biên soạn, tổ chức hội thảo và trình Hội đồng thẩm định để thẩm định toàn văn.
Từ thực tiễn chỉ đạo triển khai Chỉ thị 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên địa bàn thị xã, có thể rút ra một số kinh nghiệm cụ thể như sau:
Thứ nhất, cần xác định việc sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng xã, phường là một nhiệm vụ quan trọng trong các nhiệm vụ chính trị của từng cấp uỷ Đảng cơ sở, bên cạnh đó Ban Tuyên giáo Thị ủy thường xuyên theo dõi kịp thời nhận biết những khó khăn của các xã, phường để chủ động trao đổi, hướng dẫn, phân kỳ thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; điều đó vừa giúp cho các xã, phường có mốc thời gian cụ thể để phấn đấu thực hiện, vừa giúp cho cơ quan chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn có căn cứ để kiểm tra, đôn đốc theo dõi.
Thứ hai, cần quan tâm đến công tác kiểm tra, theo dõi và nắm tình hình thực hiện tại địa phương. Trên cơ sở chú ý, ghi nhận những đề xuất, khó khăn thông qua các buổi làm việc tại cơ sở để từng bước giúp cơ sở tháo gỡ một số vướng mắc trong khâu sưu tầm tư liệu, biên soạn, qua đó có sự chỉ đạo mang tính thống nhất cho toàn thị xã, tạo điều kiện cho cơ sở thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện. Trường hợp có vấn đề vướng mắc của cơ sở cần có ý kiến của cấp trên, Thị ủy đã chủ động xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để có hướng giải quyết, nhờ vậy, những vấn đề phát sinh liên quan đến sự kiện, nhân vật lịch sử ở địa phương hầu hết được giải quyết kịp thời, giúp cơ sở chủ động hơn trong việc triển khai công tác sưu tầm tư liệu, biên soạn lịch sử cách mạng tại địa phương.
Thứ ba, hướng dẫn, yêu cầu các cấp ủy địa phương, Người biên soạn chủ động nghiên cứu các tài liệu Lịch sử Đảng bộ của tỉnh, thị xã để xã định các sự kiện có mối quan hệ mật thiết với nhau, để hiểu rõ tình hình, đặc điểm về điều kiện tự nhiên, phong trào cách mạng, về kinh tế, văn hóa... trong từng chặng đường phát triển của lịch sử. Từ đó làm cơ sở để so sánh, đối chiếu và làm sáng tỏ một cách chính xác, khách quan các sự kiện, hiện tượng của quá khứ với lịch sử cách mạng xã, phường góp phần đạt hiệu quả trong công tác thẩm định nội dung.
Có thể nói, hiệu quả từ công tác chỉ đạo triển khai sưu tầm tư liệu để phục vụ biên soạn lịch sử cách mạng địa phương được thể hiện qua chất lượng các ấn phẩm lịch sử cách mạng xã, phường đã xuất bản, được hầu hết người đọc đánh giá cao. Kết quả đó bước đầu đã cung cấp thêm những tư liệu quý giá qua các chặng đường phát triển của lịch sử địa phương, góp phần tạo tiền đề cho việc tuyên truyền, giáo dục và gìn giữ những giá trị truyền thống lịch sử cách mạng; hỗ trợ, phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trên địa bàn thị xã Ninh Hòa trong tình hình mới.
Kim Dung - BTG Ninh Hòa