Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa đã khẳng định như vậy tại cuộc họp mới đây về dự án điện mặt trời. Theo đó, những dự án nào sử dụng đất đang sản xuất có hiệu quả sẽ không được thông qua chủ trương đầu tư.
Nhiều dự án phải điều chỉnh
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đánh giá hiệu quả sử dụng đất đối với các địa điểm nghiên cứu điện mặt trời, từ ngày 16 đến 23-1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở: Tài nguyên - Môi trường, Công Thương, Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng cùng các huyện: Diên Khánh, Cam Lâm, Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, khảo sát 24 dự án điện mặt trời.
|
Qua khảo sát, đoàn công tác nhận thấy, phần lớn đất ở những địa điểm để lập dự án điện mặt trời đều là khu vực đất cằn cỗi, bạc màu, nhiều sỏi đá, cây trồng chỉ có thể canh tác bằng nước trời, chưa có hệ thống tưới tiêu. Một số dự án tại các huyện Cam Lâm, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa được bố trí tại những khu vực đồi núi thấp, tuy có canh tác được một số diện tích keo và cây trồng hàng năm, song vì không có nước tưới nên hiệu quả kinh tế thấp, năng suất cây trồng không cao. Đối với các diện tích đất trồng keo, bình quân mỗi năm cho thu nhập chỉ từ 6 đến 10 triệu đồng/ha.
Ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Trong số 24 dự án mà đoàn công tác đã khảo sát, về cơ bản đều được bố trí ở những khu vực đất hoang hóa hoặc đất sản xuất kém hiệu quả. Một số khu vực có thể sản xuất được nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Chính vì vậy, đoàn khảo sát nhất trí thông qua 23 dự án, riêng Dự án Nhà máy điện mặt trời Điện lực Miền Trung với diện tích khoảng 70ha tại xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa, đoàn công tác không thống nhất chủ trương đầu tư, bởi dự án này nằm trong vùng nguyên liệu của Nhà máy đường Biên Hòa - Ninh Hòa”.
Trong 23 dự án mà đoàn công tác đã khảo sát và thống nhất chủ trương đầu tư, nhiều dự án phải điều chỉnh lại vị trí cũng như diện tích để không sử dụng đất đang sản xuất. Những trường hợp này nằm chủ yếu ở huyện Cam Lâm và thị xã Ninh Hòa.
Ông Lê Bá Thuận - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết: “Đối với những dự án chồng lấn đất sản xuất, chúng tôi đều đề nghị điều chỉnh và bóc tách. Như Dự án Nhà máy điện mặt trời Long Sơn tại xã Ninh Sơn, ban đầu có diện tích 300ha nhưng sau khi xem xét, chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư bóc tách toàn bộ đất đang trồng mía. Đồng thời, vị trí cũng phải dịch chuyển để không ảnh hưởng đến đất sản xuất. Sau khi điều chỉnh, dự án này chỉ còn lại 200ha. Hay Dự án Nhà máy điện mặt trời Ninh Tân do Công ty Cổ phần Năng lượng Bitexco làm chủ đầu tư cũng phải điều chỉnh từ 120ha xuống còn 90ha. 30ha bị loại ra khỏi dự án là diện tích còn trồng mía được. Ngoài ra, một dự án khác tại phường Ninh Đa do Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng lượng Tuấn Ân làm chủ đầu tư cũng được lãnh đạo thị xã xem xét kỹ lưỡng và quyết định không cho đầu tư. Bởi trong 20ha của dự án thì có hơn 5ha là đất trồng cây và hoa màu”.
|
Loại bỏ thêm một số dự án
Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Các dự án điện mặt trời được ưu tiên bố trí ở những khu vực đất hoang hóa, không thể sản xuất, canh tác. Chúng ta chỉ xem xét đồng ý đầu tư ở những khu vực cho thu nhập dưới 10 triệu đồng/ha/năm. Vì đất cho thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/năm thì người dân vẫn có thể kiếm sống được. Dự án nào vướng vào đất sản xuất có hiệu quả và đất rừng phải loại bỏ ngay. Bất cứ giá nào cũng không thể lấy các loại đất này để làm dự án điện mặt trời. |
Tuy nhiên, sau khi xem xét lại, lãnh đạo tỉnh vẫn yêu cầu làm rõ một số vấn đề để không có dự án nào lấy đất đang sản xuất hiệu quả. Những khu vực được phép đầu tư dự án điện mặt trời là những nơi đất hoang hóa hoặc sản xuất kém hiệu quả. “Các ngành cần thống nhất như thế nào là đất sản xuất kém hiệu quả để có thể đánh giá chính xác hiệu quả sử dụng đất. Bởi lẽ, việc tính thu nhập hàng năm trên diện tích đất mang tính cảm tính. Đồng thời, cũng cần có cơ sở để tính 1MW điện mặt trời thì cần sử dụng bao nhiêu đất nhằm tránh tình trạng sử dụng đất không hiệu quả”, ông Phan Thông - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị.
Sau khi xem xét, UBND tỉnh tiếp tục loại bỏ 5 dự án, chỉ tạm thời đồng ý chủ trương đầu tư 19 dự án. Tuy nhiên, trong số các dự án đã thông qua, UBND tỉnh cũng yêu cầu một số địa phương báo cáo thêm về các dự án chưa làm rõ hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải kiểm tra lại xem các dự án có vướng vào đất thuộc diện quy hoạch rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn hoặc đất đang quy hoạch đất rừng hay không.
Theo Báo Khánh Hòa