Những năm qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa và các cấp ủy, chính quyền, công tác giáo dục nghề nghiệp đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ hơn nữa của cả hệ thống chính trị.
Kỳ 1: Chạm đến thành công
Những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn đổi mới để thu hút người học và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động, từng bước thay đổi cái nhìn của xã hội về học nghề. Nhiều học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT đã lựa chọn con đường học nghề và đạt được thành công, trong đó không ít người trở thành chủ doanh nghiệp.
Đại học không phải là con đường duy nhất
|
Tốt nghiệp trường nghề, anh Phan Thanh Tùng (bìa trái) khởi nghiệp thành công với chuỗi quán cà phê, nhà hàng. |
Sáng sớm, anh Phan Thanh Tùng (sinh năm 1991, phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang) tất bật với công việc điều hành, giao việc cho hơn 40 nhân viên tại chuỗi cửa hàng cà phê do anh quản lý. Ít người biết, sau khi học xong lớp 9, dù gia đình khuyên nhủ tiếp tục học THPT, đại học nhưng anh quyết định đăng ký học nghề quản trị nhà hàng, khách sạn hệ trung cấp tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang. Sau 3 năm học, ra trường, anh được tuyển vào làm tại Khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Vân Bay. Với niềm yêu thích học hỏi, anh tiếp tục vào TP. Hồ Chí Minh làm quản lý, điều hành cho các chuỗi nhà hàng, khách sạn. Năm 2020, anh trở về Nha Trang khởi nghiệp bằng việc mở chuỗi quán cà phê, nhà hàng, rồi góp vốn với bạn bè mở công ty thiết kế xây dựng, shop cây xanh. Các lĩnh vực kinh doanh đó đang mang lại cho anh thu nhập hơn 150 triệu đồng/tháng và tạo việc làm cho khoảng 40 nhân viên, trong đó có 15 sinh viên làm thêm theo giờ. Anh Tùng tâm sự: “Theo tôi, đại học không phải là con đường duy nhất đi đến thành công. Học nghề là sự lựa chọn đúng đắn đối với tôi. Tôi được học thực hành, đi thực tế nên ra trường có việc làm ngay và ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn”.
|
Vừa tốt nghiệp trường nghề, anh Nguyễn Đăng Huy được Công ty Cổ phần Yasaka-Saigon-Nhatrang tuyển dụng vào làm. |
Học hết lớp 9, anh Nguyễn Đăng Huy (sinh năm 1996, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh) cũng đăng ký học nghề điện lạnh tại Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh. Tốt nghiệp, anh được Công ty Cổ phần Yasaka-Saigon-Nhatrang tuyển dụng vào làm việc với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Vì công việc làm theo ca nên anh có thời gian cùng bạn bè nhận bảo dưỡng thiết bị điện, máy lạnh cho một số khách sạn khác trên địa bàn TP. Nha Trang. Có điều kiện, anh vay mượn thêm vốn, mở phòng tập gym tại Diên Phước và thuê người quản lý. Hiện tại, với những công việc đang làm đã đem lại cho anh Huy thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng. Anh Huy chia sẻ: “Trong quá trình học nghề, tôi còn được học văn hóa nên khi tốt nghiệp vừa có bằng THPT vừa có bằng nghề. Chi phí cho 3 năm học nghề chưa tới 30 triệu đồng. Có bằng nghề, có kinh nghiệm trong công việc nên thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khách du lịch ít, nhiều người bị mất việc làm nhưng tôi vẫn được công ty giữ lại làm việc và đảm bảo thu nhập”.
|
Anh Nguyễn Duy Thanh kiểm tra hệ thống điện của Siêu thị Go! Nha Trang. |
Chọn học nghề điện lạnh tại Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh khi vừa học xong lớp 9, tốt nghiệp, anh Nguyễn Duy Thanh (sinh năm 1997, xã Diên Lạc, Diên Khánh) được tuyển dụng làm nhân viên kỹ thuật tại Siêu thị Go! Nha Trang với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Anh Thanh chia sẻ: “Tùy điều kiện, hoàn cảnh, khả năng của mỗi người để lựa chọn con đường học tập, lập nghiệp cho riêng mình. Với tôi, lựa chọn học nghề là đúng đắn. Bởi hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, học nghề ít tốn kém, tốt nghiệp được nhà trường kết nối với doanh nghiệp tạo việc làm ngay. Qua 4 năm làm việc, tôi đã chứng tỏ được năng lực, kinh nghiệm của mình nên đã được đơn vị giao làm nhóm trưởng kỹ thuật”. Được biết, tại bộ phận kỹ thuật Siêu thị Go! Nha Trang có 4 người làm việc và đều tốt nghiệp các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh.
Nỗ lực trong tuyển sinh, đào tạo
Để thu hút người học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã từng bước đổi mới, bắt kịp với xu thế và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ông Mạc Tiến Hưng - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Ninh Hòa chia sẻ: “Nhà trường giao trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên, nhà giáo và thành lập tổ kết nối với các trường THCS, THPT trên địa bàn để trực tiếp tư vấn về lợi ích của học nghề, định hướng nghề nghiệp cho từng học sinh. Đồng thời, phối hợp với các thôn, tổ dân phố tuyên truyền cho phụ huynh học sinh thông qua cuộc họp chi bộ, họp dân. Đặc biệt, trường còn liên kết với các doanh nghiệp tham gia trong các buổi tư vấn, tuyển sinh, hướng nghiệp, đào tạo và tuyển dụng lao động sau đào tạo. Cách làm này đã thu hút và nâng cao nhận thức của người dân về học nghề, lập nghiệp. Trung bình mỗi năm, trường tuyển sinh đào tạo hệ trung cấp cho hơn 600 người, hệ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho 700 người; hơn 90% người học tốt nghiệp có việc làm ngay”.
|
Dạy nghề may mặc tại Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh. |
Để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực hành, thực tập và thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm sau khi ra trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động mở rộng liên kết đào tạo với 342 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ở nhiều lĩnh vực. Ông Nguyễn Doãn Thành - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang cho biết, trường thiết kế chương trình đào tạo với 70% thời lượng thực hành, đồng thời ký kết hợp tác với gần 100 doanh nghiệp lớn trên địa bàn các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận. Từ việc hợp tác này, cán bộ, giáo viên có cơ hội học tập, trải nghiệm thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, cập nhật kiến thức phục vụ giảng dạy và quản lý; sinh viên có dịp học tập, trải nghiệm, thực hành và thực tập ở môi trường kinh doanh du lịch có sao, có hạng. Các chuyên gia cũng tham gia vào quá trình đào tạo giúp sinh viên có thêm cơ hội nắm bắt, ứng dụng các kiến thức, kỹ năng. Sau 2 năm tuyển sinh không đạt chỉ tiêu do ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, hiện nay, kết quả tuyển sinh của trường có những tín hiệu khả quan. Năm 2023, trường cung cấp cho thị trường lao động hơn 800 sinh viên tốt nghiệp hệ cao đẳng.
|
Vừa nhận bằng tốt nghiệp, học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang được doanh nghiệp săn đón tuyển dụng. |
Cùng với việc đổi mới công tác giảng dạy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, từ việc lập hồ sơ quản lý, giáo án điện tử đến số hóa các thiết bị đào tạo để thuận lợi cho học sinh học nghề, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thực hành. Ông Nguyễn Văn Lực - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang cho biết: “Năm 2018, trường được tỉnh đầu tư, xây dựng cơ sở mới khang trang với diện tích hơn 7,4ha. Các xưởng học thực hành được đầu tư nhiều thiết bị mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên. Các chương trình đào tạo được chuẩn hóa và ứng dụng công nghệ số vào quản lý, đào tạo. Các thiết bị đều có mã QR để học sinh, sinh viên chủ động quét mã nghiên cứu, học tập. Đặc biệt, trường còn liên kết đào tạo với các nước như: Đức, Anh, Australia, Malaysia trong đào tạo nghề công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, điện công nghiệp… Nhờ đó, mỗi năm trường tuyển sinh đào tạo hơn 1.600 học sinh, sinh viên hệ cao đẳng và trung cấp. Hầu hết học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay”.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh còn không ngừng chuẩn hóa các nghề đào tạo. Đến nay, toàn tỉnh có 3 trường cao đẳng và 8 trường trung cấp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt ngành, nghề trọng điểm với 11 nghề cấp độ quốc tế, 5 nghề cấp độ ASEAN, 18 nghề cấp độ quốc gia. Hàng năm, hơn 1.000 nhà giáo, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh được hỗ trợ đào tạo, học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn. Đến nay, các cơ sở đã có 12 người có trình độ tiến sĩ, 215 thạc sĩ, 558 đại học, 164 cao đẳng và 71 trung cấp. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 29.500 người.
Chất lượng đào tạo của các trường nghề từng bước được cải thiện đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giúp xã hội dần thay đổi cái nhìn về học nghề. Tuy nhiên, để giáo dục nghề nghiệp phát triển xứng tầm vẫn còn không ít khó khăn.
Toàn tỉnh hiện có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 4 trường cao đẳng, 11 trường trung cấp, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; 16 doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Có 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang và Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang.
VĂN GIANG - HOÀNG NGÂN
Theo https://baokhanhhoa.vn/chinh-tri/giai-bua-liem-vang/202308/doi-moi-phat-trien-toan-dien-giao-duc-nghe-nghiep-ky-1-cham-den-thanh-cong-af71e8d/