(Tiếp theo & hết)
Kỳ 2: Cần hoàn thiện thể chếXây dựng năng lực cạnh tranh
Theo Trưởng ban Môi trường và Năng lực cạnh tranh quốc gia, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Minh Thảo, đối với DN 100% vốn Nhà nước, phần lớn nguồn lực tập trung vào bảy tập đoàn (TĐ) và hơn 60 tổng công ty (TCT) Nhà nước. Riêng bảy TĐ KTNN đã nắm giữ 66% tài sản, 66,7% chủ sở hữu Nhà nước (CSHNN), tạo ra 61,7% doanh thu, 56,5% lợi nhuận trước thuế và 56,7% thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của toàn bộ DN 100% vốn Nhà nước. Trong đó, hai TĐ có quy mô lớn nhất là PVN và EVN cùng nhau nắm giữ 48% nguồn vốn kinh doanh và 46% vốn CSHNN; ba TĐ: PVN, EVN và Viettel cùng nhau tạo ra 50% doanh thu, 51% lợi nhuận và 52% nộp NSNN ở các DN 100% vốn Nhà nước.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Minh Thảo thẳng thắn chỉ rõ, trong bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất “Global 500” năm 2017 của Fortune, DN xếp cuối cùng là TĐ Ericsson với doanh thu 23,5 tỷ USD cũng vẫn cao hơn hai lần so ba TĐ kinh tế nhà nước lớn nhất này của Việt Nam, EVN (11,9 tỷ USD), PVN (11,8 tỷ) và Viettel (10,8 tỷ USD). Ở các ngành có mức độ cạnh tranh cao thì hiệu quả kinh doanh của DNNN là rất thấp, cho thấy áp lực cạnh tranh đã bộc lộ những điểm hạn chế về hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của DNNN. Bên cạnh đó, nhiều DNNN chưa bảo đảm các yêu cầu an toàn tài chính, nợ nhiều, có nguy cơ đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả. Bình quân DNNN có nợ phải trả cao gấp 3,1 lần vốn chủ sở hữu, trong khi mức trung bình DN Việt Nam là 2,1 lần.
Nguyên nhân chủ yếu làm giảm hiệu quả hoạt động của DNNN, theo bà Thảo, một là, đến từ bất lợi thị trường, nhất là vào giai đoạn 2008 - 2013 để lại những hệ quả xấu, làm cho nhiều DNNN cho đến nay chưa phục hồi được. Hai là, những hạn chế, bất cập của thể chế, cơ chế quản lý, quản trị DNNN, tạo kẽ hở để hình thành nhóm lợi ích, thao túng hoạt động của DNNN, tham nhũng, lãng phí. Ba là, những hạn chế, yếu kém nội tại DN. Nhiều DN, dự án thua lỗ do yếu kém về năng lực và trình độ quản lý, quản trị của bản thân DN, đặc biệt hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện chỉ có gần 29% số DNNN đang áp dụng công nghệ điện toán đám mây, hơn 22% số DNNN có kế hoạch áp dụng và có tới 49% số DNNN không có kế hoạch, cho rằng không liên quan công nghệ này trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Có tới gần 50% số DNNN chưa sẵn sàng với các ứng dụng cung cấp dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN cần tạo hành lang pháp lý hỗ trợ DN phát triển và ứng dụng giải pháp công nghệ; nâng cao chất lượng thể chế, cơ chế quản lý DNNN nhằm tạo động lực thúc đẩy, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.
Cần giải pháp quyết liệt, đột phá
Qua hơn 20 năm cải cách không ngừng, số lượng DNNN từ hơn 12.000 DN vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đã giảm đáng kể xuống còn 5.600 DN vào năm 2001 và đến nay chỉ còn khoảng hơn 500 DN 100% vốn Nhà nước. DNNN cũng chỉ còn hiện diện trong 11 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Dự kiến, đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng hơn 100 DNNN.
Từ năm 2016 đến hết tháng 10-2018, cả nước đã phê duyệt phương án CPH 136 DNNN; trong đó đã tiến hành CPH nhiều DN quy mô rất lớn, như: TĐ Cao-su Việt Nam, các TCT: phát điện 3, Dầu Việt Nam, Điện lực, Dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn… và đã trở thành những điểm sáng khi mà số lượng cổ phần chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) đều được bán hết, nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về công tác thoái vốn Nhà nước tại DN, trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 10-2018, đã có các thương vụ lớn như thoái vốn tại TCT bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn, Công ty CP Vinamilk… thu về gần 160.000 tỷ đồng (gấp hơn chín lần giá trị sổ sách).
Mặc dù vậy, chúng ta chưa thể hài lòng với những kết quả đã đạt được, hiệu quả hoạt động của DNNN luôn là chủ đề được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Các DN 100% vốn Nhà nước đang được giao quản lý và sử dụng một khối lượng tài sản rất lớn nhưng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đóng góp của một số DNNN còn thấp, chưa tương xứng nguồn lực của Nhà nước đầu tư; một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn. Kết quả sắp xếp, CPH, thoái vốn DNNN còn chậm, chưa đạt được số lượng theo kế hoạch đề ra tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 1232/QĐ-TTg (QĐ 1232) của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, vai trò của DNNN đối với nền kinh tế tiếp tục được khẳng định tại NQ 12. Theo đó, DNNN là một lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Trong thời gian tới, CPH, thoái vốn vẫn được xem là nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu DNNN. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN thời gian tới đặt ra vô cùng nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao và các giải pháp quyết liệt, đột phá hơn để hoàn thành mục tiêu của NQ 12.
Xác định rõ trách nhiệm cá nhân
Thoái vốn Nhà nước tại các DN nói chung có nội hàm khá rộng, có thể bao gồm: CPH DNNN và IPO; chào bán phần vốn Nhà nước tại các CTCP, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Dưới góc nhìn của một tổ chức bán vốn chuyên nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Lê Song Lai cho rằng, nhìn chung, quá trình thoái vốn Nhà nước những năm gần đây có xu hướng diễn ra chậm, kết quả đạt được còn khiêm tốn do nhiều vướng mắc, trong đó có vướng mắc về thể chế.
Theo Cục trưởng Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến, các bộ, ngành, địa phương, các TĐ, TCT nhà nước cần tập trung vào năm nhóm giải pháp. Đó là giải pháp về nhận thức, thể chế, tổ chức thực hiện, quản trị DN và giải pháp về giám sát, kiểm tra, công khai, minh bạch. Đặc biệt, đối với giải pháp tổ chức, thực hiện các bộ, ngành, địa phương, TĐ, TCT nhà nước trước ngày 31-12-2018 phải hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các DN thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định, trong đó nêu rõ tiến độ, cơ quan tổ chức thực hiện, người chịu trách nhiệm. Đối với 37 DN thuộc danh mục bàn giao theo QĐ 1232, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm điều chỉnh lại tiến độ bàn giao để hoàn thành bàn giao về SCIC trong năm 2018.
Nhằm thúc đẩy cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN, ông Đặng Quyết Tiến đề nghị, sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, tạo khuôn khổ và hành lang pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất; tập trung xử lý dứt điểm các TĐ KTNN, TCT nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, TĐKT, TCT nhà nước, nhất là xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, CPH, thoái vốn Nhà nước tại DN.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CHỦ TRÌ HỘI NGHỊ ĐỔI MỚI DNNN: Sáng 21-11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, một công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và hơn 350 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, T.Ư, một số địa phương và đông đảo các TĐ, TCT Nhà nước, các tổ chức ở trong và ngoài nước.
PHÓ VỤ TRƯỞNG KINH TẾ TỔNG HỢP, BAN KINH TẾ T.Ư HOÀNG TRƯỜNG GIANG: Cần rà soát và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN, người quản lý DN. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát kịp thời, phát hiện các vi phạm, xử lý nghiêm minh đối với các vi phạm tạo sự răn đe để nâng cao hiệu quả quản lý vốn Nhà nước tại DNNN.
Theo Nhandan.com.vn