Bức tranh du lịch Nha Trang - Khánh Hòa 9 tháng đầu năm 2019 tiếp tục có nhiều khởi sắc. Sự phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp của các sản phẩm, dịch vụ, dự án du lịch cùng mức tăng trưởng ngoạn mục về lượng khách, doanh thu đã khẳng định bước tiến của ngành, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức phải vượt qua để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Duy trì đà tăng trưởng ấn tượng
Với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo là chủ đạo, du lịch Nha Trang - Khánh Hoà ngày càng thể hiện rõ vai trò là trọng điểm du lịch quốc gia và trở thành một trong những điểm phát triển du lịch sôi động nhất tại Việt Nam trong thời gian qua. Trong 02 năm 2017 và 2018, lượng du khách đến Khánh Hòa đạt gần 12 triệu lượt khách, bằng 80% tổng lượt khách đến trong 05 năm từ 2010 - 2015, đặc biệt khách quốc tế đạt 4,9 triệu lượt khách, cao hơn 01 triệu lượt khách so với tổng trong 05 năm từ 2010 - 2015. Doanh thu du lịch tăng trưởng mạnh với đối tượng khách đa dạng, từ những khách du lịch nghỉ dưỡng sang trọng cho tới đối tượng khách du lịch có mức chi tiêu trung bình, từ khách nội địa đến du khách quốc tế. Riêng năm 2018, đóng góp của ngành dịch vụ, du lịch vào GRDP tỉnh Khánh Hoà đạt khoảng 7,6%, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương.
Nối tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ từ các năm trước, du lịch Khánh Hòa trong 9 tháng đầu năm 2019 đón hơn 2,77 triệu lượt khách quốc tế đến lưu trú với hơn 10,96 triệu ngày khách, tăng lần lượt 31,26% và 43,11% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó chủ yếu là khách Trung Quốc, Liên bang Nga, Hàn Quốc và Thái Lan với tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 20.714 tỷ đồng, tăng 25,32% so với cùng kỳ năm trước.

Bắn pháo hoa trong lễ khai mạc năm du lịch quốc gia 2019 và Festival biển Nha Trang Khánh Hòa
Những cơ chế, chính sách tạo động lực
Có thể khẳng định những dấu ấn tăng trưởng ngoạn mục của ngành du lịch tỉnh thời gian qua chính là kết quả tổng hòa từ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng sự quyết tâm, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, phải kể tới sự ra đời của Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 24/7/2017 của Tỉnh uỷ Khánh Hòa thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là văn kiện tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch với nhiều nội dung định hướng quan trọng như: Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch, hoàn thiện chiến lược phát triển du lịch, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá, xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch… Bên cạnh đó, việc triển khai Luật Du lịch thời gian qua đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thông thoáng, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch cũng như tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch hoạt động.
Bên cạnh việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ du lịch (đã triển khai nhiều dự án quan trọng đã như Đường cất, hạ cánh số 2 và Nhà ga Quốc tế mới - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, Cảng du lịch Nha Trang, hạ tầng giao thông đô thị Nha Trang, hạ tầng Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh và Vân Phong...) tỉnh cũng đã làm tốt công tác thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án du lịch lớn, đặc biệt là các dự án tại Nha Trang và Bắc Bán đảo Cam Ranh. Tính đến nay, tổng số dự án trong lĩnh vực du lịch được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư là 220 dự án, trong đó có trên 36 dự án đã đưa vào hoạt động và trên 185 dự án đang triển khai thực hiện. Thời gian qua cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư cơ sở lưu trú, nhất là ở phân khúc cao cấp. Tính đến tháng 6 năm 2019, toàn tỉnh có 49.187 buồng phòng khách sạn, trong đó có 32.860 buồng phòng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao. Việc mở rộng quy mô cơ sở lưu trú, đặc biệt ở những địa bàn trọng điểm đã góp phần tăng khả năng tiếp nhận, phục vụ du khách đến với tỉnh.

Các sản phẩm du lịch mới tại Khu du lịch Hồ Kênh Hạ được đưa vào khai thác

Một góc khu Vinpearl Resort and Spa Nha Trang Bay

Nhiều dự án khách sạn quy mô đang dần thay đổi bộ mặt của thành phố Nha Trang
Các sản phẩm du lịch mới được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư phát triển, đi kèm với đó là tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng tốt nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng cho du khách. Việc phát triển du lịch tại các khu vực mới, đặc biệt là khu vực Bắc Bán đảo Cam Ranh và Vân Phong đã mở ra nhiều triển vọng mới trong phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh đó, khu vực phía Tây Khánh Hòa đang được nghiên cứu phát triển các hoạt động du lịch gắn với thiên nhiên hoang sơ như du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở nông thôn, khu văn hóa tập trung với tái dựng cuộc sống nhà vườn và các làng nghề truyền thống ở nông thôn... Những kết quả nêu trên đã góp phần nâng cao vị thế của du lịch Nha Trang - Khánh Hòa trên trường quốc tế, xây dựng thương hiệu Nha Trang - Khánh Hòa như một điểm đến hàng đầu khu vực.
Vẫn còn nhiều thách thức
Bên cạnh những kết quả, thành tích ấn tượng thì du lịch Nha Trang - Khánh Hòa thời gian qua cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần sớm có định hướng và giải pháp tháo gỡ.
Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như sân bay, nhà ga, bến cảng, các khu vui chơi giải trí hiện nay chưa đáp ứng kịp sự tăng trưởng về lượng khách du lịch đến tỉnh, dẫn đến tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ, dịch vụ. Công tác quản lý vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội tại nhiều điểm du lịch còn yếu. Tình trạng mất vệ sinh, an ninh trật tự, hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong, ăn xin, “chặt chém” du khách vẫn còn xảy ra. Một số nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch tầm nhìn ngắn hạn, hạn chế về công nghệ, vốn đầu tư khiến tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng không hiệu quả, lãng phí; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá, cung cấp dịch vụ kém chất lượng xảy ra nhiều nơi. Bên cạnh đó, việc các địa phương định hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển bền vững của ngành du lịch nghỉ dưỡng vốn coi trọng chất lượng môi trường.
Mặc dù lượng khách tăng đột biến nhưng làm sao để du khách chi tiêu nhiều hơn vẫn là bài toán mà du lịch Nha Trang - Khánh Hòa phải tìm cách giải quyết. Dù sở hữu nhiều thế mạnh du lịch, điều kiện tự nhiên thuận lợi song các họat động, dịch vụ vui chơi, giải trí chưa được phát triển tương xứng. Những năm trở lại đây, ngoài Vinpear Land thì cũng đã có nhiều khu vui chơi, giải trí được đầu tư phát triển, tuy nhiên chúng ta vẫn còn thiếu những khu vui chơi, giải trí tầm cỡ. Nha Trang đã có phố đi bộ nhưng đa phần là bán hàng mỹ nghệ, lưu niệm và hàng ăn vặt, chưa có tính quy mô, chưa thể hiện được bản sắc văn hóa, bản sắc ẩm thực địa phương. Du khách ít tiền thì ngoài ngắm cảnh, ngủ khách sạn ít có lựa chọn để vui chơi, giải trí, mua sắm. Các sản phẩm du lịch nhìn chung còn thiếu bản sắc, chậm đổi mới, ít sáng tạo, trùng lập, thiếu tính cạnh tranh nên khó thu hút được du khách lưu trú dài ngày hoặc quay trở lại, đặc biệt “kinh tế ban đêm” phục vụ người dân và du khách vẫn chưa thực sự được quan tâm phát triển, giá trị gia tăng của sản phẩm du lịch thấp, thiếu tính liên kết trong phát triển sản phẩm. Đây là những thách thức mà muốn vượt qua, cần tư duy đột phá của những người làm du lịch.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt đang thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng hướng dẫn viên tiếng Trung, tiếng Nga, Hàn quốc và một số ngôn ngữ hiếm khác. Bên cạnh đó, lĩnh vực lữ hành, hướng dẫn du lịch còn bộc lộ nhiều hạn chế. Tình trạng người nước ngoài nhập cảnh để kinh doanh lữ hành, làm hướng dẫn viên trái phép, bên cạnh đó là ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân trong nước chưa tốt khi tiếp tay cho người nước ngoài núp bóng, kinh doanh, tổ chức tour trái phép làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Chương trình hành động số 14-CTr/TU, ngày 24/7/2017 của Tỉnh ủy Khánh Hòa đặt mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực để phát triển các ngành, lĩnh vực khác trong tổng thể ngành kinh tế - xã hội của tỉnh; đến năm 2020, du lịch Khánh Hòa thu hút được 8,5 triệu lượt khách, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 70.000 tỷ đồng; cơ sở lưu trú du lịch có trên 40.000 buồng khách sạn, trong đó tỷ lệ buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao chiếm 70%; tạo việc làm cho trên 50.000 lao động trực tiếp và phấn đấu đến năm 2030, tăng trưởng gấp đôi các chỉ tiêu đã đạt được vào năm 2020. Để đạt được những mục tiêu trên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành du lịch, trước mắt phải tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khách quốc tế và nội địa gắn với đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, mang tính đặc thù, đậm đà bản sắc địa phương, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch biển - đảo. Địa phương cần có chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào các dự án du lịch, vui chơi, giải trí tầm cỡ, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách quốc tế, nhanh chóng nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển “kinh tế ban đêm” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cũng như kích thích chi tiêu của du khách kết hợp với đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến ở những thị trường khách trọng điểm có mức chi tiêu lớn…
Hi vọng với sự chung tay vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ mang đến những thay đổi tích cực trong thời gian tới, tạo động lực mạnh mẽ để du lịch Khánh Hòa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hoạt động du lịch là động lực để phát triển các ngành, lĩnh vực khác trong tổng thể ngành kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xuân Thỏa - VPTU