Trong xu thế hiện nay, các nước có biển luôn vươn ra biển, khai thác và phát huy tiềm năng biển. Tài nguyên biển và lợi thế do biển mang lại hứa hẹn nhiều triển vọng to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Khánh Hòa có bờ biển kéo dài từ mũi Đại Lãnh tới cuối vịnh Cam Ranh khoảng 385km (tính theo mép nước) và hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ. Thiên nhiên đã ban tặng cho Khánh Hòa một vùng biển, đảo xinh đẹp, với nhiều đầm vịnh. Trong đó, có 3 vịnh: Nha Trang, Cam Ranh và Vân Phong là những vịnh biển có điều kiện tự nhiên và vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở ngã ba đường hàng hải quốc tế, có tiềm năng phát triển kinh tế cảng biển, vận tải biển, du lịch biển, công nghiệp đóng tàu và nuôi trồng thuỷ sản… Có huyện đảo Trường Sa, đơn vị hành chính thuộc tỉnh Khánh Hòa, được xác định là nơi tuyến đầu khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhận thức được tiềm năng, thế mạnh và tầm quan trọng của biển, đảo đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh - quốc phòng, từ năm 2001 đến nay, Khánh Hòa đã tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình kinh tế biển giai đoạn 2001 - 2005, giai đoạn 2006 - 2010 và hiện đang triển khai thực hiện Chương trình chiến lược biển giai đoạn 2015 - 2020, với mục tiêu xây dựng Nha Trang, Cam Ranh, Vân Phong thành 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Trong đó, Bắc Vân Phong là 01 trong 03 nơi được Chính phủ chọn xây dựng đơn vị đặc khu hành chính kinh tế.
Trong thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tiềm năng thế mạnh mời gọi đầu tư vào 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
- Thành phố Nha Trang qua 10 năm thực hiện định hướng phát triển, mở rộng không gian Thành phố về phía Tây theo trục Đường Võ Nguyên Giáp (dài 11 km, lộ giới 60m), nối liền với tuyến đường Khánh Lê – Lâm Đồng. Kết nối trục giao thông cảnh quan bờ biển phía Đông: - Đại lộ Nguyễn Tất Thành tới sân bay Cam Ranh và Đường Phạm Văn Đồng ra đến hết địa giới xã Vĩnh Lương. Nhiều khu dân cư, khu du lịch, công nghiệp và các công trình hạ tầng kỹ thuật mới được đầu tư xây dựng. Trong đó, các khu công nghiệp (KCN) và kho tàng tập trung chủ yếu ở phía Bắc (Đắc Lộc) và khu phía Nam (Bình Tân, Hòn Rớ). Khu du lịch nghỉ dưỡng phát triển về phía Bắc thành phố. Khu Trung tâm thành phố được chỉnh trang, xây dựng đô thị với nhiều trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ tổng hợp, ngân hàng, khách sạn, siêu thị. Hoạt động thương mai, dịch vụ, du lịch phát triển mạnh, làm cho diện mạo thành phố Nha Trang thay da, đổi thịt hằng ngày. Nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng biển có thương hiệu trong nước và thế giới được xây dựng, như: Vinpearl Nha Trang, Ana Mandara, Sheraton Nha Trang, Intercontinental Nha Trang, Novotel Nha Trang, Hòn Tằm… đã để lại trong lòng du khách, bạn bè trong và ngoài nước những ấn tượng tốt đẹp về một thành phố Nha Trang năng động, văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường.
- Thành phố Cam Ranh được đầu tư thành trung tâm kinh tế phía Nam của tỉnh với mục tiêu phát triển kinh tế đa ngành kết hợp với quốc phòng. Hệ thống giao thông ven biển cơ bản hoàn thành tạo điều kiện cho việc đầu tư và phát triển Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh thành khu du lịch cao cấp và hình thành chuỗi đô thị ven biển. Nhiều dự án du lịch sinh thái biển đang được đầu tư đạt chuẩn quốc tế. Đến tháng 10/2017, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh có 44 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư các dự án trên 28.790 tỷ đồng. Trong đó, 07 dự án đã hoạt động kinh doanh giai đoạn 1 với quy mô khoảng 1.300 phòng và 10 dự án dự kiến đưa vào khai thác trong giai đoạn 2018 - 2019 với quy mô khoảng 3.000 phòng. Sân bay Cam Ranh được xây dựng thành sân bay quốc tế với nhiều hạng mục công trình được nâng cấp như: đường băng chính, nhà ga, các khu quản lý, điều hành và các công trình dịch vụ mặt đất khác..
- Khu kinh tế (KKT) Vân Phong với định hướng tập trung thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế chủ lực như: cảng trung chuyển quốc tế, du lịch biển chất lượng cao, trung tâm tài chính - thương mại quốc tế. Đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút được 157 dự án với các ngành nghề chủ yếu là công nghiệp đóng tàu biển, xây dựng cảng biển, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch. Trong đó, nhiều dự án cảng biển, khu công nghiệp (KCN) đã được đầu tư và đi vào hoạt động như: Cảng xăng dầu ngoại quan Vân Phong, cảng cát Đầm Môn, cảng Hòn Khói, cảng nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin, cảng xi măng Nghi Sơn, cảng du lịch Hòn Ông (Đầm Môn); Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin... KCN Ninh Thủy; KCN Vạn Thắng.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã thông qua Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.
Tổng kết 10 năm thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đánh giá đạt được những thành tựu đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa, xã hội cho khu vực ven biển và hải đảo Khánh Hòa. Điều kiện sống của người dân vùng biển từng bược được cải thiện; phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng biển đảo được giữ vững. Đặc biệt, 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đã được hình thành và phát triển đúng mục tiêu định hướng đã đề ra. Đây là động lực và điều kiện kiện để Khánh Hòa thực hiện thắng lợi Chương trình kinh tế biển và định hướng chiến lược biển Khánh Hòa đến năm 2020, thỏa được khát vọng vươn ra biển, chinh phục biển để làm giàu cho quê hương, đất nước và giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ vùng biên cương, lãnh hải của Tổ quốc.
Nguyễn Thọ - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy