Khánh Hòa là địa phương có địa bàn miền núi với tổng diện tích tự nhiên là 290.500 ha, chiếm 63,5% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; trong đó đất lâm nghiệp chiếm 78%, đất nông nghiệp chiếm 6%. Toàn tỉnh hiện còn 16 xã thuộc khu vực III, 29 xã thuộc khu vực II, 06 xã thuộc khu vực I, trong đó còn 65 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng bào dân tộc thiểu số có 17.706 hộ với 71.581 người, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh, đông nhất là dân tộc Raglai, chiếm 75,86%. Đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các xã thuộc vùng miền núi của tỉnh; số còn lại sống rải rác ở các xã, thị trấn đồng bằng.
Triển khai Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2708/UBND-KT ngày 13/5/2014 để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và phân công các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức, triển khai thực hiện. Kế hoạch đặt mục tiêu tăng cường thu hút các nguồn lực, vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, các tập thể và cá nhân nước ngoài hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn miền núi của tỉnh.
Kết quả trong giai đoạn 2014 - 2017, Khánh Hòa đã tiếp nhận, triển khai thực hiện 02 dự án của các tổ chức phi chính phủ (NGO) hỗ trợ đầu tư lĩnh vực giáo dục đào tạo, cung cấp nước sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí thực hiện 2.536 triệu đồng. Trong đó, Tổ chức Build Ail-Nauy đã tài trợ xây dựng nhà ở cho giáo viên, bếp ăn bán trú cho Trường tiểu học xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh với kinh phí 1.899 triệu đồng và Công ty DNV GL tài trợ thông qua Trung ương Hội chữ thập đỏ Na Uy đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt cho thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh với kinh phí 637 triệu đồng. Trong năm 2018, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tài trợ thực hiện một số tiểu Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc” - SCRIEM cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành việc thẩm định, đánh giá tính khả thi, lựa chọn các tiểu dự án để triển khai thực hiện. Đây là nguồn lực hỗ trợ, đầu tư quan trọng giúp đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân và góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, quá trình triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên đại bàn tỉnh cũng gặp phải một số khó khăn và hạn chế nhất định. Trong đó, những chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, cung cấp kiến thức, thông tin tiếp cận thị trường, giải quyết đầu ra cho sản phẩm của đồng bào còn chưa hiệu quả. Nguồn vốn viện trợ của các tổ chức quốc tế đầu tư, viện trợ vào khu vực miền núi đặc biệt khó khăn còn thấp. Phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số mang tính đặc thù riêng nên việc vận động tài trợ gặp nhiều khó khăn...
(Ảnh minh hoa: Đại diện cấp ủy, chính quyền thăm hỏi người có uy tín trong đồng bào)
Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định một số giải pháp cụ thể như: Tiếp tục quan tâm bổ sung các chính sách ưu đãi để thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo của tỉnh, nhất là tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực này. Đổi mới, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về các chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, kết hợp đồng bộ với việc tập huấn kỹ thuật, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất trong cộng đồng dân cư. Triển khai lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực, các chương trình, chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, tăng thu nhập, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng đồng bằng.
Xuân Thỏa