6 tháng đầu năm, số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt 2.937.362 món, so với cùng kỳ năm trước tăng 410%, doanh số thanh toán đạt 33.065 tỷ đồng, tăng 97,2%. Giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt 4.869.740 món, tăng 47,25% với doanh số 41.577 tỷ đồng, tăng 46,17%.
Thẻ ATM, ví điện tử không còn xa lạ
Siêu thị Co.opmart Nha Trang một ngày cuối tuần, tại quầy thu ngân, khách hàng xếp hàng chờ đến lượt thanh toán. Theo quan sát của chúng tôi, có nhiều khách hàng thanh toán bằng hình thức cà thẻ, trong đó phần lớn là người tiêu dùng trẻ tuổi. Các thao tác thanh toán bằng thẻ ATM được nhân viên siêu thị thực hiện nhanh chóng, giúp thời gian khách hàng chờ đợi ít hơn. Ông Võ Đình Dũng - Giám đốc siêu thị Co.opmart Nha Trang cho biết, những năm trước, tỷ lệ khách hàng thanh toán bằng hình thức cà thẻ ATM, ví điện tử khá thấp, chỉ chiếm 1 - 2% trên tổng doanh thu của siêu thị; hiện nay, tỷ lệ này đã tăng lên 5%.
Khách hàng thanh toán bằng thẻ ATM tại siêu thị Co.opmart Nha Trang.
Tại các nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng thời trang… ở TP. Nha Trang, việc khách hàng thanh toán bằng thẻ ATM hoặc ví điện tử cũng không còn xa lạ. Bà Ngô Thùy Trang (phường Phước Hải) cho biết, bà sử dụng thẻ ATM để thanh toán các dịch vụ hơn 2 năm nay, từ việc mua hàng hóa tại siêu thị, sử dụng dịch vụ viễn thông đến những lần đi ăn sáng, cà phê tại nhà hàng hoặc mua sắm tại các cửa hàng… Vào một số thời điểm, thanh toán bằng QR Pay, bà còn được giảm giá 10% trên tổng hóa đơn khi mua mặt hàng thời trang. Thanh toán bằng thẻ ATM nhanh gọn, tiện lợi, không cần mang nhiều tiền mặt trong túi”.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, hiện nay, toàn tỉnh có 355 máy ATM, số thẻ phát hành hơn 1,18 triệu thẻ; 4.477 thiết bị POS tại 2.559 điểm chấp nhận thẻ. 6 tháng đầu năm, giao dịch qua ATM đạt gần 5,34 triệu giao dịch, tăng 1,34%; về giá trị đạt 15.554 tỷ đồng, giảm 2,38% so với cùng kỳ năm trước. Do lượng khách du lịch giảm mạnh nên doanh số thanh toán qua thiết bị POS giảm. Tổng số giao dịch qua thiết bị POS đạt 537.880 giao dịch, giảm 56,3%; về giá trị đạt 1.471 tỷ đồng, giảm 45,3%. Tuy nhiên, giao dịch thanh toán nội địa 6 tháng đầu năm tăng hơn 70,6% về số giao dịch và tăng 74,2% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020.
Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tăng
Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công được các đơn vị tích cực phối hợp triển khai và đạt được kết quả nhất định, tạo sự chuyển biến trong thanh toán không dùng tiền mặt. Năm 2020, các tổ chức, cá nhân đã thực hiện thu ngân sách nhà nước qua ngân hàng 310.643 món với doanh số thanh toán 12.983 tỷ đồng, đạt 99,6%; thu thuế, phí hải quan đạt 100% thu qua ngân hàng với 3.560 giao dịch và 2.253,3 tỷ đồng; nộp thuế điện tử của doanh nghiệp đạt 41.853 giao dịch và hơn 7.260 tỷ đồng (chiếm 98%).
Doanh số thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán khác là 7.086 tỷ đồng, so với năm 2019 tăng 133,7%, chiếm 69% trong tổng doanh thu tiền điện. Ngoài ra, có 85,33% người nhận chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản. Tuy nhiên, một số lĩnh vực mức độ đạt được còn thấp (thanh toán tiền học phí, viện phí, tiền nước) do việc chia sẻ, trao đổi thông tin dữ liệu giữa ngân hàng với các bệnh viện, trường học còn hạn chế.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đánh giá, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam thay đổi từ trực tiếp sang trực tuyến, góp phần tác động tích cực cho nỗ lực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Thực tế trên địa bàn tỉnh, chỉ trong 6 tháng đầu năm, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Số lượng giao dịch thanh toán qua Internet, điện thoại di động đều tăng cao, đặc biệt khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến tăng đến 389,26% về số lượt và tăng 220% về doanh số gửi. Bên cạnh đó, đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công cũng được các đơn vị triển khai và đạt được kết quả nhất định. Các dịch vụ thu thuế, chi trả an sinh xã hội, thanh toán tiền điện qua ngân hàng cơ bản đạt mục tiêu đề ra...
Để tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, dịch vụ ngân hàng số; nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán theo hướng cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng trên cơ sở áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như: Mã phản hồi nhanh (QR code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán di động (mobile payment), thanh toán phi tiếp xúc… Song song đó, các tổ chức tín dụng cần tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ ATM, POS để tạo sự an tâm cho khách hàng khi thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai chính sách khuyến khích các đơn vị cung ứng dịch vụ công và khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như: Miễn giảm phí thanh toán, phí mở tài khoản...
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị cung ứng dịch vụ công đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương lồng ghép thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công vào các đề án, dự án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương thuộc trách nhiệm được giao xây dựng và thực hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các đơn vị thuộc lĩnh vực quản lý tích cực hoàn thiện quy trình nghiệp vụ theo hướng dẫn của bộ chủ quản; chia sẻ thông tin, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia, các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán để thực hiện thanh toán phí dịch vụ…
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202106/chuyen-bien-trong-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-8218891/