UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, những cây, con đang phát huy thế mạnh ở Khánh Hòa sẽ tiếp tục được phân bố một cách hợp lý, theo quy hoạch và phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng.
Định hình bức tranh trồng trọt
Năm 2017, nông dân trong tỉnh đã gieo trồng 85.000ha cây hàng năm, khoảng 7.000ha cây lâu năm và hơn 13.000ha cây ăn quả. Với những cây trồng hàng năm, lúa và mía chiếm diện tích lớn với mỗi loại cây trồng ước khoảng 20.000ha. Các loại cây như: bắp, khoai, sắn, rau đậu cũng chiếm một diện tích đáng kể với khoảng 20.000ha. Với cây công nghiệp lâu năm, cây điều chiếm đa số với hơn 5.000ha, còn lại là dừa hơn 1.800ha và một ít cà phê, tiêu. Chiếm tỷ trọng không quá lớn, nhưng hơn 13.000ha cây ăn quả lại đang trở thành những nét vẽ chính trong bức tranh trồng trọt ở Khánh Hòa. Gần 9.000ha xoài, 3.800ha chuối, 600ha sầu riêng và hơn 500ha bưởi da xanh đã và đang đem về những sắc thái tươi mới, giá trị cao cho nông dân.
Trong bức tranh toàn cảnh trên, Ninh Hòa vẫn là thủ phủ của cây lúa và mía. Trong khi đó, huyện Cam Lâm thích hợp với cây xoài. Huyện Khánh Sơn là mảnh đất để cây sầu riêng đơm hoa kết trái, còn bưởi da xanh đang phát triển hiệu quả ở Khánh Vĩnh. Kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mà UBND tỉnh vừa ban hành nhìn chung tập trung vào việc phát triển các loại cây trồng này ở mức độ cao hơn, chuyên sâu và bền vững hơn thông qua hàng loạt các chính sách đi kèm.
|
Nâng cao hiệu quả canh tác
Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp được UBND tỉnh ban hành, Khánh Hòa sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng được tỉnh phê duyệt vào tháng 9-2016, trong đó chú trọng trồng trọt theo hướng hàng hóa, hình thành và phát triển vùng chuyên canh trên cơ sở cơ cấu cây trồng đã được xác định. Đây cũng là giai đoạn mà các chuỗi giá trị liên kết tiếp tục được triển khai sâu rộng nhằm tăng giá trị nông sản. Làm sao duy trì được tốc độ tăng trưởng thu nhập trên 1ha đất trồng trọt phải đạt từ 3%/năm trở lên.
Ở những cây trồng cụ thể, tỉnh định hướng từ nay đến năm 2020 tiếp tục duy trì một cách linh hoạt diện tích lúa trong khoảng 20.000ha, hình thành vùng sản xuất lúa tập trung, thâm canh, lúa chất lượng cao, lúa đặc sản; mạnh dạn chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác mang lại thu nhập tốt hơn cho người nông dân. Tương tự, đối với cây bắp duy trì ở mức 6.500ha như hiện nay, đồng thời tập trung chuyển giao các giống bắp mới và các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh cây bắp. Với các loại cây thực phẩm (rau, đậu), từ nay đến năm 2020 ổn định diện tích 8.000ha như hiện nay, nhiệm vụ còn lại là hình thành vùng sản xuất chuyên canh với diện tích hơn 1.000ha ở Ninh Hòa, Diên Khánh và Cam Lâm. Đây cũng là loại cây trồng được định hướng theo hướng nâng cao chất lượng, đạt các chuẩn GAP, từng bước hình thành và phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm rau an toàn.
Riêng với cây công nghiệp hàng năm, ngoài dự án cánh đồng mía lớn đã được triển khai, cây trồng này được đặt mục tiêu đến 2020 sẽ hình thành nên vùng sản xuất tập trung, thâm canh cao với diện tích 10.000ha ở Ninh Hòa, trong đó có hơn 1.000ha mía được tưới và hàng loạt các giải pháp đi kèm nhằm tăng hiệu quả của cây trồng đang có diện tích khá lớn này.
Đối với cây ăn quả, tỉnh định hướng sẽ tiếp tục tăng diện tích trồng xoài từ khoảng 8.800ha hiện nay lên hơn 10.000ha vào năm 2020. Xoài Úc, cát Hòa Lộc sẽ là những giống xoài chủ lực, bên cạnh việc áp dụng các hình thức thâm canh, trái vụ…, hoạt động áp dụng các quy trình nông nghiệp an toàn theo chuẩn GAP cũng sẽ được đẩy mạnh. Tương tự, cây sầu riêng chủ yếu phát triển tại Khánh Sơn, diện tích 600ha hiện nay sẽ được nâng lên 800ha trong gần 3 năm tới. Diện tích bưởi da xanh chủ yếu được trồng ở Khánh Vĩnh cũng sẽ được tăng lên vượt xa con số khoảng 500ha như hiện nay. Ở Khánh Vĩnh hiện có hơn 30ha bưởi đang được người dân canh tác tuân thủ theo chuẩn VietGAP. Đây cũng là tiền đề để đạt mục tiêu nâng cao chất lượng loại nông sản chủ lực của huyện Khánh Vĩnh.
Trong kế hoạch cơ cấu cây trồng đến năm 2020, ngoài những diện tích lúa kém hiệu quả sẽ được chuyển đổi, diện tích trồng sắn cũng sẽ được khống chế dưới mức 5.000ha. Nơi nào trồng sắn không đạt năng suất, chất lượng sẽ khuyến khích chuyển sang trồng cây ăn quả, mía. Riêng đối với cây công nghiệp dài ngày, chiếm diện tích lớn nhất vẫn là cây điều hiện có hơn 5.000ha. Nhiều năm qua, cây điều không còn mang lại hiệu quả như mong đợi, nhiều diện tích chỉ tồn tại cầm chừng, năng suất bình quân năm 2017 chỉ đạt 9,64 tạ/ha. Diện tích điều đang giảm theo từng năm. Nếu như năm 2016 toàn tỉnh có gần 5.400ha điều, thì sang năm 2017 chỉ còn khoảng 5.100ha. Vì thế, chủ trương của tỉnh là chỉ giữ lại những diện tích điều đạt năng suất từ 1,5 tấn/ha/mùa trở lên.
Đồng thời, giữ lại diện tích điều ở những vùng đất khô cằn, tầng đất thịt mỏng nhằm hạn chế xói mòn đất, giữ nước, bảo vệ môi trường… Những diện tích điều không thuộc 2 đối tượng trên sẽ được khuyến khích chuyển đổi sang loại cây trồng hiệu quả hơn.
Thực hiện kế hoạch này, cùng với công tác tuyên truyền, tập huấn, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nhanh chóng rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh đề án chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016 - 2020, điều chỉnh kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn đến năm 2025 cho phù hợp với định hướng nhiệm vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020; tổ chức rà soát, bổ sung các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp từ trung ương; rà soát, đánh giá, điều chỉnh cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 26 và Nghị quyết 27 của HĐND tỉnh, Quyết định 661 của UBND tỉnh quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 - 2020.
Theo Báo Khánh Hòa