Hơn 2 năm qua, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được những kết quả quan trọng. Từ nay đến năm 2020, để đạt được mục tiêu đề ra, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía Nhà nước và ý thức vươn lên của người dân.
Kết quả khích lệ
Trong 2 năm 2016 và 2017, hơn 6,8 tỷ đồng đã được đầu tư cho 586 hộ thực hiện các mô hình sản xuất. Năm 2018, tỉnh hỗ trợ cho 400 mô hình sản xuất kinh tế với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng. Các mô hình chủ yếu tập trung vào cây bưởi, chuối, mía, mì, bắp, chăn nuôi heo, dê, gà và các mô hình kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi. Cùng với triển khai mô hình, hàng trăm lớp khuyến nông về kỹ thuật chăm sóc cây, con phù hợp đã được tổ chức; 80 hộ ĐBDTTS được tham quan, học tập mô hình phát triển sản xuất tiêu biểu tại một số tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ.
|
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, việc đẩy mạnh hỗ trợ phát triển kinh tế hộ bằng những mô hình kinh tế phù hợp là một trong những nhân tố chính, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực ĐBDTTS và miền núi từ 71% của năm 2015 xuống còn 58,16% vào năm 2017.
Vấn đề an sinh xã hội cũng luôn được tỉnh tập trung đầu tư. Từ năm 2016 đến nay, đã có hàng nghìn hộ ĐBDTTS được hỗ trợ lắp đặt đường ống, đồng hồ nước với kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Cũng trong hơn 2 năm qua, đã có 172 căn nhà của ĐBDTTS nghèo được sửa chữa với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, hơn 1.600 người ĐBDTTS được đào tạo nghề.
Bên cạnh 16 tuyến đường được chương trình đầu tư vào khu sản xuất với tổng vốn gần 80 tỷ đồng, hơn 2 năm qua, Chương trình Nông thôn mới và Chương trình 135 cũng đã đầu tư vào các công trình: đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, chợ, nước sạch, thủy lợi, nhà cộng đồng… với tổng vốn khoảng 57 tỷ đồng. Ngoài ra, có hơn 1,2 tỷ đồng để sửa chữa nhỏ các công trình giao thông, thủy lợi, nhà cộng đồng, nước sinh hoạt…
Đến nay, bộ mặt nông thôn khu vực miền núi, vùng ĐBDTTS đã có nhiều đổi mới. Việc đầu tư hạ tầng đã góp phần nâng cao đời sống cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân.
Còn nhiều thách thức
Tuy đạt được kết quả đáng khích lệ, song nhìn chung khoảng cách về KT-XH giữa khu vực đồng bằng và miền núi, vùng ĐBDTTS vẫn còn cao. Theo Ban Dân tộc tỉnh, tình trạng thiếu đất sản xuất, tạo sinh kế và việc làm ổn định vẫn còn nhiều bất cập; nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc ở khu vực này còn cao; tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, ở một số nơi, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chưa quyết liệt, sâu sát; ý thức tự vươn lên của ĐBDTTS còn hạn chế…
Bên cạnh đó, dù đã dành hơn 188 tỷ đồng để triển khai chương trình, nhưng do đây là giai đoạn mà tình hình kinh tế nhìn chung gặp nhiều khó khăn, nên một số chỉ tiêu về phân bổ vốn đầu tư chưa đạt mục tiêu đề ra. Chẳng hạn như vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cả giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 133 tỷ đồng, đến nay mới chỉ phân bổ được khoảng 38 tỷ đồng. Hay như tổng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là hơn 644 tỷ đồng, hiện nay mới phân bổ chưa đầy 138 tỷ đồng. Vì thế, nhiều chỉ tiêu đang gặp khó khăn về mức độ hoàn thành do nguồn lực hạn chế. Trong đó, mục tiêu đến năm 2020 có 70% số xã miền núi đạt tiêu chí về giao thông nhiều khả năng sẽ khó đạt được do đến nay mới chỉ có 35,1% số xã đạt được mục tiêu này.
Vùng ĐBDTTS và miền núi của Khánh Hòa có 51 xã, thị trấn. Trong đó, có 16 xã khu vực 3, 29 xã khu vực 2, 6 xã khu vực 1 và 65 thôn đặc biệt khó khăn. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có hơn 16.000 hộ ĐBDTTS, 58,16% trong số đó thuộc diện hộ nghèo, 15,18% là hộ cận nghèo. |
Trong thời gian từ nay đến năm 2020, Chương trình Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi tiếp tục tập trung vào 4 nội dung lớn gồm: tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật; hỗ trợ phát triển sản xuất giảm nghèo bền vững; thực hiện chính sách an sinh xã hội và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Tỉnh phấn đấu đạt được các mục tiêu đã đề ra, trong đó tập trung kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực này mỗi năm từ 5 đến 6%. Đến năm 2020, thu nhập bình quân của ĐBDTTS đạt hơn 12 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động người DTTS qua đào tạo nghề đạt khoảng 40%; tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt hơn 94%; tỷ lệ người DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt hơn 99%; tỷ lệ dân số miền núi được sử dụng nước hợp vệ sinh hơn 95%...
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đề ra một số giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và của cả hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Song song đó, tập trung tuyên truyền vận động ĐBDTTS giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và phấn đấu vươn lên làm giàu; giải quyết kịp thời đất sản xuất cho ĐBDTTS; huy động nguồn lực đầu tư kết nối giao thông; có chính sách thu hút đầu tư, tạo sinh kế, đào tạo, giải quyết việc làm cho khu vực này.
Theo Báo Khánh Hòa