Sáng 26-2, tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) diễn ra Hội nghị hợp tác phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Dự hội nghị, đại biểu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội. Về phía tỉnh Khánh Hòa có các đồng chí: Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Về phía tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Minh Tấn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Nghị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Y Biêr Niê - Phó Bí thư Tỉnh ủy.
|
Mở ra cơ hội
Đồng chí NGUYỄN KHẮC ĐỊNH - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Sự hợp tác này không chỉ có ý nghĩa riêng của 2 tỉnh mà có ý nghĩa lan tỏa vùng và trong cả nước. Đề nghị 2 địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực cùng phát triển; xây dựng kế hoạch, phương án hợp tác phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị truyền thống văn hóa; góp phần phát triển Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh. Ngay sau lễ ký kết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam các tỉnh và các sở, ngành, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể để việc ký kết phải mang lại hiệu quả tốt; tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều lĩnh vực hợp tác khác phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tiễn, nhằm hợp tác hiệu quả sâu rộng, đưa 2 tỉnh phát triển lên tầm cao hơn nữa. |
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá Khánh Hòa và Đắk Lắk có rất nhiều thế mạnh để có thể hợp tác cùng phát triển KT-XH. Nếu phát huy hết những thế mạnh này sẽ tạo nên động lực phát triển mới cho cả 2 địa phương. Hiện nay, dù Đắk Lắk có tiềm năng để phát triển theo chuỗi giá trị, phát triển theo vòng tuần hoàn ở tất cả các ngành, lĩnh vực, nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh phát triển chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng; việc kết nối, giao thương giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh, thành khác trong cả nước và quốc tế chưa được thông suốt, chưa phát huy được giá trị tối đa. Trong khi đó, Khánh Hòa là cửa ngõ giao thông hướng biển với nhiều cảng biển nước sâu, mạng lưới giao thông đường bộ thuận lợi; có Sân bay quốc tế Cam Ranh cùng nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển. Điều này sẽ thúc đẩy, lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói chung, Khánh Hòa và Đắk Lắk nói riêng. Chính vì vậy, việc ký kết thỏa thuận hợp tác sẽ đánh dấu một bước ngoặt mới trong xu hướng phát triển của 2 tỉnh; mở ra cơ hội để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền 2 địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước và mang lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và người dân.
|
Đồng chí Phạm Ngọc Nghị cho biết, Chính phủ đã quyết định đầu tư và đang triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Đây là tuyến đường chiến lược “nối rừng với biển”, nối Tây Nguyên với đồng bằng Duyên hải miền Trung, kết nối hành lang vận tải Đông - Tây. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường này có vai trò quan trọng trong việc đánh thức và khai thác mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của 2 tỉnh. Đặc biệt, vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa và TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đây là điều kiện quan trọng, góp phần hiện thực hóa các nội dung hợp tác, đạt được các mục tiêu đã đề ra. “Tỉnh Đắk Lắk cam kết sẽ tạo điều kiện, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí gia nhập thị trường; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư của tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu, đầu tư và phát triển trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, đề nghị chính quyền tỉnh Khánh Hòa tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk trong quá trình đầu tư, sản xuất, giao thương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”, đồng chí Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh.
Hợp tác đa lĩnh vực
Tại hội nghị, lãnh đạo 2 tỉnh đã thảo luận và ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển KT-XH giữa 2 tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Cụ thể, đối với lĩnh vực nông nghiệp, 2 tỉnh sẽ tăng cường trao đổi học tập, chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các gian hàng giới thiệu chung sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc thù của 2 tỉnh; phối hợp nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có giá trị kinh tế cao… Trong xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, 2 địa phương sẽ thường xuyên cung cấp thông tin về xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp 2 tỉnh hợp tác kinh doanh, liên kết cung ứng máy móc thiết bị, nguyên liệu, chuyển giao công nghệ… Về du lịch, sẽ liên kết hợp tác phát triển du lịch dựa trên thế mạnh của từng địa phương; xây dựng các tour du lịch kết nối giữa 2 tỉnh; kêu gọi đầu tư và hợp tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch… Đặc biệt, trong giao thông vận tải, 2 địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong công tác triển khai đầu tư xây dựng Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); tăng cường hợp tác, trao đổi và vận chuyển hàng hóa qua các cảng biển, cảng hàng không, như: Cảng Cam Ranh, Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong, Cảng tổng hợp Nam Vân Phong, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, Cảng hàng không Buôn Ma Thuột; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các cảng trong việc kết nối cung cầu để thuận tiện lưu thông hàng hóa. Ngoài ra, 2 tỉnh cũng thống nhất nhiều nội dung hợp tác trong các lĩnh vực: Y tế; giáo dục và đào tạo; lao động và việc làm; an ninh, quốc phòng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh, việc đẩy mạnh liên kết với Đắk Lắk đã được Bộ Chính trị xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng về liên kết vùng tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, vì vậy, việc ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác giữa 2 tỉnh là tiền đề vững chắc trong liên kết, hợp tác; qua đó giúp 2 địa phương phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, đặc thù để tạo thúc đẩy tăng trưởng về mọi mặt. Đồng chí cũng nhận định, Khánh Hòa và Đắk Lắk có nhiều điều kiện thuận lợi để hợp tác phát triển KT-XH; đặc biệt, với việc triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ giúp nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải, mở ra cơ hội phát triển các tuyến du lịch “biển - rừng”, thúc đẩy giao thương hàng hóa qua cảng biển Vân Phong, tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác, phát triển không chỉ 2 tỉnh và còn liên kết phát triển giữa 2 vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ…
Hội nghị hợp tác phát triển KT-XH giữa 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk thể hiện sự cam kết, đồng lòng của 2 tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của mỗi địa phương, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong khu vực. Lãnh đạo 2 địa phương cam kết sẽ cùng nhau nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận, biên bản hợp tác đã ký kết, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, đầu tư, góp phần hoàn thành những mục tiêu phát triển KT-XH mà 2 tỉnh đã đề ra.
GIỚI THIỆU SẢN PHẨM ĐẶC TRƯNG CỦA 2 ĐỊA PHƯƠNG
Trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, doanh nghiệp 2 tỉnh đã trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc trưng. Đồng thời, các doanh nghiệp đã trao đổi, tìm hiểu cơ hội hợp tác với nhau. Dưới đây là một số hình ảnh tại các gian hàng.
|
|
|
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202302/dong-luc-moi-de-khanh-hoa-dak-lak-phat-trien-8276746/