Hiện nay, có những vướng mắc đang làm chậm tiến trình kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN). Đơn giản hóa thủ tục hành chính là vấn đề cần quan tâm hiện nay.
Nhiều khó khăn
Những năm qua, công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN) luôn được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Đến nay, đã có một vài CCN hình thành và đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư hạ tầng CCN đang gặp khó khăn. Đơn cử ở Khánh Sơn, địa phương này có nguồn nhân lực, vùng nguyên liệu nông sản dồi dào, đủ cơ sở để chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, các ngành nghề chủ lực như: Chế biến nông lâm sản, cơ khí… được đánh giá có nhiều tiềm năng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh đã thực hiện quy hoạch CCN Sơn Bình với diện tích 18ha và đưa vào danh sách kêu gọi đầu tư hạ tầng. Thế nhưng, theo ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, đến thời điểm này, vẫn chưa có nhà đầu tư nào đăng ký đầu tư vào CCN Sơn Bình.
Ngoài CCN Sơn Bình, tỉnh cũng đã đưa 2 CCN khác vào danh mục kêu gọi đầu tư là CCN Tân Lập (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) có diện tích 40ha và CCN Ninh Xuân (xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa), diện tích 50ha. Hiện nay, các CCN này có vài nhà đầu tư quan tâm và làm thủ tục xin đăng ký thực hiện dự án. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở việc đăng ký, các bước tiếp theo vẫn rất chậm. Tuy UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, áp dụng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, tập trung thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng… nhưng nhiều vướng mắc trong thủ tục của các sở, ngành liên quan khiến tiến độ thực hiện đầu tư chưa như kỳ vọng. Một dự án từ khi đăng ký đến khi thực hiện mất rất nhiều thời gian.
|
Cần đơn giản hóa thủ tục
Việc thu hút đầu tư vào CCN không chỉ khó khăn đối với lĩnh vực hạ tầng, vấn đề thu hút các nhà đầu tư thứ cấp tại 7 CCN được hình thành hiện nay cũng không dễ dàng. Đặc biệt, các CCN mới như: Trảng É, Diên Phú - VCN, Sông Cầu, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư quá chậm so với nhu cầu của doanh nghiệp. Đã nhiều lần lãnh đạo UBND tỉnh phải tổ chức họp với sở, ngành liên quan để chỉ đạo trực tiếp việc tháo gỡ khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Hương - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khánh Việt cho biết: “CCN Trảng É có nhiều nhà đầu tư thứ cấp nộp hồ sơ gần cả năm mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tiến độ chậm như vậy khiến chúng tôi rất khó kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp, vì họ sẽ bỏ đi đầu tư nơi khác. Chúng tôi rất mong các ngành hỗ trợ để các nhà đầu tư thứ cấp hoàn thiện các thủ tục đầu tư nhanh hơn. Đồng thời, cơ quan chức năng trợ giúp chủ đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc Nghị định 68 để chúng tôi có thể thu hút đầu tư vào CCN một cách thuận lợi”.
|
Theo đại diện Sở Công Thương, việc thu hút đầu tư hạ tầng CCN và các nhà đầu tư thứ cấp gặp nhiều khó khăn chủ yếu do thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư chưa rõ ràng… Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều quy định, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa tạo động lực để các nhà đầu tư yên tâm.
Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện nay, Sở Công Thương đã xây dựng tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư vào CCN, đầu tư hạ tầng, đang trình các ngành góp ý. Khi UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí này, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ nhanh gọn hơn. Các thủ tục hành chính cũng đơn giản hơn, giúp thời gian giải quyết được rút ngắn và các chủ đầu tư có thể đầu tư vào các CCN một cách thuận lợi nhất. Ngoài ra, ngành Công Thương cũng đang kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm tháo gỡ khó khăn bằng việc điều chỉnh Điều 32 trong Luật Đầu tư năm 2014. Trong đó, bổ sung thêm loại hình CCN được miễn không phải trình UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp thứ cấp về đất đai, thuế, đào tạo nguồn lực và vốn vay.
Theo Báo Khánh Hòa
https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202005/don-gian-hoa-thu-tuc-de-thu-hut-dau-tu-8165652/a