Thời gian qua, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD, XMC) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp, đặc biệt là sự ủng hộ của Nhân dân.
Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ các cấp tích cực, chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền về công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện phổ cập giáo dục, xoá mù chữ; gắn kết trách nhiệm giữa các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về phổ cập giáo dục, xoá mù chữ trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Thường trực Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ tỉnh Khánh Hòa ban hành các văn bản hướng dẫn kiểm tra, đánh giá để chỉ đạo thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác PCGD, XMC. Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện quy trình tự kiểm tra, đánh giá đảm bảo thời gian và tiến độ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị công nhận duy trì kết quả đạt chuẩn PCGD, XMC theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cùng với đó, các cấp, các ngành đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho mọi người dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của giáo dục và xây dựng xã hội học tập, nhất là công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Thường xuyên phản ánh, đưa tin về các hoạt động chỉ đạo, kết quả công tác PCGD, XMC của cấp ủy, chính quyền địa phương: Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ 08/9, Ngày Khuyến học Việt Nam 02/10, Ngày Sách Việt nam 21/4. Thực hiện tốt việc lồng ghép công tác phổ cập giáo dục với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” với phong trào xây dựng Làng văn hóa, Xã văn hóa; phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua về công tác khuyến học, khuyến tài; lồng ghép các tiêu chí xây dựng các mô hình học tập vào tiêu chí công nhận “Nông thôn mới”, “Đô thị văn minh”; tổ chức thực hiện việc đánh giá, công nhận danh hiệu các mô hình “Cộng đồng học tập”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” và “Đơn vị học tập”…
Ben cạnh đó, một số giải pháp đột phá riêng của địa phương đã được triển khai thực hiện có hiệu quả nhằm duy trì bền vững phổ cập giáo dục mầm non cấp trẻ em 05 tuổi: Xây dựng Kế hoạch hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2022; xây dựng Đề án thành lập trường mầm non tại Khu Công nghiệp Suối Tân để huy động trẻ em là con của công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp ra lớp; chính sách hỗ trợ cho trẻ em người dân tộc thiểu số; tổ chức khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp trong tổ chức thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại các địa phương vào hằng năm.…..
Với những nỗ lực trên, trong năm 2022, số huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: 9/9, tỉ lệ 100% (kể cả huyện Trường Sa); số huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3: 9/9, tỉ lệ 100% (kể cả huyện Trường Sa); số huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập THCS: 9/9, tỉ lệ 100% (kể cả huyện Trường Sa), trong đó, số huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn mức độ 1: 01, tỉ lệ 11,1%, mức độ 2: 08, tỉ lệ: 88,9%. Toàn tỉnh có 9/9, tỉ lệ 100% các huyện, thị xã, thành phố (kể cả huyện Trường Sa) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, nâng tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15-60 biết chữ đạt 97,75%. Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất các nhà trường đảm bảo các điều kiện, tiêu chí theo quy định. Để thực hiện thành công mục tiêu PCGD- XMC, trong năm 2022, tổng kinh phí chi cho công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là hơn 2.255 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả đạt được, những hạn chế trong công tác PCGD, XMC đã được tỉnh chỉ ra như: Nhận thức của một bộ phận người dân về lợi ích ủa công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vẫn còn hạn chế; lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức đến việc xóa mù chữ cho người lớn tuổi, nhất là việc huy động ra các lớp Giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; 02 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em; việc huy động các nguồn lực của xã hội tham gia phổ cập giáo dục, xóa mù chữ còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Để khắc phục hạn chế, củng cố và nâng cao kết quả PCGD, XMC, thời gian tới tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu, thấy được tầm quan trọng và cần thiết việc học tập của con em nhằm đầu tư thích đáng để con em có kết quả tốt nhất; tổ chức triển khai có hiệu quả các mục tiêu về PCGD - XMC đã đề ra của Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học đã được phê duyệt; đẩy nhanh việc hoàn thành đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ trên địa bàn tỉnh; tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với các ban ngàng, đoàn thể; thực hiện tốt công tác xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực cho công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục nói riêng và phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Hải Quang - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy