Gần đây, nhiều cửa hàng bán đồ trang sức, gối, nệm cao su ở Nha Trang mọc lên như nấm sau mưa. Đặc biệt, các cơ sở này chỉ chuyên bán cho khách Trung Quốc. Chúng tôi đã thâm nhập các cửa hàng và phát hiện nhiều bất cập…
Hàng hóa mập mờ
Ở xã Phước Đồng (TP. Nha Trang) có đến hàng chục cơ sở bán hàng dành cho khách Trung Quốc. Để vào được bên trong những cửa hàng này, mỗi vị khách đều phải qua sự kiểm soát chặt chẽ của các nhân viên và phải được phát thẻ đeo. Bằng nhiều cách, cuối cùng chúng tôi cũng thâm nhập vào cơ sở Nature Care (Đại lộ Nguyễn Tất Thành, thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng) - chuyên bán các sản phẩm cao su thiên nhiên. Bên trong cơ sở này có rất nhiều gian phòng dành cho khách VIP. Điểm chính của cơ sở này là khu trưng bày các loại gối, nệm cao su cùng với hàng trăm chiếc giường mẫu có trải sẵn nệm. Ở đó, khách Trung Quốc ngồi vây quanh những nhân viên người Trung Quốc, nghe họ giới thiệu về sản phẩm. Bên khu vực thanh toán tiền và đóng gói sản phẩm, các nhân viên Trung Quốc làm việc không ngừng nghỉ.
|
Tiếp cận các kệ trưng bày, xem qua các sản phẩm cao su, chúng tôi thấy trên mỗi sản phẩm chỉ dán một tờ giấy với chữ “Nature Care”. Theo quy định, các sản phẩm được sản xuất trong nước hay nhập khẩu từ nước ngoài về đều phải có tem, nhãn mác, tem phụ, địa chỉ, nhà sản xuất, thông tin sản phẩm. Thế nhưng, các sản phẩm cao su ở đây lại không có bất cứ thông tin nào được in, dán trên sản phẩm. Một lái xe chuyên đưa khách Trung Quốc đến cơ sở này cho biết: “Hàng ở đây được nhập từ Trung Quốc về với giá từ khoảng 2 đến 10 triệu đồng/sản phẩm (tùy loại). Họ không niêm yết giá, thông tin lên sản phẩm. Khách muốn biết về chất lượng, giá cả thì hỏi nhân viên giới thiệu. Mỗi sản phẩm ở đây được đội lên từ 17 đến 70 triệu đồng/sản phẩm”.
|
Cách đó khoảng 200m, cơ sở có tên HA cũng khá kín đáo. Từ ngoài nhìn vào, không thể biết bên trong trưng bày mặt hàng gì. Dù đã khai trương được gần 1 năm, nhưng người dân xung quanh đây khi đến tham quan, mua sắm đều bị từ chối với lý do “chỉ tiếp khách Trung Quốc”. Khi chúng tôi ngỏ ý vào mua nệm cao su, lập tức bị bảo vệ, nhân viên ở đây ngăn cản. Theo một nhân viên tên T. làm việc ở đây, cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc được các hãng lữ hành đưa đến. Ở đây chủ yếu bán gối, nệm cao su thiên nhiên của Việt Nam sản xuất và nhập từ Trung Quốc. Anh này cho biết thêm, những nhân viên người Việt ở đây chỉ phụ bưng bê, đóng gói sản phẩm, còn nhân viên Trung Quốc là người giới thiệu về sản phẩm cho khách. Các sản phẩm ở đây bán giá rất cao, từ 10 đến hơn 70 triệu đồng/sản phẩm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở các cơ sở bán hàng trang sức bằng gỗ, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, ngọc trai, kim loại… cũng chung kiểu kinh doanh như các cơ sở bán sản phẩm gối, nệm cao su. Các cơ sở này cũng chỉ tiếp đón người Trung Quốc. Theo quan sát của chúng tôi, đa số khách mua hàng xong đều không thanh toán tiền mặt mà dùng thẻ quẹt thanh toán, không xuất hóa đơn.
Vì sao luôn đông khách?
Theo chị T. - hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung chia sẻ, thực chất, khách Trung Quốc hiện nay đến Nha Trang - Khánh Hòa đều đi tour giá rẻ. Do vậy, khi sang Việt Nam, khách phải đi theo chương trình tour khép kín cố định. Trong đó, dịch vụ mua sắm được họ khai thác nhằm vào các sản phẩm chính như: cao su, ngọc trai, trầm hương - những mặt hàng được người Trung Quốc ưa chuộng. Vì thế, các cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc mọc lên ngày càng nhiều. Tại các cửa hàng bán nệm, khách thường được nhân viên hoặc các hướng dẫn viên Trung Quốc thuyết minh rằng các sản phẩm cao su thiên nhiên ở Việt Nam có khả năng chữa nhiều bệnh, nên họ không chỉ mua cho mình mà còn mua tặng người thân, bạn bè. Giá thực những sản phẩm này chỉ vài triệu đồng, nhưng được đội giá bán cho khách lên tới vài chục triệu đồng. “Đặc biệt, nếu hướng dẫn viên giới thiệu bán được 10 sản phẩm nệm cao su có giá 70 triệu/sản phẩm thì sẽ được hưởng 50 triệu đồng tiền hoa hồng. Do đó, các hướng dẫn viên rất tích cực giới thiệu để bán hàng”, một lái xe tour khách Trung Quốc cho biết.
|
Theo một số vị khách Trung Quốc mà chúng tôi tiếp cận, họ rất thích các sản phẩm cao su thiên nhiên và ngọc trai, trầm hương. Bởi vì, theo họ đây là những sản phẩm rất tốt cho sức khỏe, phòng trừ một số bệnh tật và đem lại nhiều may mắn. Bà Ren Lili - vị khách Trung Quốc cho biết: “Những sản phẩm cao su bên nước chúng tôi bán giá cao và thường là hàng pha trộn nên không đảm bảo chất lượng. Những sản phẩm ngọc trai, trầm hương cũng là thứ có giá trị, chỉ những gia đình giàu có mới có khả năng mua được. Nhưng khi qua đây, những sản phẩm này được nhân viên và hướng dẫn viên giới thiệu được sản xuất tại Việt Nam và có giá thấp hơn bên nước chúng tôi nên ai cũng muốn mua về sử dụng, làm quà. Tuy chúng tôi cũng thắc mắc về các sản phẩm này không có nhãn, thông tin, nhưng các nhân viên đều cam đoan hàng này là hàng chính hãng, sản xuất tại Việt Nam nên hoàn toàn tin tưởng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số khách mua các sản phẩm gối, nệm cao su đều ký gửi chuyển phát về bên Trung Quốc mà không cầm theo sản phẩm. “Vì hàng được giao bên Trung Quốc, nên khách cứ nghĩ được phục vụ chu đáo, nhưng kỳ thực hàng được sản xuất ở nước họ rồi chuyển đến tận nhà của họ. Với cách làm này, các điểm bán hàng hoạt động trong một chu trình khép kín do chính người Trung Quốc thực hiện”, chị T - một hướng dẫn viên tiết lộ.
Khó kiểm soát?
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, hiện nay chỉ riêng TP. Nha Trang đã có khoảng 46 cơ sở kinh doanh, phục vụ khách du lịch Trung Quốc. Trong đó, 21 cơ sở kinh doanh các sản phẩm từ gỗ (vòng đeo tay, đeo cổ, nhang trầm), đồ thủ công mỹ nghệ; 5 cơ sở kinh doanh trang sức bằng kim loại, ngọc trai; 8 cơ sở kinh doanh gối, nệm cao su; 4 cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thực phẩm bao gói; 11 cơ sở dịch vụ ăn uống, quần áo, vải, tắm bùn. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã kiểm tra gần 200 lượt cơ sở và phát hiện 68 lượt trường hợp vi phạm về giấy phép kinh doanh; kinh doanh hàng nhập lậu; niêm yết giá bằng ngoại tệ; ghi nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không niêm yết giá; sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không đầy đủ chủ quyền quốc gia để quảng cáo...
Qua đó đã xử phạt hơn 850 triệu đồng và tịch thu hơn 5.000 đơn vị sản phẩm, chuyển 1 hồ sơ cho Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu hơn 8.700 nhân dân tệ. Bên cạnh đó, chi cục cũng đã phối hợp với Phòng An ninh xuất nhập cảnh Công an tỉnh kiểm tra, xử phạt hành chính 2 cơ sở sử dụng người Trung Quốc lao động trái phép với số tiền hơn 420 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề sử dụng máy quẹt thẻ chỉ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ của các cửa hàng chỉ dành cho khách Trung Quốc, ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, đơn vị vẫn chưa nắm được thông tin này. Nếu có tình trạng trên diễn ra thì sẽ gây thất thu thuế. Bởi vì, khi khách quẹt thẻ thì dòng tiền sẽ được chuyển về tài khoản bên nước họ, không thể hiện doanh số bán hàng. Do vậy, để kiểm soát vấn đề này thì cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý mạng. |
Một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, những sản phẩm bên trong các cơ sở này phần lớn được nhập từ Trung Quốc và chỉ có một số ít sản xuất trong nước. Chất lượng các sản phẩm đến đâu thì không kiểm định được. Các mặt hàng được nhập về do chủ các cơ sở tự định giá cao hàng chục lần so với giá sản xuất. Đồng thời, các cơ sở này chỉ độc quyền tiếp khách Trung Quốc theo chương trình tour kết nối với công ty lữ hành. Vấn đề này pháp luật không cấm nên các ngành chức năng chỉ tuyên truyền, nhắc nhở thực hiện văn minh thương mại mà không có cơ sở pháp lý để xử phạt được. “Thực ra, hiện nay hầu hết các cơ sở này đều do người Việt Nam đứng đăng ký kinh doanh rồi để người Trung Quốc hoạt động. Nhiều sản phẩm được gọi là đá quý bán với giá rất cao nhưng thực chất được làm bằng nhựa công nghệ cao nhập từ Đài Loan. Tuy biết các cơ sở này nhập hàng giá thấp, bán giá cao nhưng ngành chức năng rất khó kiểm soát do họ không niêm yết giá lên sản phẩm”, vị lãnh đạo này chia sẻ.
Ông Đặng Lợi - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, việc xuất hiện các cơ sở bán hàng dành cho khách Trung Quốc đã góp phần đem lại doanh thu về thuế cho địa phương. Đồng thời, nhiều hộ có thu nhập nhờ các dịch vụ ăn theo. Tuy nhiên, vấn đề quản lý hàng hóa ở các cơ sở này vẫn chưa được chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc giải quyết những bất cập này vượt ngoài khả năng của địa phương.
Ông Phạm Văn Hữu - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, theo quy định thì mỗi năm ngành chức năng chỉ kiểm tra doanh nghiệp ít nhất một lần, từ đó gây hạn chế trong việc kiểm soát. Đồng thời, trước khi kiểm tra phải thống nhất nội dung kiểm tra với các ngành khác nhằm tránh chồng chéo. Do vậy, để kiểm soát thì đơn vị chỉ còn cách kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên, để kiểm tra đột xuất thì phải trinh sát nắm bắt tình hình và phát hiện dấu hiệu vi phạm trước. Nhưng để làm được điều này là rất khó. Ngoài ra, nhiều sản phẩm như: trầm hương, đồ trang sức thủ công mỹ nghệ, kim loại, đá quý… rất đa dạng và phong phú về chủng loại, mẫu mã, giá cả nhưng không thể kiểm định, đánh giá chất lượng do chưa có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của những hàng hóa này. “Thời gian tới đơn vị sẽ tập trung vận dụng những quy định của pháp luật để kiểm soát. Đồng thời, nâng cao nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trinh sát để nắm bắt thông tin, phát hiện dấu hiệu vi phạm, trên cơ sở đó kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm những cơ sở cố tình vi phạm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền các cơ sở này thực hiện văn minh thương mại, tránh lựa chọn khách hàng…”, ông Hữu cho hay.
Theo Báo Khánh Hòa