Nhắc đến du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, nhiều người nghĩ ngay đến các sản phẩm du lịch biển đảo. Tuy nhiên, bên cạnh thế mạnh đó, xứ Trầm Hương còn có nhiều tiềm năng về du lịch văn hóa tâm linh.
Những ngày này, Tháp Bà Ponagar luôn đông nghịt khách du lịch. Đến đây, dễ dàng bắt gặp nhiều đoàn khách du lịch đang chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về truyền thuyết nữ thần Ponagar, quá trình hình thành của đền tháp Chăm ở miền Trung nói chung và Tháp Bà Ponagar nói riêng. Theo ông Trần Đình Dũng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, hiện nay, trung bình mỗi ngày khu di tích này đón khoảng 5.000 - 6.000 lượt khách du lịch, dịp Tết Mậu Tuất có ngày lên đến 9.000 - 10.000 lượt khách. Cùng với Tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn cũng đón nhận một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, dâng hương...
|
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: Du lịch tâm linh là một khái niệm mới đối với ngành Du lịch Việt Nam. Về cơ bản có thể hiểu du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. |
Theo các chuyên gia, tiềm năng về du lịch văn hóa tâm linh của Nha Trang - Khánh Hòa khá lớn, có thể đẩy mạnh hơn nữa. Ngoài Tháp Bà Ponagar và chùa Long Sơn đã được khai thác khá tốt, xứ Trầm Hương còn có nhiều điểm có thể khai thác về du lịch văn hóa tâm linh như: Suối Đổ, Am Chúa, khu tưởng niệm Gạc Ma, khu lưu niệm tàu C235, miếu thờ Trịnh Phong, đền thờ Trần Quý Cáp... Trong các hội thảo về văn hóa gần đây, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã đề xuất việc xây dựng tour du lịch văn hóa tâm linh Am Chúa - Suối Đổ - Tháp Bà Ponagar. Thạc sĩ Nguyễn Thăng Long (Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam tại Huế) bày tỏ: “Tháp Bà Ponagar - Am Chúa - Suối Đổ có một sự liên kết rất chặt chẽ về văn hóa, có tiềm năng trở thành tuyến du lịch hành hương rất độc đáo. Khi đặt 3 di tích này vào trong một hệ thống liên quan mật thiết với nhau, người dân và du khách sẽ hiểu rõ hơn về bức tranh tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na ở Khánh Hòa, từ cội nguồn lịch sử cho đến thực tại. Thực tế, nhiều khách hành hương cũng đã tự tìm đến các di tích này. Do vậy, việc nghiên cứu đề xuất hướng khai thác, phát huy giá trị một cách bền vững là điều hết sức cần thiết”.
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho biết: Du lịch văn hóa tâm linh ở Việt Nam không chỉ là viếng thăm các công trình tôn giáo như các nước khác, bên cạnh đó còn là tín ngưỡng thờ cúng, tri ân những vị anh hùng dân tộc, những vị tiền bối có công với nước, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Hiện nay, đã có những ý tưởng đề xuất kết nối khu tưởng niệm Gạc Ma cùng với khu lưu niệm tàu C235 thành những điểm tham quan trong tour du lịch văn hóa tâm linh. Việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh ở đây không chỉ về kinh tế mà hơn hết là những giá trị tinh thần cho đời sống xã hội.
Theo Báo Khánh Hòa