Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa vừa có văn bản hướng dẫn nhiệm vụ công tác kế hoạch - tài chính năm học 2023 - 2024, trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách quản lý thu, chi tài chính, tài sản, tránh tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức. Báo Khánh Hòa đã trao đổi với đồng chí Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT về vấn đề này.
|
Đồng chí Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Khánh Hòa |
- Xin đổng chí cho biết mức thu và việc thực hiện thu học phí năm học 2023 - 2024 được quy định như thế nào?
- Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang hoàn tất hồ sơ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81, ngày 27-8-2021 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT. Trong đó, có nội dung sửa đổi khung học phí (mức sàn, mức trần). Trong khi chờ ban hành nghị định mới, Sở GD-ĐT đã có thông báo chưa thực hiện việc thu học phí năm học 2023 - 2024 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, các trường vẫn thực hiện căn cứ theo Nghị định số 81/2021. Các trường cần lưu ý đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đã được sở hướng dẫn.
- Các khoản thu khác ngoài học phí thực hiện trên cơ sở nào, thưa đổng chí?
- Đối với các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí của cơ sở giáo dục công lập, các trường thực hiện theo Nghị quyết số 12, ngày 23-9-2022 của HĐND tỉnh quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu, chi đối với dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Sở đã có hướng dẫn cho các trường về việc thực hiện theo Nghị quyết số 12.
Đối với các khoản thu quỹ hoạt động ban đại diện cha mẹ học sinh, thực hiện căn cứ theo Thông tư số 55/2011 của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhà trường không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định; không được thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh để thực hiện các dịch vụ, liên doanh, liên kết, sử dụng tài sản công trái quy định. Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban.
Đối với các khoản tiền, hiện vật do các tổ chức, cá nhân tài trợ, các trường được phép tiếp nhận và phải thực hiện theo đúng Thông tư số 16, ngày 3-8-2018 của Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trước khi thực hiện, các trường phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ, thông qua hội đồng trường; trình cơ quan quản lý (Sở GD-ĐT hoặc phòng GD-ĐT theo phân cấp) thẩm định, phê duyệt và thành lập tổ tiếp nhận tài trợ.
- Theo quy định, các khoản thu, chi trong nhà trường đều phải thực hiện công khai, minh bạch. Đồng chí có thể nói rõ hơn về công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của sở đối với vấn đề này?
- Đối với hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, sở yêu cầu các trường thu, chi phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh của lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Đối với các khoản tài trợ, nhà trường phải lập kế hoạch sử dụng, niêm yết công khai để lấy ý kiến góp ý; thực hiện đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức quy định và đúng trình tự, thủ tục xây dựng, mua sắm, đấu thầu. Sau khi thực hiện, trường phải báo cáo và công khai tài chính. Tóm lại, các nghiệp vụ phát sinh tài chính của trường phải được phản ánh đầy đủ, đúng, kịp thời vào hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính, đảm bảo tính pháp lý. Bên cạnh đó, các trường cần rà soát, bổ sung kịp thời quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó bao quát đầy đủ các nhiệm vụ chi, các nghiệp vụ phát sinh có liên quan; mức chi phải phù hợp với quy định của Nhà nước và nguồn kinh phí hiện có của đơn vị. Quy chế chi tiêu nội bộ phải gửi về Sở GD-ĐT. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, sở sẽ có ý kiến tham gia bằng văn bản nếu quy chế không phù hợp với quy định; sau đó gửi cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi, giám sát thực hiện; gửi Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để làm căn cứ kiểm soát chi. Sắp tới, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra việc quản lý thu và sử dụng các khoản thu ngoài ngân sách tại các trường.
- Xin cảm ơn đổng chí!
Theo https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202310/cac-co-so-giao-duc-cong-lapphai-thuc-hien-nghiem-cong-tac-quan-ly-thu-chi-tai-chinh-0a62a65/