Chính sách tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng và điều hành trong sự phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa, có mục tiêu cao nhất là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, góp phần giải quyết việc làm và bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội. Nhìn lại năm 2017 có thể khẳng định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành thành công chính sách tiền tệ, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô của đất nước.
Những điểm sáng trong điều hành chính sách tiền tệ
Trong năm 2017, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chịu sự tác động lớn của những diễn biến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước. Một số tác động từ bên ngoài, như giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục ở mức thấp trong 9 tháng đầu năm và tăng nhẹ trong những tháng cuối năm 2017; những tác động đa chiều của cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ, cũng như các quyết định của Hoa Kỳ; biến động khác về quan hệ ngoại giao của Ca-ta và một số nước Trung Đông; Cục dữ trữ liên bang Hoa Kỳ (fed) tăng lãi suất 2 lần; đồng USD mất giá trên thị trường tài chính quốc tế; đặc biệt là sự kiện Brexit và các khâu chuẩn bị cho quá trình đàm phán thực hiện Brexit.
Ở trong nước, kết quả thu ngân sách nhà nước đạt mức cao so với cùng kỳ năm 2016 và dự toán thu cả năm. Tính đến hết ngày 31-12-2017, thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với dự toán, tăng 43,7 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội, đạt mức động viên 25,6% so với GDP; trong đó, thuế phí 21% GDP.
Thu, chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2012 - 2017. |
Thị trường bất động sản tiếp tục được kiểm soát, thị trường chứng khoán có mức tăng cao nhất trong khu vực, đặc biệt là cổ phiếu nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có mức tăng rất cao… Tuy nhiên, trái phiếu chính phủ tiếp tục phát hành với khối lượng lớn, kỳ hạn dài hơn. Sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản cũng có những biến động không nhỏ, nổi lên là những khó khăn trong tiêu thụ thịt lợn và thiên tai xảy ra ở nhiều nơi. Song xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản đạt kim ngạch cao nhất từ trước đến nay. Năm 2017, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,96 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2017, du lịch Việt Nam đón 12,9 triệu khách quốc tế, tăng 29,1% so với năm 2016. Kiều hối và vốn đầu tư gián tiếp trong năm 2017 tăng cao và cao hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không đạt bằng các năm trước.
Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo GII tăng 12 bậc. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đã đánh giá rất tích cực đối với kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam, như Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam lên 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN; Tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody’s đã nâng triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”; Hãng tin tài chính nổi tiếng thế giới Bloomberg đánh giá Việt Nam đồng (VND) là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á...
Những diễn biến nói trên đã tác động rất lớn đến điều hành chính sách tiền tệ. Cũng trong bối cảnh đó, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành, tiếp tục chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là Nghị quyết số 46/NQ-CP, ngày 09-6-2017; Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 02-6-2017; Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 06-6-2017. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 đã đề ra. Kết quả, chính sách tiền tệ đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm.
Về thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2017, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với bình quân năm 2016. CPI bình quân tháng 12-2017 chỉ tăng 2,6% so với tháng 12-2016. Lạm phát cơ bản tháng 12 chỉ tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát bình quân năm 2017 tăng 1,41% so với bình quân 2016. Lạm phát tổng thể đạt khoảng 3% so với năm 2016. Đây là năm thứ 4 liên tiếp lạm phát duy trì ở mức thấp dưới 5% và cho thấy nền tảng của ổn định vĩ mô đang được thiếp lập rõ nét.
Diễn biến chỉ số CPI các năm 2015 - 2017. |
Thực hiện các mục tiêu về tiền tệ và tín dụng
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ước tính đến hết tháng 12-2017, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng khoảng 16% so với hết năm 2016, sát với chỉ tiêu định hướng đề ra khoảng 16% - 18% từ đầu năm; thanh khoản của hệ thống ngân hàng bảo đảm, hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục phát triển ổn định, uy tín trong và ngoài nước tiếp tục được nâng lên.
Ngành ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế với tổng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2017 đạt trên 6,5 triệu tỷ đồng, tăng 18,17% so với cuối năm 2016, tức là đã cung ứng thêm 1,2 triệu tỷ đồng nguồn vốn cho nền kinh tế trong năm 2017. Kết quả này đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra.
Dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tăng nhanh ngay từ đầu năm và đến hết tháng 12-2017 tăng cao hơn so với các năm gần đây. Vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai tích cực, tạo động lực hỗ trợ trực tiếp cho các ngành, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Đáng chú ý là tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ).
Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, các chương trình tín dụng trọng điểm khác cũng được ngành ngân hàng triển khai tích cực, tháo gỡ dần những vướng mắc cho bà con ngư dân, nông dân vay vốn, như cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 07-7-2014, của Chính phủ, về một số chính sách phát triển thủy sản; cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09-6-2015, của Chính phủ, về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP, ngày 07-3-2017, của Chính phủ, cũng đạt những kết quả bước đầu. Ngoài ra, vốn tín dụng ngân hàng còn góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển xã hội, tạo xung lực cho giảm nghèo bền vững.
Việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chuyển biến tích cực. Đặc biệt là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Đây là những điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước tính toán giảm lãi suất điều hành, giảm chi phí cho doanh nghiệp và nền kinh tế, hỗ trợ cho tăng trưởng.
Đáng chú ý, dù mới chỉ bắt đầu có hiệu lực hơn bốn tháng cuối năm 2017, nhưng Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21-6-2017, của Quốc hội, về hỗ trợ xử lý nợ xấu cũng đã bước đầu tạo cú hích cho hệ thống. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 31-12-2017, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được trên 50 nghìn tỷ đồng xác định theo nghị quyết trên.
Điều hành linh hoạt công cụ lãi suất
Trong năm 2017, việc điều hành để giữ ổn định mặt bằng lãi suất gặp khó khăn trong bối cảnh lạm phát cuối năm 2016, đầu năm 2017 vẫn ở mức cao,… Diễn biến thực tế cho thấy có thời điểm một số ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động vốn nội tệ, chủ yếu ở kỳ hạn trên 12 tháng. Trước diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung điều tiết thanh khoản hệ thống hợp lý để hỗ trợ các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất, triển khai họp với các ngân hàng thương mại có thị phần lớn để nắm tình hình và yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ ổn định mặt bằng lãi suất. Kết quả, mặc dù chịu áp lực tăng nhưng nhìn chung và về cơ bản, mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng vẫn được giữ ổn định, trong đó lãi suất huy động vốn nội tệ kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến 4,8% - 5,4%/năm; đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên phổ biến ở mức 5,4% - 7,2%/năm. Lãi suất cho vay nội tệ phổ biến khoảng 6% - 7%/năm. Đối với các dự án kinh doanh hiệu quả, khách hàng có tín nhiệm tốt được một số ngân hàng thương mại cạnh tranh cho vay với lãi suất chỉ 4,5% - 5,5%/năm.
Diễn biến lạm phát có chiều hướng tăng chậm. Cụ thể tháng 6-2017, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,2% so với cuối năm 2016, tăng 2,54% so với cùng kỳ 2016, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,15% và dự báo năm 2017 có khả năng kiểm soát theo mục tiêu 4% Quốc hội giao. Hoạt động ngân hàng, thanh khoản của các tổ chức tín dụng có diễn biến tích cực. Để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên. Trần lãi suất huy động được giữ ổn định trên cơ sở đánh giá thận trọng diễn biến và kỳ vọng của lạm phát, việc Fed điều chỉnh tăng lãi suất và khả năng đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngày 07-7-2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có các quyết định điều chỉnh giảm một số mức lãi suất điều hành và lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên, có hiệu lực từ ngày 10-7-2017.
Điều hành ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ và tăng quỹ dự trữ ngoại tệ
Bên cạnh nỗ lực giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước cũng được các chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao, qua đó tăng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước với đồng Việt Nam và môi trường đầu tư.
Điều hành tỷ giá năm 2017 về cơ bản ổn định, tỷ giá USD/VND chỉ tăng 1,2%. Đây là điểm sáng để Việt Nam được nâng xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức quốc tế. Cùng với đó, thanh khoản thị trường ngoại tệ thông suốt. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Hệ thống các tổ chức tín dụng mua ròng ngoại tệ từ tổ chức, cá nhân với khối lượng lớn, từ đó có điều kiện bán lại cho Ngân hàng Nhà nước để bổ sung. Dự trữ ngoại hối Nhà nước với mức tăng kỷ lục, đến hết năm 2017 trên 53 tỷ USD và đến cuối tháng 01-2018 đạt trên 54 tỷ USD.
Với những giải pháp đồng bộ, linh hoạt theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, ngày 03-4-2012, của Chính phủ, về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đến nay, thị trường vàng tiếp tục diễn biến tương đối ổn định. Từ đầu năm 2017 đến nay, giá vàng trong nước diễn biến tương đối ổn định và biến động trong biên độ hẹp ngay cả khi giá vàng quốc tế diễn biến phức tạp. Nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống duy trì ở mức thấp. Thị trường không xuất hiện các “cơn sốt” vàng miếng; không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô. Một phần nguồn vốn bằng vàng đã bước đầu được chuyển hóa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tổ chức chỉ đạo thực hiện các chính sách theo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu chính sách tiền tệ theo các chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ thời điểm đầu năm 2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, hoạt động ngân hàng. Cụ thể ngày 10-01-2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN, về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017. Tiếp đó, ngày 29-5-2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chỉ đạo tại Văn bản số 4060/NHNN-TTGSNH, nêu rõ các giải pháp về tín dụng, đồng thời nêu rõ trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay; điều tiết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 18%, có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế của kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng; tăng cường thanh tra, giám sát việc chấp hành và xử lý nghiêm các vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất.
Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Thống đốc yêu cầu thực hiện đúng các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất tiền gửi của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố cũng tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc chấp hành quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lãi suất.
Dự báo năm 2018
Tại Nghị quyết số 01, Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đối với ngành ngân hàng, cụ thể tổ chức thực hiện quyết liệt và khẩn trương Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Đẩy mạnh triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020; Tạo chuyển biến căn bản về quản trị ngân hàng, hiệu quả và an toàn hoạt động; Tập trung xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thị trường tiền tệ; đẩy mạnh phát triển thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm; chú trọng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp; có giải pháp bảo đảm phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, an toàn, bền vững; tăng cường công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan... Với mục tiêu tăng GDP trong năm 2018 là 6,5% - 6,7%, Chính phủ đề ra con số tăng trưởng cho ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là 7,75% - 8%.
Chính phủ cũng đề ra mục tiêu tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như ngành ngân hàng, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để phát triển công nghệ ngân hàng và dịch vụ thanh toán; hoàn thiện, phát triển các hệ thống thanh toán; nâng cao hiệu quả và tính an toàn trong hệ thống thanh toán của ngân hàng Việt Nam. Từng bước xây dựng, triển khai, ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản cho hạ tầng công nghệ thông tin và các hệ thống thông tin nghiệp vụ ngân hàng theo thông lệ quốc tế. Đồng thời, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng; nâng cao khả năng cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật của các tổ chức tín dụng.
Dự báo trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ theo nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ, bám sát các chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng,… được đề ra ngay từ đầu năm; tỷ lệ nợ xấu sẽ tiếp tục giảm và lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong năm 2018 sẽ ổn định.
Chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá và quản lý ngoại hối, chính sách lãi suất và tín dụng tiếp tục được điều hành hiệu quả; kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để thực hiện cho được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp và thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2018 cũng như trong trung và dài hạn. Đây là nhiệm vụ chính trị tổng quát, xuyên suốt của ngành ngân hàng với vai trò chủ đạo để cùng với các bộ, ngành thực hiện cho được mục tiêu chung của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi. Tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Phát huy vai trò chủ đạo của thị trường tiền tệ trong việc duy trì sự ổn định của thị trường tài chính, hỗ trợ thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản phát triển lành mạnh./.
Theo Tapchicongsan.vn
Tags:
Tác giả: Tapchicongsan.org.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
- Dịp lễ 30-4: Khách du lịch nội địa tăng nhẹ (28/04/2018)
- Chú trọng bảo quản sản phẩm trên tàu cá (27/04/2018)
- UBND tỉnh Khánh Hòa: Nghe phương án đầu tư vào Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong (24/04/2018)
- Đảm bảo điện trong mùa khô (23/04/2018)
- Ngang nhiên tổ chức lặn biển trái phép (21/04/2018)
- Khách sạn không đủ điều kiện vẫn đón khách (18/04/2018)
- Cần sớm kiểm soát tình hình giá đất nền (18/04/2018)
- Hỗ trợ người dân nuôi trồng thủy sản tại Vạn Ninh bị thiệt hại do cơn bão số 12: Tiếp tục làm rõ danh sách được hỗ trợ (18/04/2018)
- Công nghiệp tăng trưởng mạnh (17/04/2018)
- Du lịch trực tuyến - tiềm năng chờ đánh thức (16/04/2018)