Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” trên địa bàn tỉnh và vừa có báo cáo kết quả giám sát gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, căn cứ các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến các FTA mà Việt Nam là thành viên nhằm góp phần đưa các FTA này đi vào cuộc sống, giúp các doanh nghiệp trong tỉnh tận dụng được tối đa các cơ hội giao thương mà các FTA này mang lại, đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu với các đối tác nước ngoài. UBND tỉnh giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp triển khai thực hiện đã mang đến sự đồng bộ trong công tác chỉ đạo điều hành. Trong thời gian qua, các sở, ngành của tỉnh đã thực hiện tốt công tác phối hợp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh nhờ được hưởng mức thuế xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước thành viên FTA.
Trong giai đoạn 2015 - 2019, tỉnh đã phân bổ kinh phí hơn 4,9 tỷ đồng để Sở Công Thương triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm tại thị trường nước ngoài; triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có giới thiệu về các FTA mà Việt Nam đã tham gia và có hiệu lực đến các sở, ban, ngành cùng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn doanh nghiệp triển khai thực hiện về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các FTA. Ngoài ra, Cổng thông tin điện tử tỉnh thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về các FTA; đăng hơn 57 tin, bài liên quan; xây dựng chuyên mục “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” và cập nhật 25 tin, bài liên quan. Hàng năm, tỉnh đã tổ chức từ 2 đến 3 hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhiều khâu từ chuẩn bị đầu tư, đến chính sách thuế, đất đai...
Tiến sỹ Luật – Giảng viên cao cấp Phạm Văn Chất - báo cáo viên Bộ Công thương giới thiệu về Hiệp định CP TPP và các FTA khác mà Việt Nam là thành viên tại Hội nghị phổ biến khiến thức về Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2019 tại Khánh Hòa
Những kết quả đạt được từ việc thực hiện các FTA đối với địa phương
Về lĩnh vực chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng: Khánh Hòa mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các nhà đầu tư đến từ các nước Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,... nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư trong nhiều lĩnh vực như: Du lịch, khách sạn và nghỉ dưỡng, nhiệt điện, trung tâm thương mại, công nghệ cao, cảng biển, lọc hóa dầu,...; tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch, thương mại với các địa phương nước ngoài đã có quan hệ ngoại giao với tỉnh Khánh Hòa như: thành phố Ulsan (Hàn Quốc), thành phố Saint Petersburg (Nga), 02 tỉnh Champasak và Attapư (Lào), tỉnh Osaka (Nhật Bản)...; tổ chức thành công “Hội nghị xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại Nha Trang, Khánh Hòa - Nhật Bản 2018” tại tỉnh Osaka - Nhật Bản, “Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Nha Trang - Khánh Hòa” tại thành phố Seoul - Hàn Quốc. Tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, bảo vệ an toàn tuyệt đối các đoàn khách quốc tế, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm và làm việc tại Khánh Hòa, đặc biệt là trong Hội nghị quan chức cấp cao APEC (SOM1) năm 2017, Hội nghị ASEM năm 2019 tại thành phố Nha Trang; bảo vệ an ninh trật tự cho một số dự án lớn ven biển của tỉnh như dự án Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, dự án Nhà máy tàu biển Hyundai, dự án nhiệt điện BOT Vân Phong 1.
Về lĩnh vực thương mại hàng hóa: Việc tham gia các FTA đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Khánh Hòa thúc đẩy sản xuất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu góp phần nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh. Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã hiện diện tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, chủ yếu là các sản phẩm thủy sản, dệt may, đồ gỗ, tàu biển, thuốc lá, cà phê,... hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất như nguyên liệu dệt may, nông thủy sản... Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các FTA mà Việt Nam là thành viên đã giúp cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng có lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại của các nước khác trong lĩnh vực thuế quan. Các doanh nghiệp đã tận dụng ưu thế được giảm thuế trong hoạt động xuất khẩu qua việc đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) hàng hóa ưu đãi đến các thị trường mà Việt Nam là thành viên trong các FTA. Giai đoạn 2015-2019, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Khánh Hòa đã cấp 10.278 C/O ưu đãi cho các doanh nghiệp.
Về lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư: Hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đã đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2018 chiếm 46,76% (989,67/2.116,36 triệu USD) so với tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và năm 2019 tăng đến 51,16% (1.200,45/2.346,3 triệu USD).
Về các ngành sản xuất dịch vụ trong nước: Việc tham gia các FTA khiến cho nhiều mặt hàng làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước có giá thấp hơn. Vì vậy, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp được cắt giảm, từ đó, giá cả hàng hóa sẽ cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước để xuất khẩu. Tuy nhiên, cắt giảm thuế quan dẫn đến hàng hóa nhập khẩu từ các nước có tham gia FTA vào Việt Nam nhiều hơn do giá thành rẻ, mẫu mã phong phú và đa dạng, khi đó các doanh nghiệp sản xuất trong nước chịu tác động cạnh tranh trực tiếp ngay trên thị trường nội địa.
Về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, chính sách cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công: Số vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh ít xảy ra. Trong năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp nhận 03 đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, đã giải quyết 02 đơn và tiếp tục xem xét giải quyết 01 đơn. Khánh Hòa đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ năm 2019-2020: in tem/nhãn hỗ trợ 04 nhãn hiệu chứng nhận nhãn hiệu tập thể có mang tên địa danh của tỉnh Khánh Hòa gồm “Dừa xiêm Ninh Đa”, “Hoa cúc Ninh Giang”, “Sầu riêng Khánh Sơn”, “Xoài Cam Lâm”; hướng dẫn 28 tổ chức, công dân thực hiện thủ tục đăng ký xác lập, gia hạn, chuyển giao, bảo vệ sở hữu công nghiệp; hỗ trợ 02 đơn vị tổ chức lễ công bố các nhãn hiệu tập thể: “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh” và “Táo Cam Thành Nam”.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc liên kết đào tạo và giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp. Các doanh nghiệp đã tích cực tham gia các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trực tiếp tổ chức đào tạo việc làm. Ngành nghề đào tạo tập trung vào các nhóm ngành nghề mũi nhọn của tỉnh như xây dựng, dịch vụ - nhà hàng - khách sạn, may công nghiệp, chế biến thủy sản...; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tại địa phương, tuyên truyền về hậu quả của việc lao động trái phép.
Công tác bảo vệ môi trường luôn được các sở, ngành, địa phương quan tâm tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện việc bảo tồn sự đa dạng và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện tốt công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội trong việc bảo vệ môi trường trên tinh thần hội nhập để phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo 100% các dự án đầu tư đều được lập, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo đúng quy định.
Thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016, 2017 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành Chương trình hành động hàng năm để triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, với quyết tâm xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy nhiệm vụ cải cách hành chính làm khâu đột phá. Các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình của tỉnh như: Chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh quá trình sắp xếp cổ phần hóa, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đề án cơ cấu tổng thể được Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2016 - 2020.
Về cải cách thể chế (CCHC, hoàn thiện thể chế; minh bạch hóa, phòng chống tham nhũng): Toàn tỉnh có 129 trang thông tin điện tử cung cấp thông tin và các dịch vụ hành chính công đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin và giải quyết thủ tục hành chính công của công dân (20 cơ quan cấp tỉnh, 08 cơ quan cấp huyện, 101 cơ quan cấp xã). Hiện có 658 cơ quan, đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành với cùng một phiên bản thống nhất, liên thông đồng bộ trên cả ba cấp tỉnh - huyện - xã kết nối vào trục liên thông văn bản quốc gia. Phạm vi triển khai đã mở rộng đến các cơ quan ngành dọc Trung ương, các cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ văn bản đi/đến được di chuyển trên môi trường mạng trên tổng số văn bản gửi/nhận giữa các cơ quan, đơn vị và trong nội bộ cơ quan, đơn vị đạt 98%, trong đó chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng không kèm văn bản giấy đạt 75%. Có 4.600 tài khoản thư điện tử công vụ được cấp phát cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức. Các sở, ban, ngành đều thực hiện công khai, minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư và kinh doanh, các quy định, chính sách, quy hoạch của tỉnh và địa phương được công khai trên các trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành; tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Văn phòng đại diện tại Khánh Hòa phối hợp với Cục Hải quan tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại với hơn 70 doanh nghiệp xuất nhập khẩu và giới thiệu chính sách mới về lĩnh vực hải quan (ngày 27/8/2019)
Khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên
Bên cạnh một số hạn chế, bất cập trong việc ban hành chính sách pháp luật từ phía Trung ương, việc thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Kết cấu hạ tầng giao thông tại tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Dự án năng suất chất lượng chưa triển khai được kênh hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất chất lượng để tăng cường cho hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa và hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn có một số hạn chế, bất cập trong công tác tổ chức thực hiện các FTA: Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo tuyên truyền về các FTA được tổ chức tại Khánh Hòa, chưa chủ động nghiên cứu tìm hiểu kỹ về các FTA để chủ động tận dụng tốt các cơ hội do các FTA mang lại cho chính doanh nghiệp. Công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ phát triển thị trường, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ được quan tâm thực hiện nhưng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh chưa cao. Chưa thực hiện được công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các lớp tận huấn, hội nghị về hàng rào kỹ thuật trong thương mại do Văn phòng TBT (trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ) không tổ chức các lớp cho đối tượng này.
Nguyên nhân của các vấn đề tồn tại nêu trên chủ yếu do các doanh nghiệp còn hạn chế về nguồn lực, kinh phí, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chưa phổ biến do doanh nghiệp không đủ năng lực thực hiện; ít doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư của tỉnh còn lệ thuộc nhiều vào chính sách của Trung ương. Công tác giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài do hạn chế về nguồn vốn. Công tác đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề tại Khánh Hòa đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai, nhưng nhìn chung, việc tham gia các FTA thời gian qua đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Khánh Hòa thúc đẩy sản xuất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không bị phụ thuộc vào một thị trường. Hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch phát triển; việc kết nối giao thông vận tải giữa các thành viên ASEAN và đối tác FTA đã tạo điều kiện thuận lợi, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các đơn vị kinh doanh vận tải. Chất lượng dịch vụ và giá cả dịch vụ vận tải được cải thiện, trong đó các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp...
Qua báo cáo kết quả giám sát chuyên đề trên, tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ một số vấn đề nhằm hoàn thiện các cơ chế, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các FTA và chủ trương, chính sách có liên quan.
CTV – Nguyên Lộc