Sau hơn 05 năm (2016 - 2020) triển khai Chương trình hành động ngành du lịch Khánh Hòa và 04 năm (2017 -2020) triển khai Chương trình hành động số 14-CTr/TU, ngày 24/7/2017 của Tỉnh uỷ Khánh Hòa về định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Khánh Hòa đã gặt hái được nhiều thành quả hết sức quan trọng.
Tăng trưởng ấn tượng
Khánh Hòa là một tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, điều kiện thiên nhiên đa dạng, phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp và độc đáo, nhiều di tích lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Đặc biệt, Khánh Hòa có đường bờ biển rất đẹp kéo dài từ xã Đại Lãnh tới cuối vịnh Cam Ranh, có độ dài khoảng 385 km với nhiều vịnh lớn là Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh cùng khoảng 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ và điểm cực đông trên đất liền của Tổ quốc (mũi Hòn Đôi trên bán đảo Hòn Gốm, huyện Vạn Ninh). Trong những năm gần đây, ngành Du lịch Khánh Hòa đã có sự phát triển hết sức mạnh mẽ, ngày càng khẳng định được thương hiệu và uy tín của mình trong mắt du khách trong và ngoài nước.
Giai đoạn 2016 - 2020, doanh thu du lịch của tỉnh liên tục tăng qua các năm, đạt 27.131 tỷ đồng vào năm 2019, gấp hơn 2 lần so với năm 2016; trong đó riêng giai đoạn 2016 - 2019 tăng 26,2%/năm; nếu tính luôn cả năm 2020, là năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 thì bình quân tăng 5%/năm. Các chỉ tiêu chủ yếu về du lịch đều tăng từ 15 - 20%/năm. Trong đó, tổng số lượt khách lưu trú du lịch giai đoạn 2016 - 2020 đạt 24,9 triệu lượt, riêng tổng số khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt. Năm 2019 đóng góp của ngành du lịch vào GRDP tỉnh Khánh Hoà đạt khoảng 12,29%.
Hiện nay, Khánh Hòa đã và đang được biết đến như một điểm đến du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí biển hấp dẫn với nhiều khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí cao cấp như: Vinpearl, Vinwonders Nha Trang, Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh... cùng với những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như InterContinental, Best Western, Six Senses, Radisson, Movenpick, Eastin Grand... đã góp phần nâng cao thương hiệu Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. Ngoài ra, du lịch thể thao, du lịch lặn biển, du lịch khám phá văn hóa địa phương và thưởng thức ẩm thực cũng được du khách yêu thích lựa chọn.
Một góc Khu du lịch Six Senses Ninh Vân Bay
Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ du lịch được đầu tư phát triển mạnh theo xu hướng có chiều sâu và quy mô lớn. Đến nay toàn tỉnh có l.l13 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 125 cơ sở lưu trú quy mô 4-5 sao; có 138 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 118 doanh nghiệp lữ hành quốc tế với hơn 380 tuyến xe cố định, 1.300 xe hợp đồng các loại và hơn 700 phương tiện thủy nội địa phục vụ khách du lịch, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của du khách…
Ngoài ra, tỉnh cũng đã chú trọng đầu tư, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm phục vụ phát triển du lịch như: Đường cất hạ cánh số 2 và Nhà ga Quốc tế mới - Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh; Cảng Du lịch Nha Trang; Hạ tầng giao thông đô thị Nha Trang; Hạ tầng giao thông cần thiết cho việc mở rộng không gian phát triển du lịch về phía tây Nha Trang, Diên Khánh Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh và Vân Phong. Khuyến khích thu hút các nhà đầu tư nâng cấp, tăng cường đầu tư nhiều dịch vụ mới tại các khu du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Tuy phải chịu nhiều tác động bất lợi do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid- 19, tình hình bất ổn về chính trị trên thế giới, nhưng với lợi thế vượt trội về điều kiện tự nhiên, được sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương, sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, du lịch Khánh Hòa đã có những bước phát triển mạnh mẽ đầy ấn tượng. Sự tăng trưởng của ngành du lịch trong 05 năm qua đã thực sự đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Khánh Hòa, góp phần tăng tỷ trọng dịch vụ, du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch cả nước, khu vực ASEAN và trên thế giới.
Vẫn còn những nút thắt
Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình phát triển của du lịch Khánh Hòa trong những năm qua cũng tồn tại không ít khó khăn, bất cập mà cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp du lịch đều nhận thấy rõ. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 đến nay đã khiến du lịch Khánh Hòa phải gánh chịu thiệt hại nặng nề, đồng thời cũng làm bộc lộ rõ những bất cập trong phát triển du lịch cần phải sớm thay đổi để phù hợp với tình hình mới.
Hiện thu nhập từ du lịch của Khánh Hòa chủ yếu từ hoạt động kinh doanh lưu trú và dịch vụ ăn uống, tỷ lệ dao động từ 50 - 55%. Thu nhập từ hoạt động vui chơi giải trí và mua sắm chỉ chiếm từ 25 - 30% và không thay đổi nhiều trong các năm qua. Điều này cho thấy du lịch Khánh Hòa hiện chỉ tập trung khai thác lợi thế biển với các dịch vụ thuần túy mà chưa đa dạng hóa, khai thác các sản phẩm du lịch bổ trợ, kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng chi tiêu của khách du lịch. Hiện các sản phẩm du lịch vẫn chậm được đầu tư đổi mới nâng cao chất lượng. Điển hình như tour du lịch 4 đảo tại Nha Trang trong nhiều năm qua vẫn không có nhiều thay đổi về hình thức và nội dung, các loại hình du lịch sinh thái, tìm hiểu văn hóa địa phương trở nên lạc hậu và thiếu sức hút đối với du khách.
Mặt khác, ngành du lịch của tỉnh vẫn còn hạn chế trong công tác hoạch định, định hướng chiến lược dài hạn, thiếu nhạy bén trong thu hút, phát triển các thị trường du lịch trọng điểm. Du lịch Khánh Hòa đang bị động và phụ thuộc vào một vài thị trường lớn như Trung Quốc, Nga. Khách du lịch đến từ Trung Quốc và Nga hiện chiếm 80 - 90% tổng số khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa, riêng du khách Trung Quốc chiếm gần 74% trong tổng số. Tuy khách du lịch Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhưng cũng đem lại nhiều thách thức mới, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của du lịch Khánh Hòa. Một hậu quả trực tiếp dễ nhận thấy là khách từ các thị trường Châu Âu, Úc, Mỹ, Canada... sụt giảm mạnh. Thực trạng này không chỉ làm mất cân đối thị trường khách quốc tế, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch về lâu dài. Trong khi đó, các giải pháp kích cầu du lịch nội địa vẫn chưa hiệu quả, năng lực cạnh tranh hoạt động du lịch Khánh Hòa so với các tỉnh lân cận khác còn thấp. Năm 2018, Khánh Hòa đón gần 3,5 triệu lượt khách nội địa, chỉ tăng hơn 1,16% so với năm 2017, tốc độ tăng trưởng của lượng khách nội địa chỉ tăng từ 3 - 4%/năm.
Đổi mới để phát triển bền vững
Trong bối cảnh du lịch là hoạt động nhạy cảm, luôn bị ảnh hưởng bởi các điều kiện khách quan, phát triển du lịch bền vững được đặt ra như một nhu cầu cần thiết để phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Sau đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch trong khoảng cách gần sẽ thay thế cho những chuyến bay xuyên quốc gia, lục địa. Người dân các quốc gia có nhu cầu nghỉ dưỡng tại chỗ để bảo đảm sự an toàn và sức khỏe. Do đó, du lịch nội địa sẽ là xu hướng du lịch trong thời gian tới.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa xác định tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch vừa theo chiều rộng, mục tiêu là đa dạng thị trường khách du lịch, chú trọng thu hút khách nội địa, đồng thời từng bước chuyển dịch theo chiều sâu, với mục tiêu nâng cao chất lượng du khách, phát triển sản phẩm du lịch mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và chuyên nghiệp. Sắp tới, Sở Du lịch Khánh Hòa và Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa sẽ phối hợp với các đơn vị kinh doanh du lịch đẩy mạnh truyền thông, quảng bá để thu hút khách nội địa, trong đó ưu tiên chính là truyền thông về điểm đến an toàn - văn minh - thân thiện; lấy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo làm mũi nhọn kết hợp với du lịch bổ trợ như vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan và trải nghiệm văn hóa địa phương. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp làm mới các điểm đến cũ, bổ sung dịch vụ gia tăng để thu hút du khách chi tiêu và quay trở lại. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, phát triển các loại hình du lịch ở nông thôn gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái ở các địa phương như Nha Trang, Vạn Ninh, Ninh Hòa... Gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, giá trị di sản văn hóa - nghệ thuật, bảo vệ môi trường.
Cùng với việc xây dựng thương hiệu, nâng cao tính cạnh tranh, du lịch Khánh Hòa phải liên kết chặt chẽ với du lịch các địa phương trong Vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nhất là tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và các địa bàn trọng điểm du lịch để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh chung về du lịch của vùng. Việc triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu và duy trì tốt hệ thống dịch vụ, nâng cấp chất lượng, tính độc đáo, mang tính đặc thù du lịch biển đảo Khánh Hòa sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh phục hồi khách du lịch ngay trong năm 2021 và tiếp tục phát triển vào những năm tiếp theo.
Về hoạch định chính sách và công tác quản lý nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa xác định phải tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định tại Chương trình hành động số 14-CTr/TU, ngày 24/7/2017 của Tỉnh ủy, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá như: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thu hút sự quan tâm và đồng thuận của toàn xã hội chung tay xây dựng du lịch Khánh Hòa phát triển bền vững. Xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Khánh Hòa đến năm 2030 và định hướng 2050 với 03 mục tiêu chính là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh và khai thác kinh doanh du lịch có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và chuyên nghiệp. Xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn xã hội tham gia đầu tư hạ tầng giao thông, các điểm vui chơi giải trí quy mô lớn, trung tâm biểu diễn nghệ thuật; khuyến khích phát triển sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù, sản phẩm dịch vụ mang tính chiến lược; chính sách liên kết, phát triển chuỗi giá trị với các ngành nghề liên quan như giao thông vận tải, văn hóa, thể thao, lao động, nông nghiệp, nông thôn để phục vụ cho phát triển du lịch. Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo số lượng và chất lượng lao động trong ngành du lịch. Đẩy nhanh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đưa vào vận hành hệ thống truyền thông số phục vụ quảng bá, xúc tiến du lịch, thay thế dần các phương thức truyền thống hiện không còn phù hợp với thị trường hiện nay.
Thành phố Nha Trang về đêm
Cùng với việc chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch địa phương, tỉnh Khánh Hòa cũng đang nghiên cứu để kiến nghị Chính phủ xem xét, có cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để tạo động lực thu hút đầu tư du lịch tại ba vùng động lực phát triển của tỉnh trong đó có đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang và đoạn Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Khi hoàn thiện, các tuyến đường này sẽ giúp Khánh Hòa từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch, đẩy nhanh đầu tư phát triển các dự án tại các khu du lịch trọng điểm theo quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh. Song song với đó, Khánh Hòa sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư để mở rộng, nâng cấp Sân bay quốc tế Cam Ranh và Cảng du lịch Nha Trang; xem xét bổ sung Khánh Hòa vào danh mục các địa phương được phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động kinh tế ban đêm theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg, ngày 27/7/2020 của Chính phủ.
Với những giải pháp mạnh mẽ và đột phá đã đề ra cùng quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong tỉnh, sự cố gắng, nỗ lực, năng động và sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, hy vọng rằng du lịch Nha Trang - Khánh Hòa sẽ tiếp tục có nhiều khởi sắc trong thời gian tới. Khánh Hòa sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước và khu vực, trong đó Nha Trang trở thành trung tâm du lịch có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới; vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong, nhất là khu vực Bắc Vân Phong sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển được đầu tư phát triển hiện đại về du lịch.
CTV Xuân Thỏa, VPTU