UBND TP. Cam Ranh vừa tổ chức cuộc họp nhằm đưa ra giải pháp xử lý tình trạng bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống tại vùng biển đảo Bình Ba và Bình Hưng (xã Cam Bình).
Bè nổi vẫn hoạt động
Chúng tôi đến đảo Bình Ba vào những ngày cuối năm và chứng kiến các bè nổi tại đây vẫn hoạt động bình thường. Một chủ bè nổi ở thôn Bình Ba Đông cho biết, trước kia, du khách đến Bình Ba thường chọn bè nổi để thưởng thức các món hải sản ở địa phương. Tuy nhiên, từ khi có lệnh cấm bè nổi hoạt động, du lịch ở đảo Bình Ba cũng bị ảnh hưởng nhiều. “Trước kia, mỗi ngày, bè nổi của tôi đón hơn 10 đoàn khách thì nay chỉ 2 - 3 đoàn; thu nhập giảm nhiều nhưng không biết chuyển đổi nghề gì nên tôi vẫn để bè nổi hoạt động. Bè nổi ở Bình Ba rất an toàn vì thiết kế chắc chắn, lại nằm sát bờ”, chủ bè này nói. Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay có một số bè nổi ở Bình Ba đã chuyển sang hình thức “kinh doanh ăn uống ở trên, nuôi tôm hùm ở dưới” để phát huy hiệu quả kinh tế.
|
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, toàn xã có 28 bè nổi phục vụ ăn uống, trong đó đảo Bình Ba có 17 bè gỗ và 1 bè composite; đảo Bình Hưng có 9 bè gỗ và 1 bè composite. Thời gian qua, UBND xã đã vận động các hộ kinh doanh thực hiện đúng chủ trương của UBND tỉnh và UBND TP. Cam Ranh về việc chấm dứt hoạt động kinh doanh ăn uống trên các bè nổi, nhưng vì nhiều lý do liên quan đến mưu sinh, nhu cầu của du khách nên mới chỉ có 2 bè nổi ngưng hoạt động.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh, tháng 8-2018, Tổ kiểm tra liên ngành của thành phố đã kiểm tra 29 bè nổi kinh doanh ăn uống và nhắc nhở, yêu cầu các chủ bè cam kết chấp hành dừng hoạt động; yêu cầu UBND xã Cam Bình giám sát việc chấp hành này báo cáo kịp thời lên UBND thành phố. Thời gian giới, UBND thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục tăng cường tổ chức kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành, lén lút kinh doanh.
Xử lý nghiêm
Mới đây, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường quản lý các bè nổi hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch. Theo Sở Giao thông vận tải, qua phản ánh của báo chí, các bè nổi không đủ điều kiện vẫn đang hoạt động lén lút, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường… Vì vậy, Sở Giao thông vận tải đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh; đồng thời phối hợp, rà soát, báo cáo về sở kết quả công tác quản lý bè nổi hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch.
Ngay sau đó, UBND TP. Cam Ranh đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về việc xử lý bè nổi kinh doanh, hoạt động không đúng quy định. Sau khi nghe các ngành và địa phương báo cáo, lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh yêu cầu Phòng Quản lý đô thị khẩn trương tham mưu UBND thành phố kiện toàn Tổ kiểm tra liên ngành; chủ trì, phối hợp với Phòng Tư pháp tham mưu UBND thành phố mẫu biên bản xử phạt hành vi này. Theo báo cáo của UBND xã Cam Bình, hiện nay còn 16 trường hợp đã được UBND TP. Cam Ranh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trên bè nổi nhưng chưa thu hồi. Vấn đề này, thành phố đã giao cho Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với UBND xã Cam Bình kiểm tra, báo cáo xử lý.
Bè composite ế ẩm
Theo lãnh đạo UBND xã Cam Bình, trên địa bàn xã có 2 bè composite được đầu tư bài bản với trị giá từ 5 đến 7 tỷ đồng/bè nhưng khi đưa vào hoạt động tại vùng biển Bình Ba và Bình Hưng đều rất… ế khách. Lý giải nguyên nhân này, lãnh đạo xã cho rằng, thói quen ăn uống trên bè gỗ đã tồn tại lâu nay nên du khách khi đến Bình Ba hoặc Bình Hưng đều chọn bè gỗ. Các bè composite không thu hút được khách, doanh thu quá thấp khiến các chủ bè có nguy cơ phá sản.
Theo Báo Khánh Hòa