Theo thống kê mới nhất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, khu vực rừng Căm Xe – xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa được quy hoạch chức năng rừng phòng hộ có diện tích hơn 702 ha nhưng hiện nay chỉ có 424 ha có rừng, đất trống và nương rẫy hơn 278ha.
Những năm qua, hành vi vi phạm của người dân như: khai thác, vận chuyển gỗ Căm Xe trái pháp luật; mua, bán, cất giữ gỗ Căm Xe ngày càng phức tạp; hành vi lấn chiếm, phá đất rừng Căm Xe ngày càng nhiều, tinh vi và ngang nhiên của các đối tượng phá rừng ngày càng phức tạp; nặng nhất là khu vực các thôn Sông Búng và thôn Buôn Tương. Để bảo vệ rừng Căm Xe – Ninh Tây, UBND thị xã Ninh Hòa và Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa đã đề ra các giải pháp thực hiện công tác bảo vệ, quản lý rừng Căm xe: Tăng cường lực lượng kiểm tra liên ngành gồm: kiểm lâm, công an, quân đội và chủ rừng tham gia truy quét, ngăn chặn nạn phá rừng Căm Xe; điều tra xử lý nghiêm các đối tượng đầu nậu, thu mua, vận chuyển gỗ Căm xe trái pháp luật; về lâu dài, phải khoang ranh giới để thuận tiện cho việc quản lý, bảo vệ rừng Căm xe; đồng thời lập dự án nông lâm kết hợp để kêu gọi tổ chức, cá nhân đầu tư, từ đó tạo công ăn việc làm ổn định cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; tăng cường lập các chốt bảo vệ rừng Căm Xe đồng thời bố trí thêm lực lượng bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Thanh Hà , Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng Căm Xe - Ninh Tây
Đối với biện pháp đóng chốt giữ rừng, từ giữa tháng 2/2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa đã đưa vào hoạt động 4 chốt bảo vệ rừng trong rừng căm xe Ninh Tây. Theo đó, 424 ha rừng căm xe còn rừng đã được phân chia thành 4 khu vực trọng điểm để tổ chức quản lý bảo vệ; tại mỗi khu vực, chủ rừng xây dựng 1 chốt bảo vệ, bố trí 6 - 7 người để tiến hành trực, tuần tra 24/24 giờ trong rừng. Tham gia chốt giữ rừng, ngoài lực lượng của chủ rừng còn có lực lượng liên ngành chống phá rừng xã Ninh Tây. Đây là giải pháp hiệu quả nhất; bởi lực lượng chức năng liên tục có mặt trong rừng đã hạn chế, ngăn chặn được từ gốc các đối tượng vào phá rừng, chiếm đất.
Theo thông tin từ Đội liên ngành chống phá rừng Căm Xe - Ninh Tây, từ tháng 11/2019 đến tháng 02/2020, lực lượng chức năng đã phát hiện 9 vụ việc về phá rừng, lấn, chiếm rừng, đất rừng làm nương rẫy, với tổng diện tích gần 26.000m2. Từ khi lực lượng chức năng đóng chốt tại các điểm nóng trong rừng Căm Xe, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại đây đã giảm hẳn; 2 tháng qua, khu vực rừng Căm xe - Ninh Tây không ghi nhận thêm vụ xâm hại rừng nào.
Đối với việc giao khoán bảo vệ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa đã kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa xem xét xây dựng phương án giao khoán bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 cho toàn bộ diện tích rừng Căm Xe - Ninh Tây. Với đặc thù của rừng phòng hộ Căm Xe - Ninh Tây, việc xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương bền vững, ổn định lâu dài là phù hợp.
Theo đề xuất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, đối với khu rừng phòng hộ đã có rừng, đối tượng nhận khoán bảo vệ được trồng xen cây nông nghiệp (trừ cây mía, vì dễ gây cháy rừng), dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi dưới tán rừng, nhưng không được làm suy giảm diện tích rừng, chất lượng, ảnh hưởng đến tái sinh rừng và khả năng phòng hộ của rừng. Đối với đất chưa có rừng, bên nhận khoán được sử dụng để kết hợp sản xuất nông nghiệp (trừ cây mía), dược liệu, xây dựng hồ chứa nước chữa cháy rừng, lán, trại tạm thời nhưng không quá 20% diện tích đất trống, còn lại 80% diện tích đất trống trở lên đơn vị chủ rừng tổ chức trồng, phát triển rừng Căm Xe theo hồ sơ thiết kế đảm bảo các biện pháp kỹ thuật lâm sinh theo quy định. Đơn vị chủ rừng còn đề xuất hỗ trợ người dân, hộ gia đình đã đầu tư trồng cây nông nghiệp trên diện tích đất có chức năng rừng phòng hộ trái pháp luật trước đây để đưa vào trồng, phục hồi rừng phòng hộ Căm Xe.
Ngoài các giải pháp trên, muốn giữ rừng, phải điều tra xử lý nghiêm các đối tượng đầu nậu, thu mua, vận chuyển gỗ trái pháp luật. Bên cạnh sự tuần tra của các lực lượng chức năng, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc giáo dục tuyên truyền người dân địa phương không phá rừng, tiếp tay cho lâm tặc.
Hồng Vân
(TT VHTT và Thể thao thị xã Ninh Hòa)