Qua kết quả thanh tra, kiểm tra của các ngành chức năng cho thấy, hiện nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tìm cách lách luật, né ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với người lao động (NLĐ). Việc làm này khiến NLĐ chịu nhiều thiệt thòi.
Muôn kiểu lách luật…
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động tại gần 30 DN. Qua kết quả thanh tra cho thấy, phần lớn nội dung trong HĐLĐ được DN ghi mập mờ, chung chung về trách nhiệm, quyền lợi của các bên. Cách ghi này của DN nhằm né tránh thực hiện các quyền lợi chính đáng cho NLĐ để giảm bớt chi phí. Đặc biệt, vẫn còn nhiều đơn vị, DN lách luật trong việc ký kết HĐLĐ với NLĐ. Chẳng hạn, Công ty TNHH Thực phẩm H.S (TP. Nha Trang) có gần 200 công nhân làm việc, trong đó có hơn 100 lao động hợp đồng khoán việc. Tuy nhiên, số lao động này lại được đơn vị chấm công theo tháng và trả lương hàng tháng. Việc làm này nhằm né đóng các loại bảo hiểm cho NLĐ. Còn tại Công ty TNHH Thương mại V.T (TP. Nha Trang) thì lại ký HĐLĐ thử việc nhiều lần với NLĐ. Trong đó có không ít lao động ký HĐLĐ thử việc kéo dài hơn 1 năm.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh cũng phát hiện nhiều DN không ký HĐLĐ để né các loại bảo hiểm. Trường hợp tại Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng UPGC Nha Trang (phường Phước Long, TP. Nha Trang) là một minh chứng. Gần 40 lao động làm việc từ đầu năm 2017 nhưng chưa hề ký HĐLĐ. Hàng tháng, công ty trả lương cho công nhân đầy đủ nên họ cứ nghĩ rằng mình đã được đóng các loại bảo hiểm. Sự việc vỡ lở khi các ngành chức năng kiểm tra.
Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: “Hiện nay, nhiều DN còn lách luật bằng cách ký HĐLĐ dưới 1 tháng; ký hợp đồng cộng tác viên bán hàng với nhân viên bán hàng và ký hợp đồng dịch vụ lắp đặt, sửa chữa, bảo hành đối với nhân viên kỹ thuật. Với những lao động này, chỉ được nhận lương hàng tháng, không được đảm bảo bất kỳ quyền lợi nào. Nếu NLĐ gặp rủi ro trong lao động, sinh nở, nghỉ hưu… thì không được hưởng các chế độ an sinh”.
Theo ông Đào Quốc Trưởng - Ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay, rất nhiều DN chuyên về dịch vụ xây dựng không ký HĐLĐ với NLĐ. Các đơn vị này thường áp dụng chiêu ký HĐLĐ với một vài nhân viên văn phòng, kế toán. Còn hầu hết lao động là những thợ xây, thợ hồ, thợ sắt, thợ sơn… thì chỉ hợp đồng miệng. Chính vì không có ngành chức năng nào kiểm tra tại công trình xây dựng, hỏi trực tiếp NLĐ nên DN vẫn thoải mái lách luật.
|
Cần bảo đảm quyền lợi cho người lao động
Theo thống kê của các ngành chức năng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 10.000 DN. Bên cạnh những DN quan tâm, chăm lo và thực hiện tốt những chính sách cho NLĐ vẫn còn có không ít DN tìm cách né thực hiện các quy định pháp luật về lao động dẫn đến NLĐ chịu nhiều thiệt thòi. Trong khi đó, lực lượng của các ngành chức năng không thể thanh tra, kiểm tra thường xuyên và bao quát hết các DN. Do đó, điều cốt lõi để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ trước hết là trách nhiệm của DN và sự hiểu biết về chính sách pháp luật của NLĐ.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, HĐLĐ là văn bản pháp lý đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Không chỉ người sử dụng lao động mà NLĐ cũng có trách nhiệm trong việc giao kết HĐLĐ và phải đề nghị được ký HĐLĐ. HĐLĐ chính là bằng chứng quan trọng thể hiện sự cam kết, thỏa thuận và bảo vệ quyền lợi cho cả NLĐ lẫn DN. Nếu DN có tổ chức công đoàn thì công đoàn cơ sở nên yêu cầu người sử dụng lao động giao kết HĐLĐ với NLĐ, đồng thời hướng dẫn NLĐ giao kết HĐLĐ đúng pháp luật. Nếu DN vẫn không thực hiện, NLĐ và công đoàn cơ sở phải báo ngay cho công đoàn cấp trên để được hỗ trợ hoặc khiếu nại đến Thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để được giải quyết quyền lợi.
Ông Bùi Đăng Thành - Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, các cấp, ngành cần xử lý nghiêm những DN không chấp hành quy định pháp luật lao động làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ. Bên cạnh đó, nghiên cứu sửa đổi những quy định không còn hợp lý, bổ sung các quy định còn thiếu trong các văn bản pháp luật về HĐLĐ nhằm đảm bảo tính khả thi. Cùng với đó, tổ chức công đoàn cần nâng cao chất lượng hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ…
Theo Báo Khánh Hòa