Dịch Covid-19 khiến ngành Du lịch chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã dự kiến kịch bản phục hồi du lịch sau dịch và một số giải pháp bổ sung để hỗ trợ du lịch vượt qua khó khăn.
Cơ cấu lại thị trường khách quốc tế
Theo Bộ VH-TT-DL, khi Việt Nam công bố hết dịch, ngành Du lịch cần tập trung vào việc kích cầu thị trường du lịch nội địa. Trong đó, ngành sẽ phối hợp với các hãng hàng không, vận chuyển và đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan miễn/giảm có thời hạn giá dịch vụ liên quan; tập trung triển khai chiến dịch truyền thông “Du lịch Việt Nam an toàn” và chương trình kích cầu nội địa với sự tham gia của các địa phương (điểm đến), doanh nghiệp vận chuyển và doanh nghiệp dịch vụ du lịch. Bộ VH-TT-DL đề nghị Chính phủ có các gói kích cầu tiêu dùng, trong đó có kích cầu người tiêu dùng trong nước sử dụng dịch vụ du lịch; tập trung vào phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc; triển khai xây dựng Trung tâm điều hành du lịch thông minh phục vụ chuyển đổi số ngành Du lịch trong và sau dịch Covid-19.
|
Với kịch bản thứ hai, Việt Nam và một số nước công bố hết dịch (dự kiến các nước trong khu vực châu Á có khả năng hết dịch sớm hơn), các bộ, ngành cần hỗ trợ ngành Du lịch đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tập trung phát động chương trình: Việt Nam an toàn và hấp dẫn (Vietnam NOW - Safety and Smiling) với các nội dung: khẳng định Việt Nam đã thành công trong đẩy lùi dịch Covid-19 và tiếp tục là điểm đến an toàn, khách du lịch được chào đón trở lại, hoạt động kinh doanh du lịch được phục hồi; công bố các gói sản phẩm, dịch vụ ưu đãi. Ngành Du lịch sẽ tập trung cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, quảng bá khách đến và đi du lịch các thị trường đã hết dịch, nhất là phân khúc khách du lịch kết hợp kinh doanh, giải quyết công việc.
Với kịch bản thế giới công bố hết dịch: Ngành Du lịch sẽ tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, truyền thông, phát triển sản phẩm du lịch mới; triển khai rộng rãi các gói kích cầu đối với các thị trường du lịch, cả nội địa, quốc tế (inbound và outbound). Ngành sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam như: tăng tần suất, mở thêm đường bay đến các thị trường quốc tế, miễn thị thực, miễn giảm phí thị thực nhập cảnh.
Cần hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp du lịch
Ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho rằng, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp du lịch và người lao động trong lĩnh vực phải vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.
Mới đây, Bộ VH-TT-DL đề xuất một số giải pháp bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch như hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phát hành “phiếu mua tour” có thời hạn 12-18 tháng tương đương các tour đã đặt cho khách hàng nhưng không thể đi vì dịch Covid-19; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch. Bên cạnh đó, bộ đề nghị Cục Hàng không chỉ đạo các hãng hàng không giải phóng tiền đặt cọc mua vé trong giai đoạn dịch bệnh cho các doanh nghiệp lữ hành để giảm bớt khó khăn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến du lịch; miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa; thẻ hướng dẫn viên du lịch trong năm 2020. Đồng thời, Bộ VH-TT-DL đề xuất cần có chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo du lịch xây dựng/nâng cấp hạ tầng phục vụ dạy và học trực tuyến, đào tạo giáo viên dạy học trực tuyến, xây dựng/nâng cấp chương trình học trực tuyến, tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch công nhận kết quả học tập và tuyển lao động có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các cơ sở đào tạo du lịch…
Theo Báo Khánh Hòa
https://www.baokhanhhoa.vn/du-lich/202004/de-xuat-kich-ban-phuc-hoi-du-lich-sau-dich-covid-19-8159809/