Thời gian qua, việc triển khai Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được một số kết quả bước đầu. Để đạt được mục tiêu đề ra, các cấp, ngành cần tiếp tục phối hợp, tăng cường triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp
Đồng chí Lưu Thị Hồng Hải - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Cam Ranh cho biết, để triển khai đề án, ngành Giáo dục thành phố đã phối hợp với UBND các xã, phường, hội khuyến học, các đoàn thể… thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Cơ sở vật chất trường, lớp tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, đảm bảo các điều kiện giảng dạy và tạo điều kiện thu hút học sinh đến trường. Đội ngũ giáo viên được tăng cường về số lượng và chất lượng; các lớp dạy nghề ngắn hạn được mở thường xuyên, phục vụ nhu cầu học tập của người dân. Đến nay, 100% xã, phường trên địa bàn thành phố đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 70,3% xã, phường hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 4 tuổi và 59,4% hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 3 tuổi; 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 73% xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.
|
Hội Khuyến học tỉnh và Hội Khuyến học huyện Cam Lâm trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. |
Tại huyện Khánh Vĩnh, ngành Giáo dục huyện đã vận động giáo viên tham gia giảng dạy các lớp phổ cập, mở các lớp tập nói tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, tăng cường phụ đạo cho học sinh yếu... trong dịp hè. Các cấp hội nông dân, hội phụ nữ, hội khuyến học… đã đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ gây quỹ giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, huyện có gần 93% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 85,7% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 58,7% người dân từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật…
Cần tăng cường công tác phối hợp
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, tuy đã đạt được một số kết quả song công tác xây dựng xã hội học tập phát triển chưa đồng đều ở các ngành, địa phương. Công tác phổ cập giáo dục THCS ở một số xã miền núi chưa vững chắc; kết quả xóa mù chữ ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh chưa bền vững vì khó huy động người dân ở độ tuổi 36 - 60 ra lớp, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở một số nơi còn chưa thống nhất, đồng bộ và thường xuyên. Mặt khác, hoạt động ở nhiều trung tâm học tập cộng đồng đang gặp khó khăn, nhất là ở địa bàn thành thị; một số trung tâm còn lúng túng trong công tác chỉ đạo, quản lý, chưa đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 đề ra mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh tiếp tục duy trì các kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đã đạt được. Trong đó, phấn đấu 40% các huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; 30% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó có 15% dân số có trình độ đại học trở lên; 60% công dân đạt danh hiệu công dân học tập; 50% huyện, thị xã, thành phố được công nhận danh hiệu huyện học tập; xây dựng tỉnh Khánh Hòa đạt danh hiệu tỉnh học tập...
Đồng chí Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đây là những mục tiêu không dễ thực hiện, đòi hỏi phải triển khai nhiều giải pháp một cách sâu rộng, thiết thực với sự chung tay của tất cả các cấp, ngành. Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo - đơn vị chủ trì thực hiện đề án sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về học tập suốt đời; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập; tổ chức các phong trào, cuộc vận động; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và xây dựng mô hình công dân học tập. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu đổi mới mô hình trung tâm học tập cộng đồng sao cho hiệu quả; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục; đa dạng phương thức đào tạo, đẩy mạnh các hình thức vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn để giúp người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, người khuyết tật, người nội trợ, người cao tuổi... dễ dàng tiếp cận.
Đến nay, toàn tỉnh đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (hoàn thành kế hoạch trước 2 năm); đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Ngoài ra, có 88,9% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 41,1% người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống; 21,4% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật; hơn 26.200 lượt người đã tạo lập tài khoản để đánh giá mô hình công dân học tập dựa trên các tiêu chí...
H.NGÂN
Theo https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202311/day-manh-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-44e0e1f/