Hiện nay, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) có tình trạng các hộ dân lấy danh nghĩa hiến đất nông, lâm nghiệp để mở đường giao thông rồi phân lô, tách thửa để chuyển nhượng trái quy định. Những mảnh đất có diện tích từ vài trăm đến vài ngàn mét vuông đang được chào bán trên mạng xã hội, các kênh, nhóm mua bán bất động sản.
Phân lô trên đất sản xuất
Qua vài lời chia sẻ về mong muốn “Bỏ phố lên rừng”, chúng tôi lập tức nhận được lời chào mời của các “cò đất” về những mảnh đất phân lô diện tích lớn, hứa hẹn đáp ứng nhu cầu.
Một mảnh đất ở xã Sông Cầu đã được chủ đất làm đường, đã có nhà xây dựng.
Từ thị trấn Khánh Vĩnh đi qua cầu tràn Thác Ngựa hướng về xã Khánh Nam khoảng 1km, sau đó rẽ vào một khu sản xuất ở thôn Hòn Dù, chúng tôi gặp khu đất phân lô đang được chào bán. Xe vừa dừng, người môi giới tên Phương chỉ tay về hướng một triền đất dốc, không còn cây cối và đon đả giới thiệu về vị trí, tiềm năng của những lô đất. Từ mảnh đất rộng gần 2,9ha, chủ đất đã chia thành 24 lô nhỏ với diện tích từ 1.000m2 đến khoảng 1.600m2, giá bán dao động từ 350 triệu đồng đến 390 triệu đồng/lô. Người môi giới còn đưa ra mức hoa hồng 40 triệu đồng cho người giới thiệu bán thành công. Khu đất cách Tỉnh lộ 8B chừng vài trăm mét, một mặt giáp đường bê tông, mặt còn lại giáp đường đất. Các lô mặt giáp đường bê tông có diện tích nhỏ nhưng giá cao hơn. Người môi giới tên Phương quảng cáo: “Trong 24 lô, lô số 12, 13 nằm ngay góc đẹp nhất đã có khách ở TP. Hồ Chí Minh mua. Các anh xem chọn mua các lô còn lại đi. Ở đây gần Tỉnh lộ 8B, ô tô vào tận nơi, phù hợp làm nhà vườn”. Xem thông tin trong sổ, hiện trạng là đất trồng cây hàng năm nên chúng tôi e ngại không được xây nhà trên đất. Tuy nhiên, người môi giới khẳng định có thể xây nhà vườn được; khu đất đã có trong quy hoạch đất ở nông thôn, nếu không mua bây giờ, giá sẽ còn tăng nữa.
Dò hỏi, những người dân trong khu sản xuất không ngạc nhiên khi nghe thông tin về việc mua bán đất ở đây, nhưng lại bật cười khi biết có người định mua đất để ở. Ông Cao D.N. cho biết: “Khu này toàn đất trồng keo với cây ăn quả. Mấy ngày nay, tôi thấy xe ô tô ra vào suốt, tưởng người ta mua đất để làm vườn, bây giờ mới biết chỗ này đã phân lô để bán”.
Thời gian tới, UBND huyện Khánh Vĩnh sẽ siết chặt việc xin hiến đất làm đường, tăng cường công tác quản lý đất đai.
Một số địa phương khác của huyện Khánh Vĩnh cũng đang diễn ra tình trạng phân lô, tách thửa để bán. Lần theo thông tin trên mạng xã hội, chúng tôi tìm đến tận nơi những khu đất phân lô được rao bán tại các xã khác như: Khánh Phú, Sông Cầu. Tại Khánh Phú, có 2 trường hợp được UBND xã xác nhận việc hiến đất làm đường vào khu sản xuất; sau đó các hộ tiến hành phân lô, chuyển nhượng mà không cần thông qua địa phương. Khi UBND xã biết thì các trường hợp này đã thực hiện xong thủ tục.
Theo người dân địa phương, việc phân lô, tách thửa để chuyển nhượng đã khiến giá đất nông nghiệp trên địa bàn “nhảy múa” không ngừng thời gian qua. Có những mảnh đất trồng cây lâu năm, giá thực tế chỉ 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng/ha, qua màn “hô biến” phân lô, tách thửa, các chủ đất có thể rao bán với giá từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/m2.
Làm trái quy định
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh thừa nhận, hiện nay, trên địa bàn huyện có tình trạng các hộ hiến đất nông, lâm nghiệp mở đường giao thông rồi phân lô, tách thửa để chuyển nhượng trái quy định.
Vừa qua, huyện đã lập đoàn kiểm tra việc phân lô, tách thửa; mua bán, sang nhượng, san ủi, thay đổi hiện trạng sử dụng đất trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, xã Khánh Nam có 1 trường hợp chủ đất xin hiến đất mở đường, mục đích ghi trên đơn mở đường để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, sau khi mở đường xong, chủ đất tiến hành thủ tục tách thửa để chuyển nhượng. Xã Cầu Bà có 1 trường hợp hiến đất mở đường giao thông rồi phân lô, tách thửa. Xã Khánh Phú có 3 trường hợp hiến đất mở đường giao thông; trong đó 2 trường hợp mở đường xong tiến hành tách thửa để chuyển nhượng. Xã Sông Cầu có 14 trường hợp mở đường, phân lô đều trên đất trồng cây hàng năm. Trong đó, chỉ có 1 trường hợp mở đường phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và được đấu nối với đường bê tông của xã, các đường còn lại không phù hợp quy hoạch; có 3 trường hợp quy hoạch đất ở, còn lại đều quy hoạch đất nông nghiệp.
Dừng hiến đất mở đường sai quy hoạch
Theo lãnh đạo huyện, nguyên nhân để xảy ra thực trạng trên là do UBND cấp xã, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Khánh Vĩnh nhận thức về quy định của pháp luật chưa đầy đủ; công tác phối hợp giữa UBND cấp xã, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện về quản lý đất đai chưa đồng bộ.
Ông Thuận cho biết, để khắc phục những thiếu sót trên, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị của Tỉnh ủy, Huyện ủy, chỉ đạo của UBND huyện về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương. Các địa phương chấm dứt tình trạng xác nhận đơn đối với những trường hợp hiến đất mở đường giao thông không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định. Đối với các trường hợp mở đường giao thông, tách thửa để thừa kế, tặng cho, thỏa thuận lối đi chung, giải quyết tranh chấp, UBND cấp xã phối hợp với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện thực hiện theo quy định của pháp luật. UBND huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương kiểm tra, kiểm soát chặt việc phân lô, tách thửa. Đồng thời, UBND huyện đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện chấm dứt tình trạng đo đạc, chỉnh lý, tách thửa đối với các trường hợp hộ dân hiến đất mở đường giao thông có xác nhận của UBND cấp xã nhưng không phù hợp với quy hoạch theo quy định; kiểm soát chặt chẽ việc tách thửa đất, cụ thể là việc tách thửa đất nông nghiệp thành nhiều thửa nhỏ để chuyển nhượng.
“UBND huyện đã yêu cầu UBND các xã: Sông Cầu, Khánh Phú, Khánh Nam, Cầu Bà; Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Khánh Vĩnh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nội dung, thủ tục hiến đất mở đường giao thông và phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp, lâm nghiệp trong thời gian qua. Tới đây, địa phương sẽ siết chặt công tác quản lý về đất đai, không để xảy ra các trường hợp tương tự”, ông Thuận khẳng định.
Theo đoàn kiểm tra của UBND huyện Khánh Vĩnh, việc xác định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp (sau khi trừ diện tích đất phải thu hồi theo quy định của pháp luật) theo quy định đối với vùng tập trung, vùng phân tán tại Điều 5, Quyết định số 32 năm 2014 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, hiện tại chưa có quy định chi tiết về vùng phân tán hay vùng tập trung đối với đất nông nghiệp. Vì vậy, khi thực hiện tách thửa, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện dựa vào nhu cầu của người dân và xác định đa số các trường hợp xin tách thửa trên là vùng phân tán để làm cơ sở tách thửa là chưa đủ cơ sở pháp lý.
Theo https://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202106/hien-dat-de-ban-dat-8218993/