Tour du lịch giá rẻ làm xấu hình ảnh điểm đến
Về bản chất, tour du lịch giá rẻ là hình thức cạnh tranh bằng giá theo cơ chế thị trường. Đây là cách thức bán hàng với giá tour cơ bản thấp, bao gồm dịch vụ tối thiểu tại điểm đến, tuy nhiên, khách du lịch sẽ được khuyến khích sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau như mua sắm, tham quan, vui chơi giải trí, ăn uống… Việc liên kết, tái phân bố lợi nhuận giữa các công ty lữ hành, hãng hàng không và các cơ sở dịch vụ tại điểm đến sẽ đảm bảo lợi ích của tất cả các bên tham gia chuỗi giá trị phục vụ khách du lịch.
Tour giá rẻ thường diễn ra với các hình thức như: Tổ chức gom khách thành các đoàn lớn dưới hình thức bán buôn để được hưởng chính sách ưu đãi về giá và các hỗ trợ khác từ các hãng vận chuyển, cung ứng dịch vụ, nhờ đó giá tour được giảm đáng kể. Bên cạnh đó, tour cho khách đi ngắn ngày, cắt giảm chương trình tour, ép khách phải vào điểm mua sắm khép kín chỉ phục vụ riêng khách đi theo tour giá rẻ với hàng hóa chất lượng thấp, giá cả cao gấp nhiều lần giá thực tế.
Đáng chú ý, tour đi theo đường bộ vào Việt Nam, Công ty lữ hành của nước bạn vẫn thu tiền của khách nhưng bán lại cho công ty du lịch hoặc hướng dẫn viên du lịch Việt Nam với giá rẻ hoặc 0 đồng. Vì vậy, các Công ty Du lịch Việt Nam hoặc hướng dẫn viên Việt Nam phải lấy chi phí cho các dịch vụ cơ bản theo chương trình đã ký kết với khách.
Hệ lụy khôn lường từ những tour du lịch giá rẻ (Ảnh chỉ có tính minh họa - Nguồn: Báo Dân trí)
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng Cục Du lịch, mặt tích cực mà các tour dạng này mang lại không phải là không có, bởi lẽ khách vẫn phải chi trả cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, vận chuyển và các dịch vụ khác tại điểm đến nên vẫn tạo ra doanh thu, việc làm, khuyến khích sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ dịch vụ và hàng hóa. Đối với các hãng hàng không, tour du lịch giá rẻ là đòn bẩy tăng khả năng hút khách, duy trì sự ổn định các đường bay. Bên cạnh đó, tour du lịch giá rẻ còn làm giảm tính mùa vụ của du lịch, giúp tăng lượng khách mùa thấp điểm. Đồng thời giúp các nhà đầu tư du lịch có nguồn thu ổn định, thu hồi vốn; duy trì và đem lại doanh thu cho điểm đến.
Tuy nhiên, tour giá rẻ cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch bởi về lâu về dài sẽ làm xấu hình ảnh của điểm đến nếu không quản lý một cách hiệu quả. Việc tìm kiếm doanh thu từ mua sắm hàng hóa dịch vụ ngoài tour để bù đắp cho chi phí tổ chức tour đã tạo ra sức ép lớn cho các công ty lữ hành gửi khách và hoạt động quản lý điểm đến, một số nguồn thu từ các dịch vụ mua bán hàng hóa của khách du lịch chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến không kiểm soát được doanh số và thất thu thuế.
Bên cạnh đó, việc thanh toán, giao dịch trực tuyến của khách du lịch (thông qua thiết bị chấp nhận thẻ (máy POS), thanh toán bằng QR code, các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh…) không qua hệ thống ngân hàng, vi phạm quy định pháp luật về quản lý và thanh toán ngoại tệ tại Việt Nam.
Chính vì thế yêu cầu đặt ra là việc quản lý tour giá rẻ cần phải đáp ứng yêu cầu cơ chế thị trường, quản lý được chất lượng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi khách du lịch cùng hình ảnh điểm đến và nguồn thu thuế cho Nhà nước.
Cần sự vào cuộc của chính quyền
Điểm mấu chốt để duy trì và tồn tại được tour giá rẻ hay 0 đồng là sự tồn tại của những cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, thường do người nước ngoài núp bóng điều hành và có sự tiếp tay, đồng lõa của công ty lữ hành và hướng dẫn viên Việt Nam.
Để xử lý, ngăn chặn tiêu cực, phát huy mặt tích cực của tour giá rẻ, trước tiên phải nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương; tăng cường kiểm soát đối với các cửa hàng hoạt động kinh doanh khép kín mang tính lừa đảo, kiểm soát chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, không cho giao dịch chui, trốn thuế, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. Đồng thời, kiên quyết xử phạt và rút giấy phép hoạt động đối với những doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của du khách.
Về trách nhiệm của các bộ, ngành, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch mong muốn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tăng cường phối hợp với các địa phương thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn viên; hướng dẫn, tuyên truyền cho du khách về các điểm cung ứng dịch vụ trên địa bàn. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý du lịch các quốc gia gửi khách đến Việt Nam để cung cấp thông tin đầy đủ cho du khách. Cùng với đó, việc ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến sự thất thoát về kinh tế trong hoạt động kinh doanh tour giá rẻ đòi hỏi sự quản lý liên ngành, chặt chẽ, đồng bộ đặc biệt là của chính quyền địa phương, ngành công thương, thuế, ngân hàng, công an, quản lý lao động.
Theo Dangcongsan.vn